Ngành GTVT tiếp bước truyền thống, ra sức thi đua, quyết liệt đổi mới

Tác giả: Khánh Hà - Lê Minh

saosaosaosaosao
22/08/2015 18:34

Sáng nay (22/8), Bộ GTVT đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống và Đại hội thi đua yêu nước ngành GTVT và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.

_MG_9837
Bà Nguyễn Thị Doan, Ủy viên TƯ Đảng, Phó chủ tịch nước CHXHCN VN trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho ngành GTVT

Tới dự có các đồng chí: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh - nguyên Tổng Bí thư BCHTƯ Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Trần Đức Lương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; đồng chí Nguyễn Văn Chi - nguyên Ủy viên Bộ chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ; đồng chí Hà Thị Khiết - Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Dân vận TƯ.

Đồng chí Nguyễn Thị Doan, Ủy viên TƯ Đảng, Phó chủ tịch nước CHXHCN VN; đồng chí Uông Chu Lưu - Ủy viên TƯ Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN VN; đồng chí Phạm Xuân Dũng - Ủy viên TƯ Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; đồng chí Hoàng Trung Hải - Ủy viên TƯ Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. 

Dự buổi Lễ còn có đông đảo các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các vị khách quốc tế.

_MG_9708
Nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến dự Lễ kỷ niệm

Về phía Bộ GTVT, có đồng chí Đinh La Thăng - Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT; đồng chí Lê Ngọc Hoàn – nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT; đồng chí Hồ Nghĩa Dũng – nguyên Uỷ viên TƯ Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT; các đồng chí Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT qua các thời kỳ cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành.

Tới dự buổi lễ còn có gần 400 cá nhân điển hình xuất sắc qua các phong trào thi đua, yêu nước từ các cơ quan, đơn vị trong ngành GTVT.

Thi đua, đổi mới vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp

Trong diễn văn khai mạc, đồng chí Đinh La Thăng - Bộ trưởng Bộ GTVT đã ôn lại truyền thống của Ngành. Vào ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tuyên cáo của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập Bộ Giao thông công chính. Chỉ hơn một tháng sau, ngày 3/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tiếp Sắc lệnh số 41, chuyển giao Nha Giao thông từ chính quyền cũ của thực dân Pháp, sang Bộ Giao thông công chính của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

_MG_9704
 Bộ trưởng Đinh La Thăng ôn lại truyền thống 70 năm đi trước mở đường của Ngành GTVT.

Hành động khẩn trương, quyết đoán của Hồ Chủ tịch và Chính phủ lâm thời trong việc hoàn thiện bộ máy của ngành là bằng chứng cho thấy Đảng và Nhà nước ta, ngay từ đầu, đã đặc biệt ưu tiên cho sự nghiệp phát triển giao thông vận tải. Chính vì thế Hồ Chủ tịch đề cao vai trò quan trọng của Ngành: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”.

Kể từ thời điểm lịch sử ấy, ngành GTVT bắt đầu một cuộc hành trình đầy gian nan nhưng cũng rất đỗi tự hào, một lòng một dạ thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và lời chỉ dạy của Bác Hồ, luôn nỗ lực phấn đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Bộ trưởng khẳng định.

Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, cùng với đồng bào và chiến sỹ cả nước, người lao động ngành GTVT đã hăng hái tham gia trực tiếp chiến đấu, đồng thời khẩn cấp vận chuyển sơ tán các cơ quan, công sở của Trung ương và địa phương vào vùng căn cứ kháng chiến. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên phủ, ngành GTVT đã sát cánh cùng bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến đưa vũ khí hạng nặng, lương thực, thuốc men… vào chiến trường.

Khi miền Bắc bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, chỉ trong vòng 10 năm, Ngành đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ, phục vụ kịp thời và đắc lực công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Tiếp đến là các phong trào yêu nước “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”... được dấy lên sôi nổi trong toàn Ngành. Với khẩu hiệu vừa sản xuất, vừa chiến đấu, hàng vạn cán bộ, công nhân viên ngành GTVT, TNXP đã lên đường đến với những chiến trường ác liệt nhất, xông ra tuyến đầu lửa đạn để giữ vững mạch máu giao thông, đồng thời là hiện thân sống của một loại đường giao thông chỉ có ở Việt Nam, được tạo ra bằng chính xương máu của họ.

