Một số vấn đề về phát triển và kết nối giao thông đường bộ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc

09/07/2016 05:02

Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của Việt Nam.

TS. Hoàng Quốc Long

 Học viện Kỹ thuật Quân sự

TÓM TẮT: Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của Việt Nam. Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt về mọi nguồn lực và cơ chế, chính sách cho phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Một trong những yêu cầu cấp bách là làm thế nào để phát triển và kết nối hệ thống giao thông đường bộ trên toàn bộ khu vực Tây Bắc một cách tốt nhất để phát triển bền vững. Bài báo đưa ra một số vấn đề về phát triển và kết nối giao thông đường bộ trên toàn bộ khu vực Tây Bắc.

TỪ KHÓA: Kết nối, giao thông đường bộ, Tây Bắc.

ABSTRACT: The Northwestern area of Vietnam is an especial strategic zone playing an important role in term of  society, economics, military and security. The Party and the Government  are  as always seamless   prioritize  for the sustainable development of the Northwestern area.  One of the emergency needs  is  how to integrate the  transportation  network in a better way so that the ultimate goals are sustainably achieved. This paper presents  issues and some solutions for transportation integration and development of the understudied area.

KEYWORDS: Connect, road, Northwest.

1. ĐẶT VẤĐỀ

Vùng Tây Bắc - phạm vi theo dõi của Ban Chỉ đạo Tây Bắc gồm 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang) và 21 huyện phía Tây của hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.  Vùng Tây Bắc chiếm 1/3 diện tích cả nước với trên 10 triệu dân. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, sự hưng thịnh của vùng Tây Bắc gắn liền với sự tồn vong của đất nước. Xây dựng vùng Tây Bắc phát triển nhanh, bền vững vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Một trong những nhân tố quyết định đến phát triển bền vững của vùng Tây Bắc là sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ. Trong 5 năm qua, giao thông khu vực Tây Bắc có những bước phát triển vượt bậc với nhiều tuyến cao tốc hiện đại; quốc lộ, tỉnh lộ dần được hoàn chỉnh. Tuy nhiên, do tỉ xuất đầu tư xã hội hóa chưa cao cùng với địa hình phức tạp nên nhiều tuyến đường còn bị chia cắt, chưa có sự kết nối hoàn chỉnh. Đó cũng là nhiệm vụ lớn của ngành GTVT trong mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020.

2. HỆ THỐNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÙNG TÂY BẮC

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, phát triển hệ thống giao thông vùng Tây Bắc có vai trò quan trọng đặc biệt để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh của vùng.

Tây Bắc là có nhiều tiềm năng về khoáng sản và du lịch, vùng phát triển lâm nghiệp, bảo vệ rừng đầu nguồn và đa dạng sinh học. Tây Bắc cũng là vùng phát triển công nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp; vùng phát triển các công trình thủy điện, thủy lợi quan trọng; vùng du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng cấp quốc gia và quốc tế. Ở đây đang rất cần một hệ thống giao thông phát triển, đặc biệt là giao thông đường bộ để phát huy được các tiềm năng và thế mạnh của mình. Phát triển hệ thống giao thông đường bộ là động lực chủ chốt để Tây Bắc đi lên, là cơ sở để các nhà đầu tư mạnh dạn chung tay cùng đồng bào Tây Bắc phát triển bền vững trên mọi lĩnh vực.

2.1. Thực trạng công tác quy hoạch và xây dựng giao thông đường bộ vùng Tây Bắc

Một số quy hoạch về GTVT vùng Tây Bắc đã được hoàn chỉnh và phê duyệt gồm [1]:

- Chiến lược phát triển ngành GTVT đến năm 2020;

- Quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

- Quy hoạch đường hành lang biên giới Việt Trung;

- Quy hoạch đường Hồ Chí Minh;

- Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020;

- Quy hoạch chi tiết tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam;

Hệ thống đường bộ vùng Tây Bắc có tổng chiều dài khoảng 67.863,1km, trong đó: Tuyến đường cao tốc dài 325,3 km; tuyến quốc lộ có tổng chiều dài khoảng 5.461,5km; tỉnh lộ dài khoảng 6.310,4km; đường giao thông nông thôn dài khoảng 55.765km.

