Ngành dịch vụ logistics trước yêu cầu hội nhập sâu rộng của Việt Nam

25/06/2016 05:21

Logistics đang ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và đời sống của người dân. “Chỉ số LPI từ 2007 - 2010 chỉ ra rằng, đối với các nước có mức thu nhập bình quân tính theo đầu người như nhau thì nước nào có sự phát triển logistics tốt nhất sẽ có sự gia tăng 1% GDP và 2% thương mại”. Logistics góp phần phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của thương mại trong quản trị dây chuyền cung ứng toàn cầu. “Chất lượng của dịch vụ logistics là trung tâm của hiệu quả thương mại và có quan hệ chặt chẽ với độ tin cậy của dây chuyền cung ứng và khả năng dự đoán được việc cung cấp dịch vụ cho các nhà sản xuất và các nhà xuất khẩu”. Chính vì vậy, việc phát triển, nâng cao năng lực của ngành Dịch vụ logistics Việt Nam là yêu cầu cấp bách hiện nay trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng với việc thực hiện TPP, AEC và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Unknown

Hiện trạng ngành logistics thương mại Việt Nam

Logistics thương mại toàn cầu phát triển mạnh mẽ từ những năm 1970 của thế kỷ 20 trên cơ sở phát triển của thương mại với tính phụ thuộc của các nền kinh tế ngày càng cao và sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ vận tải bằng container và vận tải đa phương thức - xương sống của các hoạt động logistics. Logistics trở thành công cụ liên kết các hoạt động trong quản trị chuỗi cung ứng toàn cầu như cung ứng, sản xuất, lưu thông phân phối, mở rộng thị trường cho các hoạt động kinh tế.

Dịch vụ logistics thương mại nước ta bắt đầu phát triển từ những năm 1990 trên cơ sở của dịch vụ giao nhận vận tải, kho vận (hiện nay đã qua giai đoạn đầu của sự phát triển). Theo chỉ số LPI năm 2014, Việt Nam xếp thứ 48/160 nước nghiên cứu và đứng thứ 4 trong các nước ASEAN (sau Singapore, Malaysia và Thái Lan). Năm 2014, ngành Dịch vụ logistics đóng góp khoảng 3% GDP nước ta, (Thái Lan là 3%, 2014; Singapore là 9,4%, 2014). Tỷ lệ thuê ngoài hiện nay khoảng 30 - 35%, (Trung Quốc là 63,3%, 2010). Trình độ cung cấp dịch vụ của các công ty logistics nước ta còn nhiều hạn chế, thể hiện giá dịch vụ còn chưa cạnh tranh, chất lượng dịch vụ chưa cao, qua đó năng suất lao động và năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế. Năng lực thống kê về logistics cần được nâng cao. Chi phí logistics tương đương khoảng 21% G D P, 2 0 1 4 , ( T r u n g Q u ố c l à 1 7 , 8 % , 2011), trong khi các nước phát triển như Singapore là khoảng 9% - 14%. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành Dịch vụ logistics trong những năm qua là từ 16 - 20%/năm. Kế hoạch đặt ra của Chính phủ là tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 24 - 25%/năm vào năm 2020 và năm 2030 là khoảng 34 - 35%/năm. Có thể nói, ngành Dịch vụ logistics nước ta có tốc độ phát triển nhanh và ổn định.

Hệ thống dịch vụ logistics nước ta hiện nay bao gồm 4 yếu tố cấu thành: Thể chế, chính sách phát triển và luật pháp điều chỉnh dịch vụ logistics; Kết cấu hạ tầng (gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm); các nhà cung cấp dịch vụ logistics; các nhà tiêu dùng dịch vụ logistics.

Về luật pháp điều chỉnh dịch vụ logistics bao gồm luật và văn bản dưới luật của Việt Nam liên quan đến các hoạt động dịch vụ logistics, trong đó có các luật, nghị định điều chỉnh trực tiếp như: Luật Thương mại 2015 và Nghị định 140/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics; Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hàng hải Việt Nam, luật về vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường thủy nội địa; Nghị định 89/2011/NĐ-CP ngày 10/10/2011 về Vận tải đa phương thức, Luật Hải quan 2014...; các điều ước quốc tế đa biên và song biên mà Việt Nam tham gia; các cam kết quốc tế như trong WTO, ASEAN, TPP... đã được luật hóa; các tập quán quốc tế như: INCOTERM 2010, UCP600...