Bước vào thời kỳ đất nước Đổi mới và Hội nhập, ngành GTVT đứng trước một cơ hội lớn chưa từng có để lớn mạnh khi được xác định là một trong ba khâu đột phá phát triển, mang tính mở đường và tạo nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tại các Hội nghị lớn của Đảng từ khóa VI đến khóa XI, đều nhấn mạnh đến mục tiêu phải xây dựng được một hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại. Nhiều chính sách quan trọng đã được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông phát triển nhanh và bền vững. GTVT trở thành một lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, mang tính chiến lược. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 13-NQ/TW, trong đó đề ra những mục tiêu trọng tâm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Để vượt qua những thách thức đó, cùng một lúc Bộ GTVT phải giải quyết nhiều vấn đề nan giải như tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; tạo cơ chế thu hút đầu tư ngoài ngân sách; siết lại kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, điều hành; khắc phục căn bệnh nan y là trì trệ trong tư duy; xóa bỏ triệt để hiện tượng chậm tiến độ xảy ra tại hàng loạt công trình; khắc phục tình trạng chây ỳ trong giải phóng mặt bằng; tìm kiếm cán bộ có năng lực thông qua phát hiện, đào tạo, thi tuyển; chủ động liên kết mở rộng hợp tác quốc tế… Một lần nữa, tinh thần thi đua yêu nước đã phát huy tác dụng rất lớn, giúp cho toàn Ngành nhanh chóng có được sự đoàn kết, thống nhất về ý chí cũng như mục tiêu hành động.

Cầu Nhật Tân - Công trình sử dụng vốn vay ODA của
Cầu Nhật Tân.

Những nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên giải quyết, trong đó xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả được xác định là nhiệm vụ chủ chốt. Cùng với việc tập trung sử dụng hiệu quả 155.000 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ được giao cho giai đoạn 2011-2015, giải ngân 6,2 tỷ USD nguồn vốn ODA, Bộ GTVT đã chủ động kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong nước, huy động được trên 200 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách để hoàn thiện và đầu tư mới hàng trăm công trình hạ tầng giao thông, trong đó có nhiều dự án trọng điểm như: các tuyến đường bộ cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình; Hà Nội - Thái Nguyên; Nội Bài - Lào Cai; Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương; Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Nội Bài - Nhật Tân. Đầu tư, hoàn thành các cầu có quy mô lớn như Vĩnh Thịnh, Nhật Tân, Bến Thủy 2, Thuận Phước, cầu Rồng, nút giao Ngã Ba Huế, cầu Rạch Chiếc, Cổ Chiên, Năm Căn. Đầu tư, nâng cấp hoàn thành hàng loạt các công trình cảng biển, cảng hàng không như Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cảng hàng không Phú Quốc, Đà Nẵng, Vinh, Cần Thơ, Cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Đặc biệt là dự án mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và nâng cấp lên 4 làn xe toàn tuyến Quốc lộ 1 từ Hà Nội đến Cần Thơ là hai dự án lớn, rất phức tạp nhưng đều lần lượt vượt tiến độ là 18 tháng và 12 tháng, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước trên 10 ngàn tỉ đồng. Ngoài ra, đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo được khoảng hơn 134.000 km đường giao thông nông thôn, hàng nghìn cầu dân sinh bằng nhiều nguồn vốn khác nhau.

Lần đầu tiên, để tri ân quá khứ, có cả một phong trào xã hội rộng lớn được phát động đến từng cán bộ, công nhân viên, với việc cho ra đời Quỹ xã hội - từ thiện Công đoàn GTVT. Sau một thời gian ngắn, Quỹ đã nhận được số tiền từ lòng hảo tâm lên tới hàng trăm tỉ đồng để hỗ trợ xây dựng hơn 700 căn nhà tình nghĩa, nhà mái ấm cho các cựu TNXP và công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tặng gần 4.000 sổ tiết kiệm cho cựu TNXP, cựu chiến binh, cựu tù chính trị; thăm hỏi, hỗ trợ, tặng quà bằng nhiều hình thức cho trên 50.000 cựu TNXP, công nhân lao động và gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông, đồng bào nghèo, những gia đình gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các địa phương trên toàn quốc.

