Năm 2016 thực hiện giám sát giao thông từ dữ liệu điện thoại

Giao thông 24h 19/03/2015 08:49

Ông Khuất Việt Hùng tin tưởng nguồn dữ liệu về trạng thái thực của dòng giao thông trên đường sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề về tổ chức, quản lý, điều hành giao thông.


Sáng 18/3, Phó chủ tịch Ủy ban ATGTQG Khuất Việt Hùng đã có cuộc trao đổi với báo chí trong buổi Hội nghị “Ứng dụng công nghệ giám sát phương tiện giao thông trong đảm bảo trật tự ATGT tại Việt Nam”. Nhiều ý kiến phỏng vấn đã được đưa ra xoay quanh sự phù hợp của ứng dụng Giao thông thông minh đối với giao thông tại Việt Nam.

Ông Khuất Việt Hùng trả lời báo chí trong Hội nghị Ứng dụng công nghệ giám sát phương tiện giao thông trong đảm bảo trật tự ATGT. Ảnh V.T Vũ

Ông Khuất Việt Hùng trả lời báo chí trong Hội nghị Ứng dụng công nghệ giám sát phương tiện giao thông trong đảm bảo trật tự ATGT. (Ảnh V.T Vũ)

Thưa ông, hiện nay Việt Nam đã ứng dụng Khoa học kỹ thuật vào giao thông như thế nào? Và những ứng dụng đó đã đáp ứng được những vấn đề hạn chế của giao thông Việt Nam hay chưa?

Ứng dụng Công nghệ thông tin nói chung và những ứng dụng Giao thông thông minh trong công tác quản lý giao thông ở Việt Nam đã bước đầu giải quyết được những mục tiêu quản lý giao thông. Tại Nghị Định 91 quy định phương tiện GTVT phải gắn camera giám sát hành trình (GSHT) và trong năm 2014 đã bắt đầu khai thác dữ liệu từ camera GSHT trong công tác quản lý, điều hành giao thông và đặc biệt là quản lý những mục tiêu về An toàn giao thông.

Trong công tác quản lý khai thác hạ tầng giao thông, trên các tuyến đường cao tốc đã bắt đầu ứng dụng camera giám sát cũng như bắt đầu triển khai hệ thống thu phí điện tử và gần đây nhất là nâng cấp lên thành hệ thống thu phí điện tử không dừng.

Trong lĩnh vực vận tải năm 2014 cũng là 1 mốc đánh dấu khi lần đầu tiên đường sắt Việt Nam áp dụng hệ thống vé điện tử. Cũng trong năm này, Hà Nội đã đưa Trung tâm điều khiển giao thông vào hoạt động và bắt đầu ứng dụng camera giám sát để xử phạt hành chính đối với những trường hợp vi phạm giao thông (phạt nguội).

Tuy nhiên, việc ứng dụng Công nghệ thông tin và những ứng dụng Giao thông thông minh để phục vụ những mục tiêu về quản lý giao thông và đảm bảo ATGT thì chúng ta vẫn đang ở giai đoạn “chậm chững” bước đầu trong việc ứng dụng những công nghệ này và có thể nói là ở mức rất thấp so với các Quốc gia khác đã và đang áp dụng Giao thông thông minh.

Ví dụ như hiện nay chúng ta vẫn chưa giám sát được 1 cách trực tuyến hệ thống giao thông và cũng chưa thể cung cấp được trạng thái giao thông cho người dân thông qua những kênh như internet hay qua điện thoại di động. Trong cơ sở dữ liệu về hạ tầng giao thông, cơ sở dữ liệu về phương tiện và cơ sở dữ liệu về trạng thái thực giao thông của chúng ta vẫn còn đang rất hạn chế.

Mô hình ITS điển hình

Mô hình ITS điển hình

Ủy ban ATGTQG tổ chức Hội nghị lần này là Hội nghị đầu tiên trong năm 2015 thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng – Chủ tịch Ủy ban ATGTQG liên quan đến ứng dụng CNTT trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Mục tiêu của Hội nghị là kết nối các giải pháp tổng thể trong công tác quản lý giao thông, đặc biệt là giải pháp sử dụng dữ liệu từ camera GSHT và dữ liệu qua điện thoại để giám sát và phân tích trạng thái giao thông.

Qua đó cung cấp thông tin cho người dân qua internet và cho hệ thống quản lý, điều hành giao thông từ đèn tín hiệu cho đến công tác quản lý các phương tiện vận tải công cộng. Thậm trí hệ thống này có thể giúp người dân lập lộ trình 1 cách tự động trên internet hoặc điện thoại di động để có thể chọn cho mình tuyến đường không bị ùn tắc.