Unknown

Đánh giá chung, Việt Nam có hệ thống luật pháp điều chỉnh dịch vụ logistics tương đối hoàn chỉnh và ngày càng đi dần vào hoàn thiện, nhưng còn nhược điểm là chưa thật rõ ràng, minh bạch, còn chồng chéo và đặc biệt là chưa có sự hiểu biết một cách đầy đủ, thống nhất giữa các cơ quan quản lý liên quan, chưa được áp dụng một cách nhất quán ở các cơ quan địa phương, nơi chịu trách nhiệm cấp phép, giải quyết công việc cụ thể. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là hạn chế trong việc quản lý nhà nước, do chưa có sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các bộ, ngành quản lý dịch vụ là Bộ Công thương, Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các sở kế hoạch và đầu tư.

Kết cấu hạ tầng là nhân tố quan trọng cho sự phát triển của ngành Dịch vụ logistics. Đây là yếu tố hàng đầu đánh giá Chỉ số hoạt động logistics (LPI) hai năm một lần của Ngân hàng Thế giới. Trong những năm qua, Chính phủ luôn ưu tiên việc phát triển kết cấu hạ tầng GTVT và công nghệ thông tin. Cụ thể, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác, như: Các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên; các đường caotốcNộiBài-LàoCai,HàNội-Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Nhật Tân...; các cầu lớn như: Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Cổ Chiên, Mỹ Lợi, QL51, Nam Sông Hậu, QL80 Mỹ Thuận - Vàm Cống; cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải và đang triển khai xây dựng cảng nước sâu Lạch Huyện; tuyến đường thủy kênh Chợ Gạo; Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài, Pleiku, Đà Nẵng. Riêng năm 2015 đã đầu tư và đưa vào khai thác khoảng 704km đường cao tốc.

Hiện nay, cả nước có 44 cảng biển thuộc 5 cụm cảng (256 bến/402 cầu cảng) với tổng chiều dài cầu cảng là 59.405m, tổng công suất thiết kế đạt 470 - 500 triệu tấn/năm. Có hơn 2.600km đường sắt và 10 cảng hàng không quốc tế và 16 cảng hàng không nội địa với công suất thông qua 1 triệu tấn hàng hóa/năm. Về hạ tầng công nghệ thông tin, có nhiều phát triển trong những năm qua, tạo thuận lợi cho nền kinh tế và hoạt động dịch vụ phát triển, tuy nhiên theo Chỉ số phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Development Index-IDI), năm 2015, Việt Nam đứng thứ 102 trên 167 nước. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics nước ta còn nhiều hạn chế. Ví dụ, trong gần 300 hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics chỉ có 28,74% sử dụng hệ thống định vị GPS, 17,24% có trang bị hệ thống EDI, 18,39% trang bị phần mềm TMS và 14,94% trang bị phần mềm WMS và 83% trang bị phần mềm khai hải quan.

Nhìn chung, kết cấu hạ tầng cho ngành Logistics đã bước đầu đáp ứng sự phát triển của ngành Logistics, tuy nhiên vấn đề nổi cộm là thiếu đồng bộ, nhất là giữa cảng biển với hệ thống đường bộ, đường sắt và hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển và tính kết nối đi đôi với việc phát triển không đồng bộ của 5 loại hình vận tải đã hạn chế việc phát triển của hoạt động logistics, nhất là vận tải đa phương thức.

