Năm 2020 nhìn lại: Đường sắt nỗ lực đổi mới, tăng cạnh tranh

Tác giả: Minh Phương

saosaosaosaosao

Năm 2020 sắp khép lại đánh dấu một năm nhiều dấu ấn quan trọng đối với ngành Đường sắt, trong đó có việc khởi công hàng loạt các dự án đường sắt trọng điểm và những nỗ lực đổi mới cơ sở vật chất, dịch vụ để nâng cao chất lượng.

Khởi công loạt dự án nghìn tỷ

Năm 2018, Quốc hội đã thông qua phương án sử dụng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công cho 14 dự án đường sắt, đường bộ quan trọng cấp bách, trong đó có 4 dự án đường sắt có tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng, gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh; Dự án cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt đoạn Nha Trang - Sài Gòn; Dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống xô va trên tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh; Dự án gia cố hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang.

Ngày 08/5, Dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - dự án đầu tiên trong 4 “đại dự án đường sắt” đã ra quân thi công. Với tổng mức đầu tư 1.949 tỷ đồng, dự án sẽ xây dựng, cải tạo và nâng cấp 129 cầu, dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Tiếp đó, ngày 20/6, Bộ GTVT đã khởi công Dự án “Đầu tư xây dựng công trình gia cố hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh”. Dự án do Ban QLDA 85 (Bộ GTVT) làm đại diện chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư là 1.800 tỷ đồng, gồm nhiều hạng mục như: gia cố vỏ hầm yếu, thấm dột nặng và thay thế kiến trúc tầng trên đường sắt; kéo dài đường ga, bổ sung thêm đường số 4, di dời và đổi tên ga An Mỹ (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) thành ga Tam Thành, xây dựng mái che, ke ga 6 ga trên tuyến, nâng cấp, cải tạo nền đường, kiến trúc tầng trên 39,03km đường sắt tại 6 khu gian...

Hiện tại, Bộ GTVT đang tích cực chỉ đạo các cơ quan tham mưu của Bộ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư để đáp ứng tiến độ cấp bách của 4 dự án theo yêu cầu của Chính phủ và Quốc hội.

Song song với việc đầu tư nâng cấp hạ tầng, ngành Đường sắt cũng không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút hành khách, nâng cao năng lực cạnh tranh với các loại hình vận tải khác. Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam (VNR) đã xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp đường sắt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, định hướng chính sách phát triển bằng các sản phẩm công nghiệp mới, chủ động sản xuất đầu máy, toa xe, tăng tỷ trọng công nghiệp, tỷ lệ nội địa hóa; tiếp tục đầu tư công nghệ để Công ty CP Xe lửa Gia Lâm và Dĩ An phát triển thành hai trung tâm công nghiệp cơ khí.

9-Nang cao chat luong phuc vu-HK

Nỗ lực đổi mới dịch vụ để hút khách

Thực hiện chủ trương về đổi mới, nâng cao chất lượng phương tiện vận tải của VNR, tháng 7 vừa qua, Công ty CP Xe lửa Dĩ An và Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn đã ký kết dự án đóng mới 8 toa xe hành lý có tổng giá trị dự án gần 24 tỷ đồng. Chỉ sau đó một tháng, 5 toa xe đã được bàn giao đợt 1 cho Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn để bổ sung vào nguồn toa xe hành lý chất lượng cao của Công ty, góp phần tăng thêm doanh thu, sản lượng cho Công ty nói riêng và ngành Đường sắt nói chung.Cùng đó đường sắt đã có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ đối với hành khách, đặc biệt là trong công tác bán vé. Dịch vụ bán vé được đa dạng hóa bằng nhiều hình thức như: bán vé sớm, bán vé có đổi và bán vé linh hoạt; tổ chức nhiều chương trình ưu đãi giảm giá vé nhân dịp lễ, tết và giảm giá đối với một số đối tượng hành khách đặc biệt; đa dạng hóa hình thức thanh toán, trả góp... để hỗ trợ hành khách.

Đặc biệt, năm nay ngành Đường sắt cũng liên tục gây ấn tượng với hành khách thông qua những chương trình thiết thực đồng hành cùng người dân miền Trung trong mùa lũ, triển khai kịp thời những biện pháp phòng, chống sự lây lan của dịch Covid-19, đảm bảo an toàn hành khách... Những dịch vụ thiết thực đang giúp vận tải đường sắt tăng cường kết nối, thúc đẩy phát triển du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh với vận tải đường bộ và hàng không.

Ảnh 2

Chạy nước rút dự án đường sắt đô thị

Với những nỗ lực chuyển mình trong thời gian qua, bức tranh đường sắt Việt Nam đã có thêm nhiều mảng màu tươi sáng hơn. Song, vẫn còn đó nhiều nhiệm vụ cấp bách cần rốt ráo triển khai trong năm tới, trước mắt là các dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông và tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Đối với dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, các bộ phận của máy đào hầm công nghệ TBM đang trong quá trình vận chuyển, lắp ráp, dự kiến tháng 3/2021 sẽ bắt đầu thi công đào 4 km ngầm từ ga S9 nối đến ga 12 tại phố Trần Hưng Đạo. Trước đó, trong tháng 10/2020, đoàn tàu đầu tiên trong số 10 đoàn tàu của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã được vận chuyển an toàn về địa điểm và đang chờ dự án nối thông điện để lắp ráp, vận hành thử, dự kiến đưa vào khai thác đoạn trên cao vào nửa cuối năm 2021, khai thác toàn tuyến vào cuối năm 2022. Riêng dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang trong giai đoạn chạy thử toàn hệ thống để đưa vào khai thác đầu năm 2021.

Hiện nay, hơn 1.000 công nhân, kỹ sư đang nỗ lực ngày đêm thi công khi Dự án Đường sắt tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang bước vào giai đoạn nước rút. Báo cáo tiến độ dự án, ông Bùi Xuân Cường - Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh (MAUR) cho biết, đã có 23/32 km đường ray được lắp đặt, 11 ga trên cao và 2 ga ngầm được hoàn thiện kết cấu, toàn tuyến đã được kết nối với khối lượng hoàn thành là 77%. Hiện tại, để bắt kịp tiến độ dự án bị chậm do dịch Covid-19, MAUR và nhà thầu sẽ đẩy nhanh công tác sản xuất, kiểm tra và nhập các đoàn tàu tiếp theo nhằm hoàn thiện toàn tuyến, đảm bảo mục tiêu vận hành cuối năm 2021.

Ý kiến của bạn

Bình luận