Những chuyến bay tự hào hai tiếng Việt Nam

Tác giả: Hải Thanh

saosaosaosaosao

Dù có áp dụng giải pháp nào đi chăng nữa, nhưng nếu không được bay thì các hãng hàng không sẽ không thể tồn tại. Trong "cơn bão" đại dịch, hàng không Việt Nam vẫn luôn làm tròn sứ mệnh với những chuyến bay vào thẳng tâm dịch chở đồng bào hồi hương hay những chuyến hàng hóa đầy giá trị nhân văn. Xuất hiện trong thời khắc khó khăn ấy là muôn vàn tấm gương đẹp, những con người luôn tận tụy với nghề như câu chuyện cảm động của những nữ tiếp viên hàng không Việt Nam.

 

1
Vắc-xin được vận chuyển lên tàu bay tại Nhật Bản để về Việt Nam

Bay để cứu đồng bào, bay để tồn tại

2 năm qua, đặc biệt trong khoảng thời gian bùng phát đợt dịch thứ tư trên cả nước, hoạt động của các hãng hàng không Việt Nam gần như bị ngưng trệ, thiệt hại ở con số vô cùng lớn. Với sứ mệnh đặc biệt, các hãng hàng không Việt Nam vẫn cố gắng xoay sở mọi cách để trụ lại, tìm cơ hội phục hồi và phát triển.

Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã hoàn thành nhiệm vụ do Chính phủ giao phó là đảm bảo cầu hàng không huyết mạch, thực hiện hàng ngàn chuyến bay đặc biệt, trong đó có những chuyến bay tới Hoa Kỳ, Canada và nhiều quốc gia châu Âu để chuyên chở hàng vạn đồng bào hồi hương, chuyên gia vào Việt Nam; kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách, đặc biệt là người lao động và du học sinh ra nước ngoài; hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu hàng hóa, nông sản, kết nối giao thương; vận chuyển vắc-xin, máy thở, trang thiết bị, vật tư y tế cùng lực lượng chống dịch tới các “điểm nóng”. Các hãng hàng không tư nhân khác như Vietjet Air, Bamboo Airways cũng tổ chức rất nhiều chuyến bay nhân đạo vận chuyển người, thiết bị y tế và hàng hóa, chung tay cùng đất nước vượt qua đại dịch. Đó thật sự là những “chiến binh thép” xuyên thẳng vào vào vùng dịch, đảm trách nhiệm vụ cao quý mà có lẽ không một loại hình vận tải nào làm được.

Để có “chìa khóa” “mở cửa” bầu trời, đến nay, hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet Air đã triển khai ứng dụng “hộ chiếu sức khỏe điện tử”. Đây có thể coi là “chìa khóa” mở cửa biên giới, tạo điều kiện cho hành khách đi lại thuận lợi giữa các quốc gia, đồng thời đáp ứng mọi yêu cầu nhập cảnh của cơ quan chức năng và chính phủ tại điểm đến. Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của British Airways Sean Doyle đánh giá: “Đây là một giải pháp đóng vai trò quan trọng trong việc nối lại các đường bay quốc tế, giúp người dân an tâm đi lại, du lịch, công tác. Hy vọng, đây sẽ là một nền tảng thân thiện và hữu ích cho hành khách khi di chuyển trong thời điểm còn dịch Covid-19.”

Tìm thấy “cơ” trong “nguy”

Sáng 29/11, chuyến bay mang số hiệu VN98 của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines)đã hạ cánh tại sân bay San Francisco, trở thành chuyến bay lịch sử đánh dấu sự kiện đường bay thẳng thương mại thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ chính thức được khai mở. Cho đến nay, Vietnam Airlines là hãng hàng không Việt Nam đầu tiên và duy nhất khai thác đường bay thẳng thường lệ đến Mỹ.

Ngành Hàng không Việt Nam nói chung và Vietnam Airlines nói riêng đã có sự chuẩn bị 20 năm để mở đường bay thường lệ đến Mỹ. Quá trình này đã chính thức hoàn tất vào ngày 04/11 vừa qua, sau khi Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp phép cho Vietnam Airlines khai thác các chuyến bay thẳng thương mại thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ.Với việc cầu hàng không Việt - Mỹ được thiết lập, đặc biệt Vietnam Airlines hiện là hãng duy nhất bay thẳng không điểm dừng giữa hai nước, hành khách sẽ có thêm cơ hội để di chuyển nhanh chóng, thuận tiện giữa hai quốc gia, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế, giao lưu văn hóa và tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ.

