Người tiêu dùng ô tô điện có thể được hỗ trợ 1.000 USD

Tác giả: An Nhi

saosaosaosaosao
Thị trường 04/08/2023 09:26

Đó là một trong các đề xuất trong nhóm giải pháp hỗ trợ chuyển đổi sang ô tô điện được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ.

Ô tô thuần điện VinFast đang ngày càng được người tiêu dùng ưa chuông.

Ô tô thuần điện VinFast đang ngày càng được người tiêu dùng ưa chuông.

Theo văn bản đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, có 3 nhóm chính sách cần được thực hiện nhằm mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi sang ô tô điện, góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ trong giảm phát thải tới năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26).

Các nhóm chính sách bao gồm hỗ trợ người mua xe, ưu đãi cho nhà sản xuất và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ xe điện. Theo Bộ Giao thông Vận tải, đây cũng là các chính sách đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng để khuyến khích người dân chuyển đổi sử dụng từ xe động cơ đốt trong sang xe điện.

Với nhóm giải pháp thứ nhất, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất miễn, giảm lệ phí trước bạ và đăng ký biển số với ô tô điện. Người tiêu dùng mua xe cũng cần được tiếp cận các nguồn tín dụng, được trợ giá và thậm chí sẽ nhận đươc khoản trợ cấp trị giá tương đương 1.000 USD/xe. Đối với doanh nghiệp vận tải chuyển đổi sử dụng ô tô điện sẽ được ưu đãi vốn vay, xe buýt điện được trợ giá cao hơn xe buýt thường.

Các loại xe ô tô điện khi tham gia giao thông cũng được kiến nghị tăng quyền ưu tiên tại các khu vực đô thị. Ví dụ ưu tiên chỗ đỗ xe, thiết lập các khu vực không phát thải tại vùng lõi đô thị, trong đó chỉ các phương tiện không phát thải được hoạt động.

Đối với nhóm giải pháp thứ hai, Bô Giao thông Vận tải kiến nghị bổ sung ngành nghề sản xuất lắp ráp ô tô điện, pin ôtô điện vào lĩnh vực ưu đãi đầu tư. Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp, bảo dưỡng có cơ chế ưu đãi về thuế tô điện nhập khẩu; tiếp cận tài chính, tín dụng và ưu tiên tiếp cận, chuyển giao công nghệ sản xuất lắp ráp. Linh kiện, thiết bị và dây chuyển nhập khẩu sẽ được miễn, giảm thuế.

Ở nhóm chính sách thứ ba, theo Bộ Giao thông Vận tải, hạ tầng trạm sạc cần được coi là cấu phần quan trọng trong chiến lược phát triển xe điện. Do đó, các cơ quan quản lý cần sớm ban hành các quy định cụ thể về hệ thống trạm sạc điện trong hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu dân cư và cho phép xây trạm sạc công cộng tại các công trình mà không cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Ô tô điện trên thực tế cũng đang là loại hình phương tiện giao thông đường bộ nhận được nhiều ưu đãi từ chính sách. Cụ thể, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện chạy pin dưới 10 chỗ ngồi đang ở mức 3% và có hiệu lực đến hết tháng 2/2027, ô tô điện từ 10-16 chỗ ngồi hưởng thuế 2%, từ trên 16 chỗ ngồi đến 24 chỗ có thuế suất 1%...

Bên cạnh đó, ô tô điện chạy pin cũng đang được miễn lệ phí trước bạ (0%) theo Nghị định số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ kéo dài 3 năm kể từ ngày 1/3/2022.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, các doanh nghiệp sản xuất xe điện đang có mong muốn được kéo dài chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt, đồng thời thực hiện miễn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong khoảng thời gian 5 năm, giảm xuống 50% trong 5 năm tiếp theo.

Số liệu thống kê của Bộ Giao thông Vận tải cho biết, chỉ trong hơn 2 năm vừa qua, số lượng xe điện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới đã tăng gấp 75 lần, từ 167 xe vào 2021 tăng lên 12.585 xe tính đến giữa tháng 7/2023.

Người tiêu dùng ô tô điện có thể được hỗ trợ 1.000 USD - Ảnh 2.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận