Nhà đầu tư BOT QL91 đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Tác giả: Nam Hải

saosaosaosaosao
Đường bộ 31/10/2022 14:50

Đại diện nhà đầu tư BOT QL91 cho biết, nếu Quốc hội, Chính phủ không có phương án xử lý sớm, nhiều nhà đầu tư sẽ vỡ nợ, phá sản.

Nhà đầu tư BOT QL91 đứng trước nguy cơ vỡ nợ - Ảnh 1.

Nhà đầu tư dự án BOT QL91 đứng trước nguy cơ phá sản

Hôm nay (31/10), Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) tổ chức tọa đàm: "Tháo gỡ bất cập dự án PPP hạ tầng giao thông" và "Cơ hội và thách thức nhà thầu tham gia cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2".

Toạ đàm có sự tham dự của đông đảo đại biểu, khách mời là các chuyên gia, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp dự án, các nhà thầu trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông.

Các chuyên gia, doanh nghiệp đã thảo luận về những bất cập cần được giải quyết của các dự án PPP giao thông hiện nay. Trong đó đáng chú ý là dự án cải tạo, nâng cấp QL91.

Ông Nguyễn Văn Khang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư QL91 nói: "Hợp đồng tín dụng bị xếp vào nhóm 5. Điều này ảnh hưởng đến chủ đầu tư, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của chúng tôi, ảnh hưởng đến cả ngân hàng. Ngân hàng tín dụng cũng thừa nhận cho biết hiện giờ xếp vào nhóm nợ xấu không chỉ riêng nhà đầu tư mà ngân hàng cũng ảnh hưởng".

"Phải có chính sách riêng đối với dự án BOT này. Nếu chỉ đàm phán giữa nhà đầu tư và ngân hàng là chưa đủ. Chúng tôi có nhiều văn bản đối với ngân hàng thương mại, họ trình lên ngân hàng Nhà nước thì ngân hàng Nhà nước nói không được vì phải thực hiện theo luật, theo thông tư".

"Chính phủ cần sớm có phương án giải quyết. Tôi thiết nghĩ cần đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội có chỉ đạo cụ thể không thì không giải quyết được vấn đề này. Nếu không làm sớm nhà đầu tư sẽ lâm vào vỡ nợ, phá sản", ông Khang chia sẻ.

Nhà đầu tư BOT QL91 đứng trước nguy cơ vỡ nợ - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Khang - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư QL91 phát biểu tại buổi tọa đàm

Theo ông Phước, dự án cải tạo, nâng cấp QL91 đoạn Km14 - Km50+889 đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT tại Quyết định 10947 ngày 27/12/2013.

Bộ GTVT đã phê duyệt dự án khả thi với chiều dài khoảng 30 km, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 1.588 tỷ đồng, sử dụng trạm T1 (tại Km16+905, QL91) để hoàn vốn đầu tư, thời gian thu phí khoảng 15 năm 9 tháng 25 ngày. Dự án khởi công năm 2014, hoàn thành khai thác từ tháng 4/2016.

Năm 2014, do Quốc lộ 91B đoạn Km0 - Km15+793 bị hư hỏng, xuống cấp nhưng không bố trí được vốn ngân sách để cải tạo, sửa chữa. Trên cơ sở ý kiến các bộ, ngành và địa phương, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý16 bổ sung mở rộng và tăng cường nền mặt đường QL91B đoạn Km0 - Km15+793 vào dự án BOT, đồng thời bổ sung trạm thu phí T2 đặt tại Km50+050 QL 91 để thu phí hoàn vốn.

Tháng 5/2019, sau khi thông xe cầu Vàm Cống, các phương tiện đi từ tỉnh Đồng Tháp sang tỉnh An Giang theo QL80 phải đi qua trạm thu phí T2 (sử dụng khoảng 700m của dự án BOT) đã phản ứng, tụ tập phản đối và cản trở việc thu phí, gây mất an ninh trật tự khu vực trạm thu phí T2, đây chính là bất cập cần phải xử lý triệt để theo Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trước tình hình đó, trạm thu phí T2 phải dừng thu phí từ tháng 5/2019 đến nay.

Quá trình xử lý bất cập tại trạm T2, Bộ GTVT đã phối hợp với địa phương nghiên cứu phương án xóa bỏ trạm T2 và bố trí vốn nhà nước thanh toán phần đầu tư bổ sung đoạn Km0 - Km15+793 QL91B, nhà đầu tư tiếp tục thu phí tại trạm T1 để hoàn vốn cho dự án BOT cải tạo, nâng cấp QL91 đoạn Km14 - Km50+889 như hợp đồng BOT ban đầu.

Tuy nhiên, phương án này không khả thi do trong khu vực dự án đã phát sinh các tuyến đường song hành, các tuyến kết nối, các phương tiện được sử dụng không mất phí nên dẫn đến phân chia lưu lượng, không bảo đảm hiệu quả tài chính. Bên cạnh đó, việc giảm giá cho các phương tiện lân cận trạm, việc dừng thu phí để giãn cách do đại dịch Covid-19, việc chưa được tăng phí theo đúng lộ trình đã ký kết… cũng tác động không nhỏ đến hiệu quả tài chính của dự án.

Doanh nghiệp dự án kiến nghị cho phép chấm dứt hợp đồng trước hạn, bố trí ngân sách nhà nước (khoảng 1.879 tỷ đồng) để thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.