Miền Trung – Tây Nguyên “khát” nước sinh hoạt

Tác giả: Phạm Trọng Nghị

saosaosaosaosao
Xã hội 13/03/2019 17:13

Là vùng có thời tiết khắc nghiệt, hàng nghìn người dân Gia Lai đang tìm đủ mọi cách vét kênh, đào đất, chắt chiu từng giọt nước để cứu cây trồng.


Khát nước tưới tiêu

Anh Nguyễn Văn Hải, trú đội 4, Công ty chè Bàu Cạn, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai nhìn xuống lòng hồ thủy điện lợi huyện Chư Prông chia sẻ, tính đến thời điểm này, mực nước hồ thấp hơn nửa mét so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, chỗ sâu nhất của hồ chưa đến 40 cm. Dự tính khoảng 10 ngày nữa không có mưa, nước hồ sẽ cạn đáy. Những công nhân như anh rất vất vả vì hồ cạn, phải liên tục thay đổi chỗ bơm mới có nước để tưới tiêu.

Cách hồ đội 4 khoảng 3km, hồ 14 (xã Bàu Cạn) đã cạn trơ đáy hơn 1 tuần nay. Hồ rộng khoảng 20 héc-ta, cung cấp nước tưới cho hơn 100 héc-ta cà phê của người dân. Giữa hồ không còn giọt nước nào, đất đai đã nứt nẻ. Rất nhiều máy bơm đang nằm giữa hồ “há vòi” chờ nước.

01
Nước tưới tiêu tại nhiều hồ thủy lợi ở Gia Lai cạn trơ đáy

Anh Trần Minh Đức (thôn Tây Hồ, xã Bàu Cạn) chia sẻ: Gia đình có 2,5 héc-ta cà phê đang trong giai đoạn ra trái non, đang rất cần tưới nước nhưng hồ thì đã khô cạn giải pháp cứu vườn cà phê khó lòng mà thực hiện được.

“Tôi mới tưới được 2 đợt cho cây cà phê thì hồ cạn nước, hiện đợt 3 đáng lẻ phải tưới rồi mà chưa tìm được nguồn nước. Giờ chỉ cầu mong cho trời mưa xuống để cứu lấy vườn cà phê. Không tưới đủ nước cho cây cà phê đợt này, tỷ lệ đậu sẽ quả rất thấp. Không chỉ riêng gia đình tôi, mà nhiều hộ xung quanh đây cũng như đang ngồi trên đống lửa khi không có nước tưới cho cây cà phê”, anh Đức lo lắng nói.

Hiện tại Gia Lai, có hơn 93 nghìn héc-ta cà phê, trong đó, khoảng 80 nghìn héc-ta trong giai đoạn kinh doanh. Lúc này, người trồng cà phê tại Gia Lai mới bước vào đợt tưới nước thứ 3, tuy nhiên tình trạng khô hạn đang xảy ra tại nhiều địa phương như huyện Mang Yang, Chư Sê, Chư Pưh, Ia Grai, Chư Prông.... Điều này không những gây khó khăn cho sản xuất, tăng chi phí đầu tư mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng cà phê cuối vụ.

02
Lòng hồ thủy lợi 14 Xã Bầu Cạn khô kiệt

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây nguyên, do mùa mưa năm 2018 kết thúc sớm, một vài huyện lượng mưa đạt thấp chỉ khoảng 60 – 65% so với nhiều năm đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước ngầm. Mùa mưa năm 2019 sẽ đến muộn hơn so với quy luật (tầm tháng 5-2019). Hiện tượng El Nino sẽ tiếp tục duy trì trong nửa đầu năm 2019, lượng dòng chảy trên các sông suối đạt thấp, đặc biệt là ở vùng Đông Nam của tỉnh. Lượng mưa các tháng 3,4,5-2019 thấp hơn trung bình nhiều năm.

Đắp đập ngăn sông lấy nước sinh hoạt

Trước đó, tại TP Đà Nẵng nước sông Cầu Đỏ liên tục nhiễm mặn khiến việc sản xuất nước sạch cung cấp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Độ mặn trung bình là 800-1.000 mg/l; có ngày gần 2.000 mg/l khiến người dân lâm cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng qua đó chất lượng nước chưa đảm bảo khi đóng cặn đen, có vị lợ...

Trước thực trạng, ngày 12/3 UBND TP.Đà Nẵng cho biết, đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp, thống nhất đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh việc vận hành của các thủy điện trong thời gian từ ngày 24/2 - 10/5.

Cụ thể; xả nước theo thời điểm trong ngày : Từ 7h - 17h, thủy điện Đakmi 4 không xả nước về hạ du sông Vu Gia; thủy điện Sông Bung 4 vận hành phát điện, xả nước với lưu lượng trung bình ngày theo Quy trình 1537 (Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn - PV); thủy điện A Vương không vận hành phát điện, xả nước. Từ 17h đến 7h, thủy điện Đakmi 4 xả nước về hạ du sông Vu Gia với lưu lượng trung bình lớn hơn hoặc bằng hai lần lưu lượng phải xả liên tục trong ngày (tức là tổng lượng xả bằng tổng lượng phải xả trong ngày theo Quy trình 1537); thủy điện Sông Bung 4 không vận hành phát điện, xả nước; thủy điện A Vương không vận hành phát điện, xả nước.

Theo đó, đây là khung vận hành của các thủy điện trong điều kiện bình thường. Trong trường hợp có thay đổi, 2 địa phương này phải báo cáo bộ Tài nguyên và Môi trường và làm việc trực tiếp với các thủy điện để thống nhất chỉ đạo, đề nghị các hồ thủy điện trên xả nước, điều tiết nước khẩn cấp cho hạ du.

Bên cạnh đó, việc tổng cục Thủy lợi (bộ Tài nguyên & Môi trường) đồng ý cho phép thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đắp chặn con đập ở sông Quảng Huế (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), hết sức ý nghĩa, điều này làm giảm thiểu tình trạng nhiễm mặn nước sinh hoạt cho TP.Đà Nẵng.

Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, đắp đập tạm ngăn mặn chặn cửa sông Quảng Huế bằng bao cát là một giải pháp vô cùng đúng đắn. Đập có cao trình đập là 3,2m. Đập này sẽ làm giảm trữ lượng nước từ sông Vu Gia chảy qua sông Thu Bồn, đẩy nước về đập dâng An Trạch nhằm bảo đảm nguồn nước thô để sản xuất nước sạch sinh hoạt cho TP.Đà Nẵng. Đập được hình thành từ gần 4.000 bao cát cùng với các rổ đá và sẽ tự phá dỡ khi mùa mưa đến.

Ý kiến của bạn

Bình luận