Mạnh mẽ để chiến thắng

Nhắc đến những chuyến bay giải cứu đồng bào trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nữ tiếp viên của Vietnam Airlines Phan Trà My cho biết, cô không thể nào quên chuyến bay lịch sử với hành trình 25.000 km bay thẳng đến Mỹ hồi tháng 5/2020 để đón đồng bào về nước.

2
Tiếp viên Phan Trà My. Ảnh: VNA

Tiếp viên Phan Trà My bồi hồi kể: “Khi nhìn phi hành đoàn bước vào, bà con mình dù đeo khẩu trang kín mít nhưng tôi vẫn nhận thấy ánh mắt bừng sáng trên gương mặt họ. Tôi cảm nhận được niềm hân hoan hạnh phúc của đồng bào khi mọi người đứng lên vỗ tay chào đón chúng tôi. Hành khách ưu tiên của chuyến này là người lớn tuổi có bệnh nền, thậm chí có người phải ngồi xe lăn, du học sinh, bà con kiều bào, một số cán bộ đi công tác bị kẹt lại do đại dịch... Thương nhất là nhiều cháu nhỏ mới vài tháng tuổi, ánh mắt ngái ngủ vì phải dậy sớm và di chuyển từ xa đến sân bay cho kịp chuyến bay. Mặc đồ bảo hộ, đeo kính chắn giọt bắn, khẩu trang N95 trong suốt 20 tiếng là những trang phục hoàn toàn khác xa với những chuyến bay thông thường. “Chúng tôi phải dùng bút dạ viết tên nhau trên ngực áo và phía sau lưng để có thể gọi nhau vì ai cũng giống ai, chẳng phân biệt được”.

Giây phút hạ cánh tại sân bay Vân Đồn, tất cả đều vỡ òa niềm vui. “Giọng phát thanh chào khách như thường lệ là công việc của tôi suốt 17 năm qua, ấy vậy mà trong giây phút đó tôi thấy nghẹn lời, thậm chí còn vấp khi đọc những dòng chữ hết sức bình thường, quen thuộc: Máy bay của chúng ta đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Vân Đồn, Việt Nam. Bây giờ là 18h45 ngày 8/5 giờ Hà Nội...”, Trà My xúc động.

Còn tiếp viên Bùi Lệ Uyên thì ám ảnh mãi với những hành khách nhí trên chuyến bay Pusan (Hàn Quốc) - Hà Nội trong mùa dịch Covid-19. Các bé thường phải rời vòng tay cha mẹ trở về quê nhà để ông bà chăm sóc. “Những lúc máy bay giảm độ cao, các bé thường quấy khóc vì chênh lệch áp suất khiến tai bé bị đau. Hơn ai hết, các nữ tiếp viên hàng không, vốn cũng là những người mẹ sớm phải xa con đi làm nhiệm vụ luôn hiểu và cảm thông với những hoàn cảnh đặc biệt này”, Lệ Uyên tâm sự.

Lê Thị Quyên là một tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines. Nhưng đúng gần 2 năm trước, sự kiện đặc biệt đã diễn ra: Quyên dương tính với virus SARS-CoV-2.

Trong thời gian điều trị, Quyên tình nguyện tham gia thử nghiệm đánh giá hiệu quả của thuốc điều trị bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Nhiệt đới TW2. Quyết định của Quyên nghe rất đơn giản nhưng thực tế không phải ai cũng đủ can đảm để làm được. Nếu biết những gì nữ tiếp viên hàng không này làm sau đó nữa, bạn sẽ phải thốt lên: Phi thường! Quyên tâm sự: “Tham gia thử nghiệm đánh giá hiệu quả thuốc ai cũng bảo liều nhưng mình không nghĩ nhiều. Mình luôn tin rằng bản thân sẽ chiến thắng con virus đó”.

Ý kiến của bạn

Bình luận