* Hệ thống quốc lộ, đường cao tốc

- Các tuyến hướng tâm gồm: QL1A đoạn Hà Nội - Lạng Sơn dài 160km; QL2 từ Hà Nội đến Cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) dài 313km; QL3 dài 328km từ Hà Nội đến Cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng); QL6 đoạn Hà Nội - Tuần Giáo dài 501km; QL12 từ Phong Thổ đến Điện Biên dài 196km; QL32 đoạn Sơn Tây - Bình Lư dài 404km; QL70 Đoan Hùng (Phú Thọ) - TP. Lào Cai dài 188km. Đường Hồ Chí Minh đoạn phía Bắc từ Pác Bó đến Hòa Lạc dài 402km, cao tốc Nội Bài - Việt Trì - Yên Bái - Lào Cai dài 264km; cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên dài 70km.

- Các tuyến vành đai:

+ Hệ thống vành đai 1 gồm: 4A, 4B, 4C, 4D, 4E, nối QL4C với QL4D, QL34, QL100 và QL 4H dài 1.122km.

 + Hệ thống vành đai 2 - QL279: Từ Quảng Ninh đến Điện Biên dài 683km.

 + Hệ thống vành đai 3 - QL37: Từ Diêm Điền (Thái Bình) đến Cò Nòi (Sơn La) dài 465km.

* Hệ thống đường địa phương

Các tỉnh trong khu vực có tổng chiều dài tỉnh lộ dài khoảng 6.310,4km; đường giao thông nông thôn dài khoảng 55.765km.

Hệ thống giao thông này đã lan tỏa đến mọi khu vực vùng trung du miền núi, trực tiếp phục vụ sinh hoạt, sản xuất, giao lưu văn hóa xã hội, trao đổi, lưu thông hàng hóa của đồng bào ở các vùng đô thị đến nông thôn. Là bộ phận tiếp cận của giao thông nội vùng với mạng lưới đường trục chính và hệ thống đường quốc gia.

2.2. Đánh giá các kết quả đạt được trong việc xây dựng hệ thống giao thông đường bộ vùng Tây Bắc

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong 5 năm qua (2010 - 2015), Bộ GTVT đã huy động tới 30.000 tỷ đồng để đầu tư, hoàn thành 42 dự án giao thông quan trọng cấp bách, đảm bảo an ninh - quốc phòng cho vùng trung du và miền núi phía Bắc. Trong đó, có một số dự án quan trọng như: Cầu Cốc Lếu, Phố Lu, Ngọc Tháp; cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên; nâng cấp các quốc lộ: 4H, L4C - 4D, 279...

Hiện nay, cả khu vực Tây Bắc đang tiếp tục triển khai 10 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước với tổng mức đầu tư hơn 6.568 tỷ đồng; đồng thời tiếp tục triển khai 10 dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với tổng mức đầu tư 11.624 tỷ đồng. Bộ GTVT đã đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; đã và đang triển khai đầu tư 7 dự án theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư là 24.231 tỷ đồng. Như vậy, trong 5 năm qua, đã có hơn 70.000 tỷ đồng để đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông Tây Bắc. Nhờ đó, các lĩnh vực giao thông đều đạt được những kết quả tích cực.

Tuy kết quả đạt được là đáng ghi nhận, tuy nhiên cũng còn tồn tại nhiều vấn đề đối với hệ thống giao thông đường bộ vùng Tây Bắc:

- Công tác duy tu bảo dưỡng chưa được quan tâm thật đúng mức nên nhiều tuyến đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

- Kết cấu hạ tầng giao thông địa phương còn nhiều tồn tại: Nhiều xã ở miền núi có đường ô tô đến trung tâm nhưng vào mùa mưa lũ thường bị ngập, chia cắt tạm thời; nhiều tuyến đường huyện, đường xã chưa được nhựa hóa hoặc bê tông hóa;

- Các công trình biển báo hiệu ATGT trên các tuyến miền núi còn thiếu; nhiều địa phương còn thiếu bến, bãi đỗ xe; các công trình vượt sông (phà, đò, cầu phao) thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng và tải trọng khai thác.

Đánh giá chung về hệ thống giao thông đường bộ vùng Tây Bắc:

- Mạng lưới giao thông đường bộ vùng Tây Bắc khá hoàn chỉnh, có liên kết với mạng lưới giao thông quốc gia, quốc tế và hệ thống đường địa phương.

- Công tác quy hoạch hệ thống giao thông đường bộ cơ bản cũng tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng, chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT quốc gia có liên quan.

- Hệ thống đường bộ kết nối vùng cũng như kết nối liên vùng cơ bản đã đạt được yêu cầu; bước đầu đã triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc trong vùng. Hệ thống đường giao thông địa phương đã có thay đổi đáng kể, đáp ứng phát triển nông thôn mới.