Hệ thống này cập nhật 2 phút/1 lần, đảm bảo luôn cung cấp được trạng thái thực của dòng giao thông.

Đồng thời, khi thông tin trạng thái giao thông trực tuyến này cập nhập hệ thống đèn tín hiệu thì chu kỳ của hệ thống đèn hiệu cũng sẽ thay đổi 1 cách linh hoạt theo trạng thái thực tế của dòng giao thông tại tuyến đường đó.

Có thể nói rất nhiều hội thảo diễn ra và cũng đánh giá rất cao công nghệ ITS này, nhưng dường như việc thực hiện vẫn còn đang rất “rón rén”. Vậy thưa ông, đến bao giờ mới có thể áp dụng công nghệ này vào những thành phố lớn?

Trong dự án nghiên cứu giữa Bộ Giao thông Vận tải, các cơ quan, đơn vị Việt Nam với các đơn vị đối tác của Đức, cho đến thời điểm hiện nay toàn bộ dữ liệu nền, các giải pháp công nghệ dành cho Hà Nội đã được phát triển như những nội dung trình bày trong buổi hội thảo ngày hôm nay. Ngay bây giờ, trạng thái thực của giao thông thành phố Hà Nội đã được phản ánh thông qua khoảng 3000 xe taxi.

Qua đó có thể thấy được mặt công nghệ thời điểm hiện nay đã sẵn sàng. Chúng tôi khẳng định, trong năm 2016 có thể đưa công nghệ này vào ứng dụng trong đời sống của người dân nếu kết hợp được công nghệ này với cơ sở dữ liệu từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam và cơ sở dữ liệu của Viettel.

Việc hợp tác với Viettel trong ứng dụng Giao thông thông minh có vai trò như thế nào, thưa ông?

Viettel chiếm 50% thị phần viễn thông của Việt Nam, nếu chúng ta tích hợp được dữ liệu từ thiết bị cầm tay với các giải pháp của các chuyên gia đưa ra để áp dụng vào thực trạng giao thông ở Việt Nam thì rõ ràng chúng ta sẽ có nguồn dữ liệu về trạng thái thực của dòng giao thông trên đường 1 cách chính xác hơn, đầy đủ hơn, toàn diện hơn.

Trên cơ sở đó, chúng ta có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề về tổ chức, quản lý, điều hành giao thông và còn có thể hỗ trợ những người làm điều hành vận tải.

Hiện nay, Viettel là 1 nhà mạng lớn tuy nhiên cũng chỉ là 1 nhà mạng tại Việt Nam, vậy có sự tích hợp dữ liệu của tất cả nhà mạng khác vào trong dự án này để có độ phổ biến rộng rãi hơn không? Thưa ông!

Dữ liệu chúng ta đang có hiện nay khá ổn định là dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của phương tiện kinh doanh vận tải. Trên thế giới như Đức hay Trung Quốc khi áp dụng công nghệ này cũng chỉ cần 8000 – 20000 phương tiện để cung cấp dữ liệu phản ánh tình trạng giao thông cho cả 1 thành phố lớn.

Vì vậy, việc đưa dữ liệu từ  điện thoại di động thông qua số lượng thuê bao lớn như của Viettel đủ để đáp ứng cho việc phản ánh tình trạng giao thông với 1 chất lượng tốt. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải sẵn sàng và chào đón sự hợp tác với các nhà mạng có nhu cầu.

Trong công nghệ này, nhà mạng sẽ tự khai thác trên thông tin dữ liệu của các thuê bao hay các thuê bao chủ động cung cấp dữ liệu cho nhà mạng, thưa ông?

Đây là vấn đề về quan hệ giữa thuê bao và nhà mạng. Nhưng thông thường ở các nước, khi thuê bao chấp nhận để nhà mạng sử dụng dữ liệu, vị trí của mình thì khi đó nhà mạng cũng sẽ cung cấp ngược lại những thông tin dữ liệu liên quan đến giao thông mà thuê bao cần.

Còn trong trường hợp của Viettel, chúng tôi tin tưởng rằng Viettel sẽ có những giải pháp để bản thân khách hàng của Viettel cảm thấy hài lòng với nhà cung cấp dịch vụ của mình.

Xin cảm ơn ông!

V.T Vũ

Ý kiến của bạn

Bình luận