MBH cho đồng bào dân tộc-An toàn tính mạng gìn giữ bản sắc văn hóa

Tác giả: thùy dương

saosaosaosaosao
Sản phẩm 28/03/2016 06:25

Phụ nữ người dân tộc Thái khi lấy chồng có phong tục quấn búi tóc trên đỉnh đầu, thường gọi là “tằng cẩu”, nhưng chính điều đó lại gây phiền toái cho họ khi tham gia giao thông. Do đó, với sự phối hợp của Ủy ban ATGT Quốc gia và Công ty Cổ phần Kỹ thuật HI (Hitech), mẫu mũ bảo hiểm (MBH) mới dành riêng cho đồng bào dân tộc đã được nghiên cứu, thí điểm và nhân rộng ra cả nước.

ttxvn_mbh
Đồng bào dân tộc Thái đội MBH "độc nhất vô nhị" do Công ty Cổ phần kỹ thuật HI chế tạo. Ảnh TTXVN

Chiếc MBH độc nhất chỉ có ở Việt Nam

Là doanh nghiệp trực tiếp nghiên cứu sản xuất MBH cho phụ nữ dân tộc Thái, ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ thuật HI cho biết, dù gặp nhiều trở ngại nhưng Công ty vẫn cố gắng hết sức để hoàn thành và sản xuất thí điểm.

Để có thể thiết kế ra chiếc mũ, ông Dũng và đội ngũ kỹ thuật đã dành nhiều thời gian trực tiếp đi lên các bản người Thái ở Tây Bắc để nghiên cứu nét văn hóa và đo búi tóc của họ. Ông Dũng cho biết, thiết kế một chiếc MBH vừa bảo đảm các tính năng nhưng vẫn phải giữ được truyền thống văn hóa, mà đặc thù mỗi vùng miền lại khác nhau. Đơn cử như búi tóc của họ mỗi người lại có một số đo khác nhau, từ khoảng 10 - 12cm. Chính vì vậy, Công ty đã thiết kế phần nhô lên có đường kính 13cm và cao 10cm. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp búi tóc của chị em to hơn thiết kế, nên Công ty tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện mẫu mũ.

“Chúng tôi lựa chọn sử dụng mẫu mũ ôm toàn đầu để cải biên thêm một phần nhô lên vì với khí hậu ở vùng cao rất khắc nghiệt, nhiều sương mù, hay có mưa phùn nhất là mùa đông thời tiết rất lạnh. Với mẫu mũ này, các chị em không lo bị ướt tóc và rất ấm khi di chuyển, hơn hết là độ an toàn rất cao. Khi xảy ra tai nạn sẽ hạn chế được sự đâm xuyên”, ông Dũng chia sẻ.

Được biết, giá thành loại MBH mới này tối đa khoảng 350.000 đồng. Mặc dù phải đầu tư rất nhiều chi phí về thiết kế, khuôn mẫu, sản xuất nhưng Công ty chỉ lấy giá sản xuất, không tính lãi. Theo vị Tổng giám đốc này, việc sản xuất mũ mới đảm bảo tính mạng đồng bào dân tộc là vinh hạnh của Công ty, đóng góp công sức trong công cuộc bảo đảm ATGT của đất nước.

Ông Dũng cho biết, mặc dù đã hoàn thành thiết kế và thí điểm nhưng hiện nay Công ty đang chờ đợi sự cấp phép của cơ quan có thẩm quyền về mẫu MBH này mới có thể sản xuất hàng loạt. Điều đáng nói ở đây là không có thiết bị nào có thể kiểm tra, thử nghiệm được độ an toàn, quy chuẩn của loại mũ có thiết kế mới về hình dạng này bởi vì ngay cả trên thế giới cũng chưa có loại MBH nào có thiết kế như vậy. Do đó, Trung tâm thí nghiệm 1 (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam) vẫn đang xem xét.

“Chúng tôi mong rằng trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ sớm đưa ra tiêu chí đánh giá cụ thể, tiêu chuẩn mới về sản phẩm để phụ nữ dân tộc Thái sớm có MBH sử dụng”, ông Dũng bày tỏ.

