Người nghèo "chê" xuất khẩu lao động?

06/08/2017 09:52

Gắn đào tạo nghề với xuất khẩu lao động để tạo nguồn, đồng thời từng bước tháo gỡ những rào cản để khuyến khích người lao động

8-chotcd-1501856013930
NLĐ đăng ký đi XKLĐ sang Nhật Bản tại Công ty CP XKLĐ và Dịch vụ thương mại Biển Đông nhận chứng chỉ đào tạo tiếng Nhật

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, trong 6 tháng đầu năm 2017, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại TP đã đưa 7.759 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, đa số lao động được đưa đi là dân nhập cư ngoại tỉnh, chỉ có 489 người đi XKLĐ có hộ khẩu TP. Đây là con số ít ỏi so với lực lượng khoảng 6 triệu người trong độ tuổi lao động ở TP hiện nay.

Còn nhiều rào cản

Tại hội nghị "Trao đổi thông tin hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn TP HCM" do Sở LĐ-TB-XH TP HCM tổ chức mới đây, ông Đặng Quang Tý, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ XKLĐ và chuyên gia Suleco, nhận xét: "Hiện nay lao động có hộ khẩu TP, đặc biệt là các xã, huyện nghèo vẫn chưa mặn mà đi XKLĐ, dù rằng đi làm việc ở nước ngoài mở ra nhiều cơ hội giúp người lao động (NLĐ) thoát nghèo và cải thiện cuộc sống. "Công ty chúng tôi từng xuống trực tiếp huyện Nhà Bè tổ chức 3 cuộc tuyên truyền, tư vấn về XKLĐ nhưng kết quả là con số 0. Qua tiếp xúc với người dân, chúng tôi nhận thấy không phải họ không có nhu cầu đi mà do vướng phải rào cản về vốn và ngoại ngữ" - ông Tý cho biết.

Ông Tý dẫn chứng: Chẳng hạn chi phí để đi XKLĐ sang thị trường Nhật Bản hơn 100 triệu đồng/người nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ giải quyết cho vay tối đa 50 triệu đồng/người, số tiền còn lại vẫn vượt quá khả năng của nhiều hộ nghèo. Mặt khác, tiếng Nhật khá khó học và thời gian đào tạo kéo dài cũng kiến NLĐ e ngại.

Ông Huỳnh Hồ Đại Nghĩa, phụ trách tuyển dụng và đối ngoại Trung tâm XKLĐ Texgamex, cho rằng hiện nay cách hiểu về chính sách hỗ trợ NLĐ là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp hoặc thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP ở các địa phương còn khác nhau, gây khó khăn cho NLĐ. Ông Nghĩa dẫn chứng là vừa rồi ở huyện Củ Chi có một người dân tộc Chăm muốn đi XKLĐ. Đáng lẽ trường hợp này được vay tiền để đi XKLĐ nhưng Ngân hàng Chính sách huyện Củ Chi trả lời phải là người vừa thuộc dân tộc thiểu số vừa thuộc diện nghèo mới được vay; chứ chỉ là người dân tộc thiểu số thì không được. Vì lý do đó, gia đình NLĐ này phải xoay xở, vay mượn 6 người khác mới đủ tiền đi XKLĐ.

Rào cản khác theo ông Nghĩa đối với lao động nghèo chính là trình độ học vấn. Các hộ nghèo có trình độ học vấn thấp trong khi đó muốn đi XKLĐ, NLĐ tối thiểu phải tốt nghiệp lớp 9/12.

Thay đổi nhận thức của người nghèo

Trước những khó khăn về vốn mà đại diện các DN nêu, bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo bền vững TP, chia sẻ: "Hiện nay, chương trình cho vay giải quyết việc làm theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP có cả nguồn vốn từ quỹ quốc gia về việc làm. Đây là văn bản của Chính phủ, áp dụng trong cả nước và lấy chuẩn nghèo của quốc gia (khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị là 900.000 đồng/người/tháng). TP HCM có có mức chuẩn nghèo cao hơn, nên hộ nghèo, cận nghèo ở TP không thể vay được từ nguồn này".

Tuy nhiên, bà Hà cũng cho biết TP HCM còn nguồn cho vay khác trích từ ngân sách TP và các nguồn vận động thêm từ các quận - huyện để hỗ trợ NLĐ giải quyết việc làm. Nguồn vốn này được TP ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội TP HCM để cho vay, giải quyết theo chuẩn nghèo của TP. Người nghèo, cận nghèo, diện chính sách, dân tộc thiểu số… được vay 100% chi phí đi XKLĐ theo hợp đồng ký kết. Trong đó, nếu khoản vay dưới 50 triệu đồng thì vay tín chấp, trên 50 triệu đồng thì vay thế chấp. NLĐ trong diện này nếu có nhu cầu đi XKLĐ, hoàn toàn có thể được vay ưu đãi 100 triệu đồng từ 2 quỹ là Quỹ Việc làm và Quỹ Xóa đói giảm nghèo".

Để giải bài toán về trình độ học vấn, theo ông Huỳnh Hồ Đại Nghĩa, TP cần phối hợp với chính quyền địa phương vận động NLĐ đi học bổ túc văn hóa hoặc trung cấp nghề vì các thị trường đòi hỏi cao như Nhật Bản, học sinh tốt nghiệp trường nghề rất được ưa chuộng. Đề cập đến việc học nghề, ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Xây dựng

TP HCM, cho biết hiện nay tại trường, các học sinh có hộ khẩu TP HCM, tốt nghiệp lớp 9 trở lên đăng ký học nghề đều được miễn phí hoàn toàn. "Do vậy, cái nghèo không phải là trở ngại mà trở ngại lớn nhất chính là từ ý thức của người dân khi họ lấy nghèo làm lý do để từ chối các cơ hội học hành" - ông Lâm nhận định. 

Ý kiến của bạn

Bình luận