Nhiều khó khăn trong công tác quản lý đường thủy nội địa phía Nam

Tác giả: MỸ LỆ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 15/08/2019 16:03

Cùng với phát triển giao thông đường bộ, việc phát triển giao thông đường thủy nội địa là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành GTVT. Tuy nhiên, việc đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa hiện nay chưa tương xứng và gắn kết với mạng lưới giao thông khác để có thể tạo thành hệ thống liên hoàn, thông suốt.

 

IMG_0705

Theo Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam, mạng lưới sông, kênh ở khu vực phía Nam có trên 25.000km có thể khai thác vận tải thủy. Trong đó, tuyến đường thủy nội địa quốc gia dài 3.186,3km (bàn giao tuyến sông Hậu về lĩnh vực hàng hải, còn lại gần 3.000km), còn lại là tuyến đường thủy nội địa địa phương. Trong tổng số 3.186,3km đường thủy nội địa quốc gia thì có 566km là cấp đặc biệt; 183,6km cấp I; 254,6km cấp II; 1.965 kênh cấp III; 217,2km cấp IV.

Hệ thống đường thủy có thể phân ra với trục ngang gồm 8 tuyến xuất phát từ biên giới bờ ra biển Đông gồm: Tuyến sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây, sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông. Trục dọc là các tuyến nối từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm: TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau; TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Rạch Giá - Hà Tiên; TP. Hồ Chí Minh - Đồng Tháp Mười - Kiên Lương.

Trục vành đai ven biển: Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau - Vĩnh Long - Đồng Nai - TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu. Tuyến vận tải ven biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang có 9 cửa kết nối với đường thủy nội địa.

Hiện nay, tình hình TTATGT còn phức tạp, tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa còn xảy ra nhiều, đặc biệt là việc xây dựng công trình không phép. Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm luồng, hành lang bảo vệ luồng xảy ra ở nhiều nơi; cảng bến hoạt động không phép, vận tải hành khách ngang sông còn có nhiều vi phạm. 

Hiện tại, lực lượng Thanh tra còn mỏng (trung bình 01 thanh tra viên đảm nhận trên 130km), thêm vào đó là kinh phí hoạt động không có, trang thiết bị phục vụ công việc còn thiếu (máy đo sâu cầm tay, GPS định vị...). Nhiều địa phương chưa quan tâm về ATGT đường thủy nội địa cũng như quy hoạch phát triển giao thông đường thủy. Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện tại các mỏ khai thác cát vẫn chưa có biện pháp tổ chức, quản lý. Phương tiện quá tải khi xử phạt, phạt xong vẫn tiếp tục cho đi vì lực lượng Thanh tra không có bãi và thiết bị để hạ tải. Ngoài ra, hệ thống báo hiệu không quy chuẩn kích cỡ, trên một tuyến sông hiện có nhiều loại phao Φ1,1m, 1,2m, 1,4m, 1,5m, 1,6m, 1,7m... 02m, 2,4m; nhiều kích cỡ loại cột cao 6m, 7m, 8,5m, 9m và 10m (với nhiều đường kính cột khác nhau), chiều cao trụ đèn 12m, 18m, gây khó khăn trong quản lý bảo trì.

Khu vực phía Nam có nhiều lợi thế để phát triển đường thủy, tuy nhiên việc đầu tư phát triển hạ tầng, các luồng sông vẫn chưa tương xứng và chưa khai thác triệt để lợi thế này. Đơn cử như cửa Hàm Luông đã có dự án xã hội hóa nạo vét cải tạo nhưng mới triển khai ở ngoài cửa, còn luồng tuyến bên trong vẫn chưa thông suốt. Phía cửa Cổ Chiên đã có dự án xã hội hóa nạo vét cải tạo, tuy nhiên đến nay chưa triển khai được do vướng mắc tại địa phương. Về vấn đề này, Bộ GTVT và Chính phủ cần chỉ đạo, hướng dẫn địa phương để người dân hiểu, đồng thuận. Bên cạnh đó, cần đầu tư lắp đặt hệ thống phao dẫn luồng cho tàu biển lưu thông để khai thác hiệu quả tuyến này. Các cơ quan, ban, ngành cần tiếp tục làm việc với tỉnh Bến Tre, Trà Vinh để trình Chính phủ xin cơ chế tiếp tục nạo vét tận thu sản phẩm để đảm bảo các cấp kỹ thuật luồng theo quy định trong khi ngân sách nhà nước còn khó khăn, hạn chế.

Như đoạn sông Măng Thít (nối sông Cổ Chiên và sông Hậu) có bề rộng và độ sâu phải đạt cấp III, tuy nhiên đoạn này lại đang gặp hạn chế vì bề rộng luồng chỉ có 26m, độ sâu chạy tàu 3m và cầu Măng Thít có khẩu độ nhỏ (20m). Vì vậy, cần nạo vét, cải tạo sông Măng Thít đạt được cấp III như quy hoạch với bề rộng luồng 36m, độ sâu 3,4m và xây dựng lại cầu Măng Thít để nâng cao năng lực vận tải và tàu container.

Dưới góc độ thực hiện một số công tác quản lý nhà nước về GTVT đường thủy nội địa, lãnh đạo Chi cục Quản lý Đường thủy nội địa phía Nam cho biết thêm, đơn vị đã thường xuyên phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chiến lược, quy hoạch, đề án và cơ chế chính sách phát triển GTVT đường thủy nội địa; tổ chức thực hiện các hoạt động bảo đảm ATGT đường thủy, triển khai thực hiện công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; thông báo luồng đường thủy nội địa, công bố hạn chế giao thông, kiến nghị việc đóng, mở, nâng cấp kết cấu hạ tầng tuyến, luồng trên đường thủy nội địa quốc gia và chấp thuận phương án đảm bảo ATGT theo quy định của pháp luật; cho ý kiến thỏa thuận đối với việc xây dựng các công trình có liên quan đến giao thông đường thủy nội địa trên đường thủy nội địa quốc gia theo phân cấp, ủy quyền của Cục. Từ đó, Chi cục phối hợp với các địa phương, cơ quan trong Ngành để khắc phục những hạn chế thiếu sót trong quản lý và xây dựng phát triển hơn nữa ngành Đường thủy nội địa cho khu vực

Ý kiến của bạn

Bình luận