“Có thể khẳng định, nếu không có sự hậu thuẫn về cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, với sự đồng thuận cao của nhân dân, nếu không mạnh mẽ thay đổi với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm sẽ không bao giờ có được mạng lưới giao thông như hiện chúng ta đang khai thác cùng với cả một danh sách dài khác về những công trình sẽ được khởi công, hoàn thành trong vài năm tới. Những công trình đó đã góp phần rất lớn cho công cuộc hiện đại hóa đất nước, đảm bảo an ninh - quốc phòng và đưa nước ta từ vị trí 103, lên vị trí 74 (tăng 16 bậc so với năm 2012 và 29 bậc so với năm 2010) về năng lực và chất lượng hạ tầng giao thông theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2014. Hệ thống giao thông Việt Nam từ chỗ biệt lập, manh mún, giờ đây đã có thể tự tin kết nối với khu vực và thế giới, thậm chí nhiều lĩnh vực còn có mức độ tăng trưởng hàng đầu như lĩnh vực hàng không. Sự kết nối này sẽ còn rộng lớn và hiệu quả hơn bằng một kế hoạch đầy tham vọng trở thành điểm trung chuyển của khu vực trong một tương lai không xa, nếu chúng ta có quyết tâm đủ lớn và tiếp tục tạo được niềm tin với Đảng và nhân dân.

Chúng ta cảm ơn các thế hệ đi trước đã tận tâm tận lực, không tiếc mồ hôi, xương máu xây nên nền móng vững chắc và đã để lại cho chúng ta nguồn cổ vũ, động viên to lớn bằng những tấm gương hy sinh không gì có thể so sánh được. Cùng với những địa danh bất tử như Điện Biên phủ, đường số 4, Ngã ba Đồng Lộc, cầu Hàm Rồng, cầu Bến Thuỷ, ga Gôi, Truông Bồn, hang Tám Cô… là những tên tuổi sẽ còn lưu danh với lịch sử của ngành và đất nước. Đó là Ngô Gia Khảm, Lê Minh Đức, Trương Sỹ, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Văn Thường, Nguyễn Thị Lượng, Mẹ Suốt, Mai Xuân Điểm, Nguyễn Văn Ngũ, Đỗ Văn Ánh, Nguyễn Minh Ro. Đó là 10 nữ anh hùng đời đời gắn với địa danh Ngã Ba Đồng Lộc, là 13 anh chị TNXP ngã xuống tại Truông Bồn, là tập thể TNXP hy sinh ở hang Tám Cô… Và còn biết bao anh hùng, liệt sĩ vô danh khác đã hòa tên tuổi mình vào tên đất nước".

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng yêu cầu toàn thể CNCNVC-LĐ Ngành GTVT không chấp nhận trì trệ, tìm mọi cách để vượt qua khó khăn là thi đua yêu nước; thương yêu chia sẻ trách nhiệm để cùng hoàn thành nhiệm vụ là thi đua yêu nước; tiết kiệm, liêm chính, trung thực trong công việc cũng như trong cuộc sống là thi đua yêu nước; đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, nhớ ơn và tri ân quá khứ là thi đua yêu nước; duy trì kỷ luật lao động, không để thất thoát tài sản nhà nước, không làm những việc gian dối… là thi đua yêu nước; không ngừng tìm tòi, học hỏi, sáng tạo làm lợi cho xã hội là thi đua yêu nước… Nội dung của phong trào vĩ đại này vô cùng phong phú, sinh động và đòi hỏi ở mỗi người một quá trình lao động, học tập, rèn luyện, tu dưỡng không ngừng, phấn đấu hy sinh không ngừng, suốt cả cuộc đời.

“Bởi vì mặc dù đạt được những thành tựu rất quan trọng được cả xã hội ghi nhận, nhưng so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân, so với mục tiêu mà đất nước hướng tới, so với chính mong muốn của chúng ta, thì hệ thống hạ tầng giao thông hiện nay vẫn chưa đáp ứng được. Chúng ta vẫn còn canh cánh món nợ lớn với nhân dân về một tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Hệ thống hạ tầng hiện tại cần phải hiện đại hơn nữa, thuận tiện hơn nữa, an toàn hơn nữa, đa dạng và tiết kiệm hơn nữa. Đó là điều quan trọng nhất chúng ta cần phải chân thành và thẳng thắn nói với nhau trong mỗi dịp quan trọng như thế này, để mỗi Đại hội thi đua yêu nước trở thành nơi hội tụ những khát vọng phục vụ Tổ quốc và nhân dân của tất cả chúng ta”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

Với tinh thần đó Bộ trưởng, kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành GTVT hãy đồng tâm hiệp lực, cùng nhau dấn thân, cùng nhau tận hiến, hăng hái thi đua yêu nước, nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, phát triển ngành GTVT đi trước một bước theo hướng đồng bộ, hiện đại, với mục tiêu chung “Phát huy truyền thống 70 năm đi trước mở đường, tiếp tục đổi mới, quyết liệt cải cách, vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp”, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước của Đảng.

