Nhiệm vụ công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm quy định của pháp luật về quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ năm 2021; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của Cục Quản lý Đường bộ II

Diễn đàn khoa học 24/03/2021 16:11

Từ kết quả công tác thanh tra, kiểm tra năm 2020, Cục Quản lý Đường bộ II xét thấy trong năm 2021 và những năm tiếp theo cần tiếp tục chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm quy định hiện hành của pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức,


 

CN. HỒ VĂN SỰ
Đội Thanh tra - An toàn (Cục Quản lý Đường bộ II)

29291453738822_1
Hành lang an toàn đường bộ nhiều nơi bị lấn chiếm, xây dựng trái phép

 

1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Từ kết quả công tác thanh tra, kiểm tra năm 2020, Cục Quản lý Đường bộ II xét thấy trong năm 2021 và những năm tiếp theo cần tiếp tục chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm quy định hiện hành của pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân làm việc, sinh sống hai bên quốc lộ; đồng thời tăng cường trách nhiệm của các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ nhằm góp phần đảm bảo tính an toàn của công trình đường bộ và ATGT trên tuyến, hạn chế đến mức thấp nhất TNGT đường bộ xảy ra vì nguyên nhân là do tình trạng kỹ thuật của cầu đường bộ.
Trong đó, trước hết là trách nhiệm của đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ phải trồng cắm, quản lý và bổ sung các loại mốc giới của đường bộ theo đúng quy định tại điểm 3.3 Mục 3, Phần I, Phụ lục số 1 Thông tư số 48/2019/TT-BGTVT ngày 17/12/2019 của Bộ trưởng Bộ GTVT Quy định tiêu chí giám sát, nghiệm thu kết quả bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông theo chất lượng thực hiện và việc áp dụng hình thức bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó trách nhiệm của đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ là phải bảo quản đầy đủ các loại cột, cọc từ khi nhận bàn giao.
Đối với cọc giải phóng mặt bằng, cọc mốc lộ giới, cọc mốc đất của đường bộ bị hư hỏng, bị mất phải được sửa chữa, thay thế trong vòng 7 ngày và tuyên truyền, phổ biến để các tổ chức, cá nhân làm việc, sinh sống hai bên quốc lộ biết được đất của đường bộ là đất lưu không không được xâm hại dưới bất kỳ hình thức nào, gồm cả không được đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; còn đất hành lang an toàn đường bộ là đất bị hạn chế quyền sử dụng đất, chỉ được giao tạm thời để sử dụng vào mục đích nông nghiệp và quảng cáo, không được xây dựng nhà cửa, lều quán, công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ.

2. CÁC KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH LANG AN TOÀN ĐƯỜNG BỘ CỦA KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ QUỐC LỘ
- Một là, do hầu hết UBND địa phương cấp có thẩm quyền khi phê duyệt cấp đất, giao đất, cho thuê đất xây dựng hai bên quốc lộ chưa tuân thủ đầy đủ quy định của Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Giao thông đường bộ về tính đồng bộ của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dẫn đến các tổ chức, cá nhân vi phạm về xây dựng, san lấp mặt bằng trong hành lang an toàn đường bộ, đấu nối trái phép vào quốc lộ, từ đó khó ngăn chặn và rất khó xử lý. Thực trạng này gây đô thị hóa hai bên các đoạn tuyến quốc lộ, khó xử lý thoát nước mặt đường, làm giảm khả năng thoát nước của hệ thống cầu, cống và làm giảm năng lực vận tải thông qua tuyến.
- Hai là, theo quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013 thì đất hành lang bảo vệ công trình (trong đó có đất hành lang an toàn đường bộ) được cấp giấy chứng nhân quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất. Vì vậy, đối với các trường hợp vi phạm về xây dựng nhà cửa, lều quán, công trình trong phạm vi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rất khó xử lý. Cũng vì lý do này, các trường hợp vi phạm về hành lang đường bộ, Cục chuyển địa phương xử lý. Tuy nhiên, vấn đề này ít được địa phương chú ý, do vậy vẫn còn tồn đọng nhiều trường hợp vi phạm về hành lang an toàn đường bộ chưa được xử lý.

3. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ CỦA CỤC QUẢN LÝ ĐƯỜNG BỘ II
- Một là, đề nghị Thanh tra Bộ tham mưu cho Bộ GTVT có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Chỉ thị về tăng cường quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông quốc lộ, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của UBND địa phương trước khi phê duyệt cho các tổ chức, cá nhân xây dựng hai bên quốc lộ phải tuân thủ Luật Quy hoạch, Luật Giao thông đường bộ, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và các luật khác có liên quan.
Phải xây dựng đồng bộ xong hạ tầng kỹ thuật trước khi phê duyệt cấp đất, giao đất, cho thuê đất xây dựng hai bên quốc lộ, xử lý kỷ luật các cá nhân có thẩm quyền liên quan nếu có sai phạm; Chỉ thị đề cập việc xây dựng và ban hành Quy chế phân định trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan quản lý đường bộ (cục quản lý đường bộ khu vực, sở GTVT) với UBND cấp huyện ở địa phương và đơn vị trực tiếp quản lý, bảo trì quốc lộ về quản lý, bảo vệ và xử lý vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông quốc lộ qua địa bàn; trong đó phân định rõ cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm chủ trì xử lý vi phạm công trình đường bộ, vi phạm xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường bộ, vi phạm về đấu nối vào quốc lộ, vi phạm đất của đường bộ đã được đền bù giải tỏa, thu hồi đất và vi phạm về xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo trong hành lang an toàn đường bộ quốc lộ.
UBND cấp huyện, cấp xã ở địa phương có trách nhiệm chủ trì xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ, vi phạm đất của đường bộ chưa được đền bù giải tỏa, thu hồi đất, vừa vi phạm đất của đường bộ vừa vi phạm hành lang an toàn đường bộ và các hành vi trộm cắp, phá hoại công trình, tài sản đường bộ quốc lộ.
- Hai là, kiến nghị Bộ GTVT có văn bản báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ có quyết định gia hạn việc thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ và đường sắt giai đoạn 2014 - 2020 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014, gia hạn thời gian thực hiện Quyết định này đến hết năm 2025 nhằm mục đích có nguồn kinh phí đền bù hoặc hỗ trợ để xử lý thu hồi được diện tích đất của đường bộ quốc lộ để phục vụ công tác quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ đường quốc lộ theo luật định (để giữ vật tư phục vụ công tác bảo trì, để lắp đặt và di chuyển các thiết bị phục vụ công tác bảo trì, để chất bẩn từ mặt đường chảy ra hai bên đường, chống xâm hại công trình đường bộ).
Đồng thời, để có nguồn kinh phí xử lý được các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ quốc lộ gây ảnh hưởng đến ATGT hoặc an toàn công trình đường bộ nhưng thuộc yếu tố lịch sử để lại có nguyên nhân xuất phát từ lỗi cấp đất của UBND địa phương nên phải đền bù hoặc hỗ trợ mới giải tỏa được các trường hợp vi phạm này. Ví dụ như, trước đây UBND huyện X cấp cho ông Nguyễn Văn A 300 m2 đất kể từ mép ngoài cùng của nền đường bộ QL Y, trong đó 100 m2 đất ở, 200 m2 đất vườn nhưng không phân định ranh giới đâu là đất ở, đâu là đất vườn. Vì thế, ông Nguyễn Văn A đã xây dựng nhà ở trên đất hành lang an toàn đường bộ quốc lộ này, phần đất mà lẽ ra quyết định cấp đất phải phân định rõ đó là đất vườn.
- Ba là, kính đề nghị Thanh tra Bộ tham mưu cho Bộ GTVT có văn bản kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm c khoản 4 Điều 56 - Đất xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn ở Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013; đề nghị sửa đổi, bổ sung vào cuối điểm c, khoản 4 Điều 56 Nghị định này quy định sau: “Riêng đất hành lang an toàn đường bộ, đường sắt và đất hành lang bảo vệ đê điều không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất mà chỉ là đất được tạm giao sử dụng vào mục đích nông nghiệp hoặc quảng cáo”.

Ý kiến của bạn

Bình luận