Nghiên cứu đề xuất xây dựng khung tiêu chuẩn cho vận tải hành khách bằng xe buýt trong đô thị

17/06/2016 05:38

Trong kế hoạch, quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng trong đô thị đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 thì xe buýt vẫn là phương thức chính trong đô thị.

ThS. Lê Đỗ Mười

Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải

ThS. Lê Xuân Trường

Trường Đại học Giao thông vận tải

Người phản biện:

TS. Dương Đăng Trung

PGS.TS. Từ Sỹ Sùa

Tóm tắt: Nội dung bài báo nghiên cứu phân tích các đặc điểm của tiêu chuẩn vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, từ đó đề xuất quan điểm để xây dựng cơ sở khoa học cũng như đề xuất khung tiêu chuẩn áp dụng cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong đô thị.

Từ khóa: Tiêu chuẩn, vận tải, xe buýt, đô thị.

Abstract: Contents of research papers analyzing the characteristics of the standards of public passenger transport by bus from the viewpoint that proposed to build a scientific basis as well as the proposed standard framework applicable to passenger transport public buses in urban areas.

Keywords: Standards, transportation, bus, urban.

1. Đặt vấn đề

Trong kế hoạch, quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng trong đô thị đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 thì xe buýt vẫn là phương thức chính trong đô thị. Yêu cầu đặt ra cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là nâng cao chất lượng dịch vụ, tính hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân nhanh chóng, thuận tiện, an toàn. Để đạt được các yêu cầu đó thì việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn áp dụng cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là rất cần thiết. Tuy nhiên, chưa có một khung xây dựng tiêu chuẩn nào được đề xuất để làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

2. Nội dung

Tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này.

Đặc điểm của tiêu chuẩn:

- Xây dựng tiêu chuẩn là một quá trình có tính lịch sử:

Các tiêu chuẩn là công cụ dùng để đánh giá, phân loại và nâng cao chất lượng, hiệu quả của các đối tượng nên sau khi các đối tượng, sản phẩm dịch vụ được nâng cao hơn thì cần xây dựng các tiêu chuẩn mới tiếp tục thúc đẩy quá trình phát triển. Như vậy, tiêu chuẩn có tính lịch sử, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong một điều kiện thời điểm lịch sử nhất định sẽ cần có bộ tiêu chuẩn cao hơn để thực hiện quá trình nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm dịch vụ.

- Tiêu chuẩn được xây dựng cần có tính hệ thống:

Mỗi một tiêu chuẩn chỉ phản ánh được một khía cạnh của đối tượng hoặc chất lượng sản phẩm dịch vụ, nên khi xây dựng tiêu chuẩn cần đứng trên quan điểm hệ thống, hệ thống tiêu chuẩn này được xây dựng trên cơ sở hệ thống các yếu tố góp phần làm nâng cao hiệu quả và chất lượng của sản phẩm dịch vụ.

- Tiêu chuẩn đảm bảo tính khoa học và phù hợp với thực tiễn:

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả chất lượng sản phẩm dịch vụ nên việc xây dựng tiêu chuẩn phải đảm bảo tính khoa học, cơ sở khoa học vững chắc là nền tảng để xây dựng các tiêu chuẩn. Đồng thời, việc xây dựng tiêu chuẩn phải phù hợp với thực tiễn. Đây là một yêu cầu rất cần thiết vì nếu xây dựng tiêu chuẩn với yêu cầu quá cao thì thực tiễn không thể nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm dịch vụ; hoặc xây dựng mức tiêu chuẩn thấp thì sẽ không phù hợp với thực tiễn không đảm bảo được mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng của sản phẩm dịch vụ. Ở trên đã nói đến tính lịch sử của tiêu chuẩn nên trong một điều kiện hoàn cảnh lịch sử nhất định cần xây dựng tiêu chuẩn phù hợp để nâng cao hiệu quả, chất lượng của sản phẩm trong thời điểm lịch sử đó. Sau khi nâng cao được chất lượng sản phẩm dịch vụ thì hệ thống tiêu chuẩn không còn phù hợp nữa mà cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn có mức độ cao hơn phù hợp với thực tiễn của điều kiện lịch sử khác.

Với các đặc điểm trên, bài báo đề xuất các quan điểm xây dựng tiêu chuẩn cho vận tải hành khách công cộng trong đô thị như sau:

- Tiêu chuẩn phải bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế.

- Tiêu chuẩn phải đáp ứng yêu cầu về an toàn, an ninh quốc gia, vệ sinh, sức khoẻ con người, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan, bảo vệ động vật, thực vật, môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.

- Hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn phải bảo đảm công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử và không gây trở ngại không cần thiết đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại. Việc xây dựng tiêu chuẩn phải bảo đảm sự tham gia và đồng thuận của các bên có liên quan.

- Việc xây dựng tiêu chuẩn phải dựa trên các căn cứ sau:

+ Sử dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài làm cơ sở để xây dựng tiêu chuẩn trừ trường hợp các tiêu chuẩn đó không phù hợp với đặc điểm về địa lý, khí hậu, kỹ thuật, công nghệ hoặc ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia. Các tiêu chuẩn quốc tế là một cơ sở quan trọng để xây dựng tiêu chuẩn áp dụng trong nước vì các nước phát triển trên thế giới đã đi trước một bước trong việc xây dựng tiêu chuẩn. Mặt khác, tiêu chuẩn được các nước phát triển trên thế giới xây dựng thường phản ánh trình độ phát triển về khoa học, kỹ thuật cao hơn trong nước. Tuy nhiên, việc nghiên cứu lựa chọn loại tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong nước cũng là một yếu tố quan trọng để xem xét trong việc lựa chọn loại và mức độ tiêu chuẩn cụ thể.

+ Các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật: Xây dựng tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, hiệu quả hoạt động sản xuất nên phải gắn chặt với các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật từ đó mới có các tiêu chuẩn phù hợp.

+ Kinh nghiệm thực tiễn, nhu cầu hiện tại và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội. Trong điều kiện nhất định về kinh tế - xã hội cần có tiêu chuẩn phù hợp để nâng cao chất lượng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Nếu áp dụng mức tiêu chuẩn quá cao so với điều kiện cụ thể có thể không những không nâng cao mà còn làm giảm hiệu quả.

+ Kết quả đánh giá, khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm tra, giám định: Việc xây dựng tiêu chuẩn cần có khảo nghiệm thực tiễn, thử nghiệm, kiểm tra, giám định để xem xét tiêu chuẩn đã phù hợp chưa, hoặc có cần điều chỉnh không.

1
Hình 2.1: Sơ đồ tổng quát về quá trình xây dựng tiêu chuẩn vận tải hành khách công cộng

 

- Các tiêu chuẩn được đề xuất phải thỏa mãn các tiêu chí sau:

+ Tiêu chuẩn phải bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của vận tải hành khách công cộng, đảm bảo thu hút được người dân tham gia vận tải hành khách công cộng;

+ Tiêu chuẩn phải đáp ứng yêu cầu về an toàn, an ninh, vệ sinh, sức khỏe, môi trường và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan;

+ Tiêu chuẩn phải bảo đảm công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử và không gây trở ngại không cần thiết đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia kinh doanh vận tải hành khách công cộng. Việc xây dựng tiêu chuẩn phải bảo đảm sự tham gia và đồng thuận của các bên có liên quan;

+ Ưu tiên quy định các yêu cầu về tính năng sử dụng; hạn chế quy định các yêu cầu mang tính mô tả hoặc thiết kế chi tiết;

+ Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống tiêu chuẩn và hệ thống quy chuẩn kỹ thuật của quốc gia.

Để có cơ sở xây dựng tiêu chuẩn về VTHKCC ta cần quan tâm đến các vấn đề chính sau:

2
Hình 2.2: Chu trình xây dựng tiêu chuẩn vận tải hành khách

 

công cộng

Từ quan điểm về quá trình xây dựng tiêu chuẩn ở Hình 2.1 để xây dựng bộ tiêu chuẩn cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, có rất nhiều tiêu chuẩn phục vụ cho công tác quy hoạch, quản lý và khai thác hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

3. Kết luận

Tiêu chuẩn ngày càng trở thành công cụ và phương tiện quan trọng để duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, thương mại; thúc đẩy cơ quan quản lý, doanh nghiệp quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng của sản phẩm, dịch vụ... Bài báo đã đưa ra sự cần thiết phải xây dựng khung tiêu chuẩn cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trong đô thị và đề xuất cơ sở, phương pháp để xây dựng tiêu chuẩn cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Tài liệu tham khảo

[1]. Chính phủ (2012), Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 8/02/2012 về việc phê duyệt Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020.

[2]. Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11.

[3]. PGS. TS. Nguyễn Văn Thụ (2003), Phân tích hoạt động kinh doanh, NXB. GTVT.

[4]. PGS. TS. Từ Sỹ Sùa, Vận tải hành khách trong thành phố, Bài giảng cao học, Trường Đại học GTVT.

[5]. Accessible public transport standards, Disability Standards for Accessible Public Transport, 2002.

[6]. Bus stop standard, 1997.

Ý kiến của bạn

Bình luận