Nhà xe lãi chục triệu vì chờ giảm giá theo... quy trình

Doanh nghiệp 06/09/2015 15:02

Với tuyến HN - Nam Định trung bình 1 ngày 2 chuyến, thì nhà xe có thể lãi thêm 9,6 triệu/tháng do không giảm giá cước khi giá xăng đã giảm sâu.

Thanh Niên đưa tin, ông T, một nhà xe có 2 xe chuyên tuyến Hà Nội - Nam Định (khoảng 110 km), cho biết lượng xăng dầu mỗi chuyến với xe khách 54 chỗ khoảng 22 - 24 lít dầu diesel vào mùa hè và 20 - 21 lít vào mùa đông (do không phải dùng điều hòa khi chạy xe.

Theo ông T, giá dầu chiếm khoảng 38 - 40% chi phí giá thành mỗi chuyến xe, cùng phí cầu đường (phí cao tốc, trạm BOT), khấu hao, sửa chữa, nhân công, bảo hiểm.

Tính ra, mỗi chuyến xe 54 chỗ, chi phí nhiên liệu thời điểm đầu tháng 6 khi giá dầu bắt đầu chu kỳ giảm là 390.000 - 400.000 đồng/chuyến, đến nay giảm còn 320.000 đồng/chuyến, tức nếu không giảm giá cước thì nhà xe lãi thêm 70.000 - 80.000 đồng tiền dầu/chuyến.

Trung bình, với 2 xe (54 và 24 chỗ) mỗi ngày 2 lượt đi/về, ông T. lãi thêm 9,6 triệu đồng/tháng nhờ giá dầu rẻ. Như vậy, càng chạy nhiều, nhà xe, các hãng vận tải càng lãi lớn.

Nha xe lai chuc trieu vi cho giam gia theo... quy trinh

Nhiều nhà xe cố tình không giảm giá cước

Trong khi đó, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Xí nghiệp bến xe phía nam (Hà Nội) cho biết: "Trong tháng 6 - 7 các DN đăng ký tại bến xe đều giữ nguyên giá vé, với lý do giá dầu giảm ít dù trên thực tế 2 tháng này giá dầu diesel giảm liên tiếp 4 lần"

Hơn thế, theo ông Thành, nếu có giảm giá cũng mất ít nhất 1 tuần nữa các DN mới rục rịch thực hiện. Lý do, các DN nói thủ tục đăng ký giá cước còn rườm rà, phải báo cáo nhiều sở ngành, in ấn lại giá vé.

Điều đáng nói, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, ngày 31/8, đã ký công văn yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố đề nghị hiệp hội vận tải ô tô tại địa phương tuyên truyền, vận động các đơn vị vận tải trên địa bàn kê khai và niêm yết giá cước theo quy định.

Đặc biệt, phải điều chỉnh giảm giá cước vận tải đường bộ phù hợp theo mức giảm giá nhiên liệu hiện hành. Kết quả thực hiện phải báo cáo UBND cấp tỉnh, Bộ GTVT, Bộ Tài chính trước ngày 30/9.

Thế nhưng, trao đổi với Đất Việt, ngày 31/8, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN khẳng định: "Việc giảm giá cước còn căn cứ giảm thế nào, giảm bao nhiêu, còn nhiều yếu tố không riêng gì mỗi nhiên liệu không. Đương nhiên có độ trễ để giảm, nó không thể như giá nhiên liệu tuyên bố 8h tối tăng hay giảm là thay đổi ngay, còn anh giá cước thì còn có độ trễ lại, qua nhiều quy trình".

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cũng không đồng tình với nhận định giá xăng dầu tăng thì giá cước vận tải tăng, giá xăng dầu giảm thì giá cước vận tải giảm, dĩ nhiên đó là quy luật, nhưng không phải là tất cả.

Bởi vì, cũng có những đơn vị họ lì ra không tăng giá thì cũng không thể bảo họ bắt buộc phải giảm giá thành.

Quan trọng hơn, điều chỉnh giá taxi, tương đối phức tạp, bảng kê khai, lập trình lại đồng hồ tính tiền, nên tương đối mất thời gian, vì thế, nên quyết định thay đổi giá phải mang tính bền vững lâu dài.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết: "Phải 5-7 ngày nữa Hà Nội mới giảm giá cước vận tải vì các doanh nghiệp đang thực hiện các thủ tục kê khai chờ phê duyệt, thực hiện thay đổi tính cước đồng hồ... nên sẽ chưa thể giảm ngay".

Mức cước dự kiến sẽ được các doanh nghiệp taxi thực hiện giảm sẽ vào khoảng 500-700 đồng/km.

 Hãng taxi Vinasun đã giảm 500 đồng/km

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, cho biết hôm qua Hãng taxi Vinasun đã giảm 500 đồng/km, các hãng taxi khác cũng đang tính toán giảm.

“Hiệp hội cũng đã có văn bản động viên các DN nên giảm giá cước khoảng 500 đồng/km”, ông Hỷ cho hay.

Theo tính toán, một xe taxi trung bình tiêu thụ từ 7 - 9 lít xăng/100 km, chi phí nhiên liệu chiếm từ 25 - 35%.

Ý kiến của bạn

Bình luận