Trong suốt bảy thập kỷ hình thành và phát triển, ngành GTVT đã nhận được Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và rất nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng và Nhà nước, ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành.

Tại buổi lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống và Đại hội thi đua yêu nước ngành GTVT vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.

_MG_9849
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Ba cho Cục Đăng kiểm VN và Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải Khu vực IV.

 Trong dịp này, các thập thể Cục Đăng kiểm VN và Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải Khu vực IV - thuộc Tổng công ty Bảo đảm Hàng hải miền Bắc được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Ba.

Tại buổi lễ, 363 cá nhân, tập thể tiêu biểu có nhiều thành tích xuất sắc trong ngành GTVT được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Đinh La Thăng.

Báo cáo điển hình trước Đại hội có Ban QLDA Hồ Chí Minh; các cá nhân: ông Vũ Sỹ Lưu, Trạm trưởng Trạm hải đăng An Bang, Công ty đảm bảo an toàn hàng hải Biển Đông và Hải đảo; Kiện tướng lái tàu Nguyễn Quang Túc – Tài xế lái tàu bậc 3/3, Xí nghiệp đầu máy Yên Viên – Tổng công ty ĐSVN và nữ phi công Nguyễn Thị Ngọc Bích.

Đoàn kết, đồng tâm, hiệp lực xây dựng ngành GTVT

_MG_9881
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những đóng góp của ngành GTVT trong suốt 70 năm qua, bước đầu xây dựng được hệ thống giao thông hoàn chỉnh, đồng bộ ở hệ thống QL, tỉnh lộ, đường ven biển và đường giao thông nông thôn… góp phần to lớn trong phát triển KTXH, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước. Ngành GTVT là ngành đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết số 13/2012 của Ban chấp hành TƯ Đảng, không chỉ tạo được diện mạo mới trong hạ tầng giao thông mà còn thay đổi nhận thức về huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông.

Để tiếp tục phát huy truyền thống 70 đi trước mở đường, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành GTVT thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tiếp tục hoàn thiện công tác xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật ngành GTVT vì đây nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, gắn với quyết tâm cải cách nhất là cải cách hành chính, đổi mới công tác cán bộ, chế độ công chức, công vụ trên mọi lĩnh vực của ngành.

Đẩy đầu tư phát triển và triển khai quyết liệt trên mọi lĩnh vực GTVT. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng các dự án đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, công tác bảo trì khai thác hạ tầng giao thông phải tiếp tục được đổi mới, không ngừng nâng cao  năng lực chất lượng của hệ thống hạ tầng giao thông.

Tăng cường quản lý hoạt động vận tải đường bộ như kiểm soát tải trọng phương tiện gắn với phát triển hài hòa, hợp lý, nâng cao năng lực của các loại hình vận tải. Phối hợp với các bộ ngành, địa phương làm tốt công tác đảm bảo TTATGT, quyết tâm kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa các công ty nhà nước, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp sau cổ phần hóa được cải thiện, bảo đảm cuộc sống, việc làm, thu nhập cho người lao động và  hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 - 2020 với các nhiệm vụ, nội dung thiết thực có ý nghĩa để xây dựng ngành GTVT phát triển bền vững. Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công tác chăm lo việc làm cho người lao động, công tác đền ơn đáp nghĩa…

Với truyền thống dũng cảm, thông minh, sáng tạo của ngành GTVT, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành GTVT tiếp tục đồng tâm, đoàn kết, hiệp lực, biết tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức và tiếp tục đi trước mở đường vượt qua mọi khó khăn thách thức. Tiếp tục chỉ đạo tập trung hơn nữa những nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng, một trong những khâu đột phá quan trọng đối với việc phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước.

Những bông hoa đẹp trong vườn hoa ngành GTVT

Giai đoạn 2011-2015, Ngành GTVT đã có 01 tập thể được tặng Huân chương Hồ Chí Minh; 37 tập thể và 16 cá nhân được tặng Huân chương Độc lập các hạng; 107 tập thể và 249 cá nhân được tặng Huân chương Lao động các hạng; 03 tập thể và 01 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; 03 tập thể được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 34 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc; 691 tập thể, 679 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 304 tập thể được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bộ GTVT đã tặng thưởng nhiều danh hiệu Chiến sỹ thi đua ngành GTVT và Bằng khen cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu.

Ý kiến của bạn

Bình luận