An toàn tính mạng gắn liền với gìn giữ văn hóa

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, khi quy định bắt buộc đội MBH được ban hành, đồng bào dân tộc rất nghiêm chỉnh chấp hành, tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là MBH thông thường chỉ có tác dụng bảo vệ búi tóc của họ. Trước thực trạng đó, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra, trong đó có nhiều ý kiến cho rằng nên vận động bà con từ bỏ luật tục này. Tuy nhiên, đối với những người phụ nữ dân tộc Thái, “tằng cẩu” có ý nghĩa to lớn. Nó không chỉ để phân biệt ai là người đã lập gia đình mà còn thể hiện sự thủy chung của người phụ nữ, mặt khác là cách tôn trọng chồng và gia đình nhà chồng.

““Tằng cẩu” rất quan trọng đối với phụ nữ Thái, nếu vì an toàn, vì số đông mà ta bắt họ phải theo, phải xóa bỏ nét văn hóa của mình thì nước ta sẽ mất đi văn hóa đa sắc tộc. Do đó, với trách nhiệm của những người làm ATGT, Ủy ban ATGT Quốc gia đã thống nhất phải đưa ra giải pháp vừa đảm bảo an toàn tính mạng cho bà con, vừa phải gìn giữ nét văn hóa của họ. Vì vậy, chúng tôi quyết định đề xuất nghiên cứu ra MBH dành riêng cho đồng bào dân tộc. Cho tới nay, chỉ có nhà sản xuất MBH Hitech tâm huyết và thiết kế thí điểm sản xuất mũ cho đồng bào”, ông Hùng chia sẻ.

Sau khi đưa ra các sản phẩm thử nghiệm, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa rất ủng hộ, cùng với Ủy ban ATGT Quốc gia tạo mọi điều kiện để sản xuất thí điểm sản phẩm MBH dành cho phụ nữ dân tộc Thái. Tuy nhiên, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Ủy ban yêu cầu trước khi đưa vào hợp quy phải chính thức có ý kiến từ các địa phương, đặc biệt là những người sử dụng để hoàn thiện lại thiết kế.

Chính vì vậy, tháng 11 vừa qua, tại Hội nghị ATGT Tây Bắc năm 2015, 30 chiếc MBH sản xuất thí điểm đã trao cho 6 tỉnh có đồng bào dân tộc Thái sinh sống là Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Hòa Bình và Lào Cai để thử nghiệm. Ủy ban ATGT Quốc gia giao cho các ban ATGT 6 tỉnh Tây Bắc này lấy ý kiến đóng góp của phụ nữ dân tộc đội thử nghiệm MBH mới và gửi về Ủy ban. Theo ông Khuất Việt Hùng, khi chính thức được quy chuẩn, Ủy ban sẽ đưa chiếc MBH độc nhất vô nhị này giới thiệu với bạn bè quốc tế. Bởi vì, dân tộc Thái không chỉ sinh sống duy nhất tại Việt Nam mà còn có ở nhiều quốc gia trên thế giới. Không chỉ có vậy, ngoài dân tộc Thái còn có người Sikh ở Ấn Độ và nhiều nơi khác cũng có tục quấn tóc, khăn cao trên đỉnh đầu.

“Khi đại diện Tổ chức Y tế thế giới đến thăm và làm việc với Ủy ban, họ rất ngạc nhiên khi thấy thiết kế MBH này. Họ chia sẻ rằng đã từng có nhân viên của Tổ chức là người Sikh tử vong do TNGT vì quấn khăn trên đầu không thể đội MBH. Do đó, họ mong muốn chúng ta có thể chia sẻ mẫu thiết kế này”, ông Khuất Việt Hùng cho biết thêm.

Được biết, trước điều kiện kinh tế khó khăn của đồng bào dân tộc, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức và các nhà hảo tâm hỗ trợ một phần kinh phí để tất cả phụ nữ dân tộc Thái đều có mũ đội.

Ý kiến của bạn

Bình luận