- Hệ thống giao thông đường bộ vẫn còn nhiều bất cập, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa tạo ra được động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ đầu tư kết cấu hạ tầng chậm, thời gian thực hiện kéo dài, tính kết nối còn hạn chế. Vì vậy, cần thiết phải phát triển hệ thống giao thông đường bộ và liên kết các tuyến đường hiện có trong khu vực Tây Bắc.

3. KẾT NỐI CÁC TUYẾN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÙNG TÂYBẮC

3.1. Kết nối hệ thống giao thông đường bộ thống nhất từ Trung ương tới địa phương tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn

Các hình thức kết nối:

- Kết nối hệ thống các tuyến đường hướng tâm như: QL1, QL2, QL3, QL6, QL32, cao tốc Hà Nội - Lào Cai với hệ thống đường tỉnh, huyện và giao thông nông thôn thuộc các tỉnh trong khu vực, đi qua hệ thống đô thị nhằm phát triển kinh tế và đô thị dọc các tuyến đường này.

- Kết nối các tuyến nối liền vùng Tây Bắc và Đông Bắc, tạo điều kiện giao thương hàng hóa và phát triển du lịch theo thế mạnh của vùng.

- Kết nối hệ thống các tuyến đường vành đai QL4, QL279 và QL37 với hệ thống đường tỉnh, huyện và giao thông nông thôn, đường hành lang biên giới, đường tuần tra và đường ra biên giới thuộc các tỉnh trong khu vực nhằm phát triển kinh tế kết hợp bảo vệ an ninh - quốc phòng.

3.2. Kết nối hệ thống giao thông đường bộ với hệ thống giao thông đường sắt, đường thủy và đường hàng không

Đối với vùng Tây Bắc hiện nay, các loại hình vận tải đường sắt, đường hàng không, đường thủy không phát triển bằng hệ thống giao thông đường bộ nhưng cũng cần có sự kết nối giữa các loại hình vận tải này với nhau.

Hiện nay, tính kết nối giữa hệ thống giao thông đường bộ với hệ thống giao thông đường sắt, đường thủy, đường hàng không còn chưa có tính hệ thống, còn đơn lẻ và chưa kết nối một cách đồng bộ. Chúng ta cần có một chính sách đặc biệt để xây dựng hệ thống đường đảm bảo tính kết nối giữa các hệ thống giao thông theo quy hoạch để phát triển đồng đều các loại hình vận tải và phát triển kinh tế bền vững.

4. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT CÁC CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH ĐỂ THỰC HIỆN PHÁT TRIỂN VÀ LIÊN KẾT HỆ THỐNG GIAO THÔNG VÙNG TÂY BẮC

- Xây dựng quỹ đầu tư cho giao thông, huy động nhiều nguồn lực với nhiều nguồn vồn khác nhau để xây dựng hệ thống giao thông đường bộ vùng Tây Bắc.

- Tập trung đầu tư cho các tuyến đường bộ có khả năng liên kết vùng, liên kết giữa các phương thức vận tải; ưu tiên đầu tư một số tuyến quan trọng tạo ra đột phá lớn và mang tính kết nối;

- Xây dựng kế hoạch đầu tư theo thứ tự ưu tiên các công trình giao thông phải tuân thủ các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch vùng, tránh gây ra tình trạng lãng phí, làm tăng tổng mức đầu tư;

- Nâng cao chất lượng công tác quản lý bảo trì hệ thống đường giao thông; sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo trì đường bộ.

- Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong đầu tư phát triển hệ thống đường bộ. 

5. KẾT LUẬN

Việc kết nối các tuyến giao thông đường bộ vùng Tây Bắc là một yêu cầu cấp thiết hiện nay để phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Nghiên cứu các loại hình kết nối một cách cụ thể, chính xác để bảo đảm tính logic và hiệu quả.

Chỉnh phủ và các bộ, ngành cần có các chính sách phù hợp và ưu tiên cho việc phát triển và kêt nối hệ thống giao thông đường bộ vùng Tây Bắc.

Tài liệu tham khảo

[1]. Nguyễn Hồng Trường (2015), Tham luận liên kết không gian vùng Tây Bắc, Trường Đại học Quốc gia Hà Nôi, Hà Nội.

[2]. Nguyễn Quang Đạo (2010), Bài giảng Quy hoạch GTVT, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Ý kiến của bạn

Bình luận