Về nhà cung cấp dịch vụ logistics, hiện nay trong cả nước có khoảng 1.300 doanh nghiệp tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ logistics như quy định trong Nghị định 140/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Khoảng 70% số doanh nghiệp này có trụ sở ở TP. Hồ Chí Minh. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong số đó có các doanh nghiệp lớn của Nhà nước được cổ phần hóa. Các doanh nghiệp lớn như: Công ty Transimex Saigon, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Gemadept, Vietrans, Sotrans, Vietfracht... Vốn điều lệ bình quân của các doanh nghiệp nhỏ khoảng 5 - 6 tỷ đồng và bình quân có khoảng dưới 50 nhân viên. Những doanh nghiệp lớn có vốn đăng ký bình quân khoảng 160 tỷ đồng với khoảng gần 200 nhân viên. Trong năm 2015, khoảng 92% doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội VLA có bước phát triển ổn định và khoảng 71% hội viên làm ăn có lãi. Điều này cho thấy, ngành Dịch vụ logistics nước ta đang trên đà phát triển ổn định. Ngành nghề kinh doanh chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam là dịch vụ vận tải (đường biển, đường bộ, đường hàng không, đường thủy nội địa, đường sắt), vận tải đa phương thức, các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, ICD, trung tâm dịch vụ logistics, ga hàng hóa, kho bãi, bốc dỡ hàng hóa, các doanh nghiệp kinh doanh giao nhận vận tải, đại lý vận tải, đại lý tàu biển, đại lý hải quan và các dịch vụ logistics khác có liên quan (tư vấn, giám định hàng hóa, đào tạo và các giải pháp)... Ngoài việc cung cấp dịch vụ theo từng công đoạn của dây chuyền cung ứng, một số doanh nghiệp đã vươn lên đảm nhiệm được dịch vụ logistics tích hợp 3PL. Khoảng 27% hội viên của VLA đã cung cấp dịch vụ 3PL ở mức độ khác nhau. Hiện nay, có khoảng 27 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại thị trường Việt Nam như: DHL, Damco, Kuehne & Nagel, Shenker, Nippon Express, Palnapina... Các công ty này chiếm phần lớn thị trường cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam. Về thị trường, khoảng 52% công ty cung cấp dịch vụ logistics nước ta có quan hệ làm ăn với thị trường Hoa Kỳ, 47% với EU, 63% với các nước ASEAN, 57% với thị trường Nhật Bản, 49% với thị trường Trung Quốc và 43% với thị trường Hàn Quốc.

Về người sử dụng dịch vụ, đó là các công ty thương mại, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp chế biến, sản xuất của Việt Nam. Nhìn chung, người sử dụng dịch vụ chưa đánh giá hết được tầm quan trọng của việc quản trị logistics và chuỗi cung ứng, đặc biệt là các công đoạn còn lại từ cảng Việt Nam đến tay người tiêu dùng cuối cùng cũng như những lợi ích tiềm năng làm gia tăng giá trị hàng hóa, dịch vụ do việc quản trị logistics và chuỗi cung ứng mang lại. Kết quả là logistics thường được đồng nhất với việc vận tải đơn giản và việc thuê ngoài logistics vẫn chưa trở thành thói quen, đó là chưa kể đến việc sử dụng hiệu quả logistics trong quản trị sản xuất, chế biến... đã làm chi phí, giá thành sản phẩm hàng hóa cao, thiếu tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó là sự liên kết giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics còn lỏng lẻo, thiếu tin tưởng, tỷ lệ thuê ngoài logistics còn rất thấp, khoảng từ 30 - 35%. Đây là một trong những rào cản làm hạn chế sự phát triển của thị trường dịch vụ logistics nước ta. Nguyên nhân tình trạng này, về mặt chủ quan, do ảnh hưởng tập quán mua bán truyền thống (mua CIF bán FOB), nhận thức và ứng dụng quản trị logistics và chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế, chưa thật sự tin tưởng vào các nhà cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam.

Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngành dịch vụ logistics

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Dịch vụ logistics, đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng của nền kinh tế nước ta, chúng ta cần nhanh chóng xây dựng chiến lược phát triển logistics với chương trình hành động cụ thể cho thời gian từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Định hướng chiến lược phát triển chung: Hình thành một hệ thống logistics quốc gia có chất lượng quốc tế, phát triển bền vững, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và của thương mại nói riêng; xây dựng Việt Nam thành trung tâm logistics Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS).

Mục tiêu cơ bản phát triển cụ thể: Tạo giá trị gia tăng từ ngành Logistics; nâng cao hiệu quả của chi phí, khả năng đáp ứng kịp thời và tin cậy cho khách hàng. Phấn đấu đến năm 2020: Tốc độ tăng trưởng ngành Dịch vụ logistics đạt khoảng 24% - 25%/năm. Tỷ trọng góp vào GDP toàn nền kinh tế là 5%. Tỷ lệ dịch vụ thuê ngoài khoảng 40%. Chi phí logistics tương đương khoảng 18% GDP. Đến năm 2010, các chỉ tiêu này lần lượt là 34% - 35%, 10%, 65%/năm và 15% - 17%. Việt Nam nằm trong tốp 30 các nước phát triển logistics.

