“Minh bạch” là “nền móng” để đẩy mạnh BOT đường thủy

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 30/07/2018 09:17

Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi (TP. Hồ Chí Minh) tới cảng Bến Súc (tỉnh Bình Dương) là dự án đường thủy đầu tiên thực hiện theo hình thức BOT, dự kiến sẽ thu phí từ cuối năm nay. Nhiều chuyên gia cho rằng, thu hút dự án BOT vào đường thủy là cần thiết nhưng phải minh bạch, nhất là việc thu phí.

 

IMG_2649
Công trường thi công dự án BOT cầu Bình Lợi

Mức thu phí dựa trên khối lượng hàng hóa và đường đi

Tổng mức đầu tư của dự án là 1.300 tỷ đồng, chi phí xây dựng trên 838 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị xanh (GUD) làm đại diện chủ đầu tư. Trong đó, phần quan trọng nhất là thi công mới cầu sắt Bình Lợi để nâng tĩnh không thông thuyền của cầu hiện nay từ 1,5m lên 7m. Với mức tĩnh không này, các sà lan trên 300 tấn và tàu thuyền lớn có thể lưu thông từ tỉnh Bình Dương về các cảng ở TP. Hồ Chí Minh và chiều ngược lại.

Thông tư 80/2015 của Bộ Tài chính quy định về mức thu giá đối với dự án là 70 đồng/tấn/km, các phương tiện không phải là phương tiện chở hàng hóa sẽ được quy đổi 01 mã lực tương đương với 01 tấn tải trọng toàn phần. Với phương tiện chở khách, 01 giường nằm tương đương với 6 ghế hành khách hoặc tương đương 6 tấn tải trọng toàn phần. Thời gian thu phí là 20 năm 9 tháng để nhà đầu tư hoàn trả vốn.

Hình thức thu phí là nhờ các cảng vụ thu hộ khi các phương tiện này cập cảng. Các đơn vị thu thực hiện hợp đồng với nhà đầu tư và được giữ lại 3,3% trên tổng số tiền phí thu được để chi cho công tác tổ chức thu.

Ông Vũ Đức Cúc - đại diện chủ đầu tư dự án cho biết: “Chỉ những phương tiện có tải trọng 300 tấn trở lên mới phải đóng phí. Do đó, việc thu phí sẽ không ảnh hưởng đến người dân sử dụng phương tiện nhỏ vận chuyển hàng hóa khi lưu thông qua khu vực này. Nếu so với giá thành vận tải trên đường bộ thì mức phí này rẻ hơn rất nhiều (giá phí đường bộ tính bình quân khoảng 240 đồng/tấn/km”. Chủ đầu tư cũng nhấn mạnh việc đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn và xây mới cầu sắt Bình Lợi theo hình thức BOT sẽ tạo điều kiện cho giao thông thủy của TP. Hồ Chí Minh kết nối với tỉnh Bình Dương có điều kiện phát triển mạnh. Bởi hiện nay, đường bộ kết nối hai địa phương thường xuyên bị tắc nghẽn, ảnh hưởng việc lưu thông hàng hóa.

Đại diện chủ đầu tư dẫn chứng: Một xe đầu kéo chỉ chở được một container 40 feet, trong khi mỗi tàu hàng loại 300 tấn có thể chở được 20 container loại 20 - 40 feet. Điều này sẽ kéo giảm chi phí vận tải rất lớn cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh việc phát triển loại hình vận tải thủy.

Đưa công nghệ vào trong quản lý

Hiện nay, không chỉ đường thủy mà ngay cả đường bộ, việc minh bạch thu phí là yêu cầu bức thiết. Một nhà đầu tư bỏ tiền ra để đầu tư một dự án thì điều quan trọng là phải hoàn vốn và sinh lời, trong khi phía quản lý nhà nước phải làm sao minh bạch trong vấn đề thu chi.

Ông Vũ Anh Tuấn - Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, Trường Đại học GTVT chia sẻ: Trong thời gian tới, Bộ GTVT đã có quy định tất cả phương tiện đăng kiểm mới từ năm 2019 bắt buộc phải dán thẻ điện tử. Các trạm thu phí BOT trên cả nước phải có làn thu phí tự động. Đối với đường thủy cũng tương tự, thu phí BOT cũng hoàn toàn minh bạch được nếu chúng ta ứng dụng thu phí điện tử và quản lý tự động. Điều này đồng nghĩa với việc cả ba chủ thể bao gồm nhà quản lý, nhà khai thác vận hành và chủ phương tiện đều tham gia một cách nghiêm túc vào quá trình hoạt động thông qua công nghệ.

Công nghệ gồm thiết bị đặt trên phương tiện để kết nối với trạm thu phí và thiết bị thu phí tại trạm. Nhiều nước có công nghệ thu phí hiện đại đến mức không cần trạm nhưng có thể kiểm soát được phương tiện di chuyển như thế nào và tự động thu phí. Chúng ta chưa đạt được trình độ công nghệ đó nhưng hoàn toàn có thể sử dụng các công nghệ thu phí điện tử đang được ứng dụng ở Việt Nam để thực hiện. Để làm được điều đó, Nhà nước đóng vai trò quyết định, tạo ra cơ chế, thủ tục, quy định để các bên tuân thủ.

Bàn về vấn đề trên, ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh khẳng định: “Quan điểm của địa phương là tập trung tinh thần để xã hội hóa và thu hút được nguồn vốn ngoài nhà nước đối với các công trình giao thông thủy vì ngân sách Thành phố đang thiếu. Hiện nay, đứng trên góc độ của giao thông đường bộ thì hệ thống pháp luật đã tương đối hoàn chỉnh, còn đường thủy thì đây là dự án đầu tiên được đầu tư theo hình thức BOT nên hành lang pháp lý chưa được hoàn thiện. Địa phương mong muốn Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các quy định, các thông tư có liên quan để ngành Đường thủy nội địa phát triển hơn nữa trong tương lai. Dưới góc độ quản lý nhà nước, chúng tôi ủng hộ dự án và việc xây dựng mức phí này đều đã được tính toán kỹ lưỡng”. Ông Cường nhận định, việc xây mới cầu sắt Bình Lợi, cải tạo lòng sông Sài Gòn sẽ tạo sự cân đối trong lưu thông hàng hóa giữa các hướng trên sông Sài Gòn với nhau. Nếu việc thí điểm dự án trên thành công sẽ thu hút được các nhà đầu tư tham gia việc hoàn thiện hạ tầng giao thông thủy theo hình thức BOT cũng như các hình thức xã hội hóa khác. Tuy nhiên, tất cả các bài toán đều đứng trên chi phí và lợi ích của người dân cũng như doanh nghiệp

Ý kiến của bạn

Bình luận