‘Nếu bị xâm hại tình dục, con sẽ tấn công lại kẻ xấu’

14/04/2017 14:28

Hét lên, tấn công lại vào "vùng đồ bơi", nói không với người lạ là những chia sẻ của học sinh trường Tiểu học Nguyễn Du, Hà Nội, sau buổi học phòng chống xâm hại tình dục.


Ngày 11/4, chia sẻ cùng học sinh trường Tiểu học Nguyễn Du về phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em, thạc sĩ giáo dục học Hoàng thị Kim Huệ (ĐH Sư phạm Hà Nội) thông tin: Từ năm 2011 đến năm 2015, có 53.000 trẻ em bị xâm hại tình dục.

Trung bình, cứ 8 tiếng có một trẻ em bị xâm hại. Cả học sinh nam và nữ đều có khả năng bị kẻ xấu lợi dụng.

Những cảnh báo về xâm hại tình dục

Thạc sĩ Kim Huệ lý giải “vùng đồ bơi” được các em che chắn khi đi tắm biển, không ai được phép đụng đến. Không ai có quyền nhìn, nói, chạm hay sờ, làm đau, trừ trường hợp bố mẹ làm vệ sinh, tắm cho con hoặc bác sĩ thăm khám khi có bố mẹ đi cùng (tránh trường hợp bác sĩ cũng là người xâm hại).

Theo thạc sĩ Kim Huệ, có 5 cảnh báo là: Cảnh báo nhìn, nghe nói, sờ, ôm, sau cùng là người xấu bắt cóc, mang trẻ vào chỗ kín để xâm hại. Để phòng chống, nữ thạc sĩ đưa ra quy tắc 5 ngón tay. Ngón cái, gần mình nhất, tượng trưng cho những người thân ruột thịt trong gia đình như bố mẹ, anh chị em ruột. Các bé có thể ôm hoặc đồng ý để các thành viên trong nhà ôm.

Ngón trỏ xa hơn một chút, tượng trưng cho thầy cô, bạn bè ở trường lớp hoặc họ hàng. Những người này có thể nắm tay, khoác vai hoặc chơi đùa. Xa hơn nữa là ngón tay giữa, gồm những người quen như hàng xóm, các em được phép bắt tay.

Untitled_1
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Huệ hướng dẫn học sinh cách phòng chống xâm hại tình dục tại trường Tiểu học Nguyễn Du. Ảnh: Quyên Quyên.

Ngón áp út chỉ những người xa lạ, lần đầu tiên gặp, trẻ cần có khoảng cách là vẫy tay chào. Ngón út biểu tượng cho những người lần đầu tiên gặp, bé hãy xua tay.

Nếu rơi vào tình huống xâm hại tình dục, đầu tiên, các em phải phản đối, không nói chuyện, không tiếp xúc, trong trường hợp bị khống chế thì hét lên, vẫy vùng để thoát khỏi kẻ xấu.

Thứ hai, trẻ hãy tấn công vào “vùng đồ bơi” của đối phương, sau đó bỏ chạy để không bị bắt trở lại.

Thứ ba, học sinh nên kể lại tình huống này cho bố mẹ để tố cáo người xấu, giúp con tránh khỏi người bị xâm hại.

Phòng chống xâm hại tình dục trong nhà trường

Theo Bộ GD&ĐT, giáo dục kỹ năng mềm là vấn đề đang được xã hội đặc biệt quan tâm. Từ thực tế đó, ngày 7/3, Bộ GD&ĐT và báo Nhi Đồng ban hành chương trình phối hợp về việc tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống ngoài giờ chính khóa tại các trường tiểu học trên toàn quốc.

Bộ GD&ĐT sẽ giao cho Vụ Công tác Học sinh Sinh viên theo dõi và giám sát nội dung trong quá trình triển khai. Các hoạt động kỹ năng sống ngoài giờ chính khóa sẽ diễn ra tại trường tiểu học trên toàn quốc, đồng thời phối hợp địa phương, các đơn vị huấn luyện kỹ năng quân đội, tổ chức hoạt động trải nghiệm kỹ năng sinh tồn cho học sinh.

Theo lộ trình, chương trình sẽ được thử nghiệm tại 10 trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội, 3 trường tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) và 3 trường tại TP.HCM.

Bà Nguyễn Diệu Ánh - hiệu phó trường Tiểu học Nguyễn Du - khuyến khích học sinh chia sẻ bài học về phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em cho những thành viên trong gia đình.

Thời gian tới, trường Tiểu học Nguyễn Du sẽ đồng hành cùng Bộ GD&ĐT tổ chức lớp học mẫu (dành cho 30 học sinh), triển khai những nội dung kiến thức chuyên sâu, bài tập thực hành với mục tiêu giúp các em bảo vệ bản thân trước vấn nạn xâm hại tình dục đang nhức nhối hiện nay.

Ý kiến của bạn

Bình luận