Để đạt được các mục tiêu trên đây, nội dung chủ yếu của Chương trình hành động chiến lược bao gồm:

Xây dựng khung thể chế pháp lý đồng bộ và minh bạch điều chỉnh hoạt động logistics một cách hiệu quả và hiệu lực, với các mục tiêu và hành động như sau:

* Mục tiêu xây dựng chiến lươc logistics thương mại (NLS): Xây dựng dựa trên mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng XII đã đề ra về phát triển kinh tế “Hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính... logistics và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh khác”.

* Mục tiêu tăng cường khung pháp lý điều chỉnh hoạt động logistics: Sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại 2005 và Nghị định 140/2007/NĐ- CP ngày 5/9/2007 với định nghĩa rõ ràng về dịch vụ logistics, điều kiện kinh doanh logistics, giới hạn trách nhiệm và hài hòa các quy định có liên quan với Nghị định 89/2011, ngày 10/10/2011 về Vận tải đa phương thức; tăng cường khung pháp lý về phát triển dịch vụ và doanh nghiệp logistics tại Việt Nam. Kết quả là tạo ra khung pháp lý phù hợp với logistics trong điều kiện hội nhập.

* Mục tiêu tăng cường năng lực phối hợp và thực hiện chính sách, pháp luật về logistics: Nâng cao nhận thức của các cơ quan nhà nước về tầm quan trọng của logistics để đưa ra chính sách và pháp luật đúng đắn trong việc phát triển logistics; đảm bảo sự minh bạch của pháp luật, hiểu và áp dụng thống nhất giữa các cơ quan nhà nước và giữa Trung ương với địa phương trong việc thực thi; thành lập một cơ quan cấp quốc gia (NLCC) điều phối, quản lý và phát triển logistics. Cơ quan này có đủ thẩm quyền để có thể đảm bảo năng lực cạnh tranh và lợi ích quốc gia là ưu tiên hàng đầu trong quá trình công nghiệp hóa đất nước; thành lập Diễn đàn logistics quốc gia (NLF) làm đầu mối giữa Nhà nước và doanh nghiệp, trực thuộc cơ quan này; phổ biến sâu rộng các cam kết quốc tế trong TPP, AEC, FTA tới doanh nghiệp; xây dựng chính sách phát triển logistics xanh và antoàn.Kếtquảlàcócơchếhợplý phù hợp vể quản lý thực hiện NLP và phát triển logistics.

* Mục tiêu tạo môi trường chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển logistics: Kiến nghị cụ thể với Nhà nước chính sách ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng GTVT và hạ tầng mềm, cảng cạn, trung tâm logistics trong cả nước; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp logistics tiếp cận với nguồn vốn phát triển của Chính phủ và sử dụng đất đai, thu hút đầu tư phát triển logistics. Kết quả là tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp logistics phát triển và thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong điều kiện hội nhập sâu rộng.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm giảm bớt thời gian và chi phí logistics tạo thuận lợi cho thương mại qua biên giới

* Mục tiêu thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu: Tiếp tục cải tiến và áp dụng thủ tục hải quan hiện đại nhằm giảm thời gian thông quan, giảm thời gian nộp thuế; cải tiến thủ tục tại cảng biển, cảng hàng không và vận chuyển qua biên giới..., qua đó giảm chi phí và thời gian hoạt động logistics: Áp dụng thủ tục hải quan một cửa tại biên giới, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông quan tự động (VNACCS); đẩy mạnh dịch vụ đại lý hải quan; thực hiện chương trình doanh nghiệp ưu tiên; mở rộng diện khai báo thông quan điện tử; giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; giảm thiểu giao dịch giữa hãng tàu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu với cơ quan cảng, các cơ quan làm thủ tục liên quan và hải quan. Kết quả là hướng dẫn thực hiện các vấn đề về thủ tục hải quan và các thủ tục hành chính liên quan. Các nhà xuất nhập khẩu và cung cấp dịch vụ logistics giảm được phiền hà về thủ tục, giảm thời gian và chi phí kinh doanh.

Phát triển hạ tầng GTVT và dịch vụ logistics, kết nối các phương thức vận tải

Mục tiêu tiếp tục là việc ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng GTVT và hạ tầng mềm ITC, đặc biệt là tại các hành lang kinh tế; phát triển đồng bộ các phương thức vận tải, trước tiên là vận tải đa phương thức: Rà soát và điều chỉnh chiến lược phát triển ngành GTVT và công nghệ thông tin, ưu tiên xây dựng đồng bộ phục vụ các hành lang kinh tế, các cụm cảng biển; tăng cường việc kết nối các phương thức vận tải, nhất là phát triển vận tải đa phương thức để thúc đẩy logistics phát triển hiệu quả. Kết quả là chiến lược phát triển GTVT và công nghệ thông tin sửa đổi; hành lang kinh tế được phát triển hiệu quả và hoạt động logistics phát triển.

Đào tạo phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp và đẩy mạnh nghiên cứu phát triển logistics

Mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giỏi tiếng Anh chuyên ngành và chuẩn kỹ năng nghề logistics; đẩy mạnh việc nghiên cứu phát triển logistics đáp ứng yêu cầu hội nhập: Chính phủ thông qua mã ngành nghề logistics và mã đào tạo ngành nghề logistics cho các trường; nâng cao năng lực thống kê về logistics; các trường đại học kinh tế có khoa giảng dạy logistics; tiến hành hướng nghiệp về logistics cho học sinh từ cấp THPT; kết hợp đào tạo giảng dạy chính quy với việc tự đào tạo của Hiệp hội, các doanh nghiệp; phấn đấu đến 2020 có khoảng 500 thạc sỹ chuyên ngành logistics và 100.000 người được đào tạo phục vụ cho yêu cầu của ngành Dịch vụ logistics; kết hợp vốn đầu tư của Nhà nước và vốn tư nhân để thúc đẩy việc nghiên cứu phát triển cho logistics tiến kịp với trình độ thế giới, lọt vào tốp 30. Bên cạnh việc đào tạo cán bộ của các doanh nghiệp, Nhà nước cũng chú trọng đào tạo cán bộ quản lý nhà nước, những người trực tiếp xây dựng chính sách và quản lý các hoạt động logistics, qua đó mang lại hiệu quả cho việc quản lý nhà nước trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Kết quả là có được mã ngành nghề logistics và mã đào tạo logistics. Số lượng người được đào tạo chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển ngành Logistics.

Nâng cao nhận thức của người sử dụng dịch vụ logistics và tái cơ cấu chuỗi cung ứng, chủ động tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Mục tiêu làm cho người sử dụng dịch vụ logistics, đặc biệt là các nhà xuất nhập khẩu của Việt Nam hiểu biết về vai trò gia tăng giá trị của dịch vụ logistics, từ đó việc quản trị chuỗi cung ứng hàng hóa của mình tốt hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thay đổi tập quán buôn bán để tăng cường việc thuê ngoài; phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ thuê ngoài đạt mức 40%; tuyên truyền cho những người sử dụng dịch vụ logistics là các nhà sản xuất và các nhà xuất nhập khẩu về vai trò và tầm quan trọng của logistics trong chuỗi cung ứng hàng hóa và thương mại quốc tế để gia tăng việc thuê ngoài, từ đó thay đổi tập quán mua CIF và bán FOB đang sử dụng phổ biến hiện nay. Kết quả là thay đổi tập quán buôn bán có lợi cho thương mại Việt Nam và nâng tỷ lệ thuê ngoài đạt mục tiêu như đã đề ra, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của logistics.

Nâng cao vai trò của hiệp hội ngành nghề trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của logistics

Mục tiêu hiệp hội ngành nghề, trong đó Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đóng một vai trò quan trọng, thực hiện chức năng phản biện xã hội và bảo vệ quyền lợi của hội viên và phát triển ngành nghề. Hiệp hội thực hiện là cầu nối giữa doanh nghiệp logistics với các cơ quan quản lý của Nhà nước trong việc tham gia vào việc hoạch định chính sách và quy định pháp luật liên quan đến logistics, phản ánh để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh; tư vấn cho doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý liên quan và đào tạo nâng cao trình độ của cán bộ, nhân viên doanh nghiệp. Kết quả là các doanh nghiệp logistics được phát huy tính năng động của mình và được bảo vệ quyền lợi trong quá trình kinh doanh, qua đó sẽ có kết quả kinh doanh hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thực hiện có kết quả chiến lược và chương trình hành động trên đây sẽ góp phần thúc đẩy ngành Dịch vụ logistics của nước ta phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn

Bình luận