Nguyên giá trị lời Bác Hồ hiệu triệu toàn dân đi bầu cử

Tác giả: Đức Trí

saosaosaosaosao
Chính trị 19/05/2021 05:37

Tháng 5 này, cả nước kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và đây cũng đúng thời điểm nhân dân đang tưng bừng chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vẫn còn nguyên giá trị, mang tính nền tảng của một chế độ bầu cử thật sự tự do, dân chủ.

 

anh BH1
Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ lá phiếu bầu cử tại Hà Nội năm 1960. Ảnh tư liệu

 Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giữa muôn vàn khó khăn của một nước mới giành được độc lập, thù trong giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã quyết định và khẩn trương triển khai cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Viết về ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết. Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”.

Để thực thi công việc hệ trọng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành một loạt sắc lệnh. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 03/9/1945, Bác Hồ đã đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng tốt cuộc tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội. Sau đó, Bác Hồ là người chỉ đạo tích cực quá trình bầu cử. 

Ngày 05/01/1946, trước bầu cử một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu in trên Báo Cứu quốc số 134 ra ngày 05/01/1946 với những lời lẽ thắm thiết, mạnh mẽ kêu gọi, động viên, cổ vũ quốc dân đi bỏ phiếu. “Ngày mai, là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ”, “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”, “Ngày mai, quốc dân sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã: Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết chống bọn thực dân, kiên quyết tranh quyền độc lập”... Lúc đó, Bác Hồ gọi mỗi lá phiếu như một viên đạn trong cuộc kháng chiến và mỗi lá phiếu như viên gạch xây đắp nền dân chủ và xây dựng kiến quốc đất nước.

Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về bầu cử cách đây 75 năm vẫn mang nhiều ý nghĩa. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Không ai có thể tưởng tượng nổi, vào thời điểm cách đây hơn 70 năm, đất nước vừa thoát khỏi cảnh lầm than, hơn 90% người dân còn mù chữ, vậy mà lại có một cuộc Tổng tuyển cử dân chủ và văn minh như vậy”.

 

885d8e5d909663c83a87
 

Không chỉ thể hiện quan điểm, tư tưởng về một chế độ bầu cử tự do, dân chủ, ngay từ những ngày đầu diễn ra cuộc Tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề ra tiêu chuẩn của người đại biểu Quốc hội. Đó là “Tổng tuyển cử là dịp cho toàn thể Quốc dân lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Những người trúng cử phải ra sức để giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc của đồng bào”.

Những ngày chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội lần đầu tiên ấy, đất nước ta đang ở trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm đang ra sức hoành hành, có những điểm bầu cử của chúng ta nhuốm đầy nước mắt và máu. Bởi vậy, trong lời kêu gọi của mình, Bác kính yêu đã ví những lá phiếu bầu của cử tri cũng giống như thứ vũ khí sắc nhọn nhất để đánh kẻ thù. Ngày ấy, dân ta đã chứng tỏ rằng: “Về mặt trận quân sự thì các chiến sĩ dùng súng đạn để chống kẻ thù. Về mặt trận chính trị thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”.

Chiều ngày 05/01/1946, Bác đến Khu học xá (nay là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cùng các ứng cử viên gặp gỡ cử tri. Hôm ấy, trước đông đảo quần chúng có mặt, Bác đã nói với các ứng cử viên: “... Vừa rồi đây ta vừa tranh được độc lập. Một số ít người, chỉ một số ít thôi, đã quên cái công khó nhọc của dân chúng. Ta đã phải hy sinh nhiều mới có cái quyền cầm lá phiếu ngày nay đó. Cụ Phan Đình Phùng, cụ Hoàng Hoa Thám đã khó nhọc vì cái quyền dân chủ ấy lắm. Biết bao người đã bị bắn, bị chém, đã đeo cái tên chính trị phạm và bị nhốt đầy các nhà tù Sơn La, Côn Đảo, Ban Mê Thuật... mới đòi được cái quyền dân chủ ngày nay...”.

Bác Hồ quay sang phía các ứng cử viên nhắc nhở: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung...”. Rồi hướng về các cử tri, Bác căn dặn: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai, không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy...”.

Đến nay đã hơn 75 năm từ bầu cử Quốc hội khóa I đến bầu cử Quốc hội khóa XV. Đặc biệt, bầu cử Quốc hội khóa XV được tổ chức vào dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Sau 75 năm, bài học quý giá của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về bầu cử vẫn còn nguyên giá trị.

Ý kiến của bạn

Bình luận