Mặt trái của IoT sau vụ VNA bị hack, tài khoản Vietcombank mất 500 triệu

Ứng dụng 22/08/2016 05:37

Trong kỷ nguyên Internet kết nối vạn vật (IoT), nhiều doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam mới chỉ nghĩ nhiều đến mặt tích cực, các cơ hội và doanh thu khổng lồ mà chưa sẵn sàng đương đầu, chuẩn bị tối ưu cho mặt trái là sự tấn công ồ ạt trên diện rộng của hacker nhắm vào tất cả các lĩnh vực như hàng không, ngân hàng...

Mặt trái của IoT sau vụ VNA bị hack, tài kh

Trong kỷ nguyên IoT, đằng sau những cơ hội là tiềm ẩn hàng loạt rủi ro.

IoT tiềm ẩn nhiều thảm họa

Theo đánh giá của ông Jong Huyn Park, Tổng giám đốc DASAN Việt Nam, chưa khi nào vấn đề bảo mật và an toàn thông tin lại trở thành mối quan tâm “nóng” trong các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam như trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau vụ hacker tấn công vào Vietnam Airlines hay vụ khách hàng Vietcombank bị “bốc hơi” 500 triệu đồng trong tài khoản.

“Đây chính là những mặt trái của kỷ nguyên Internet kết nối vạn vật (IoT). Tuy nhiên đáng tiếc là trong kỷ nguyên này, các doanh nghiệp, tổ chức mới chỉ nghĩ nhiều đến mặt tích cực, đến các cơ hội và doanh thu khổng lồ mà IoT sẽ mang lại chứ ít người nhìn vào mặt trái của nó một cách nghiêm túc và có những cảnh báo kịp thời”, ông Jong Huyn Park nhấn mạnh.

Tổng giám đốc DASAN Việt Nam cho rằng, trong kỷ nguyên IoT các vụ tấn công mạng ngày càng tinh vi và hậu quả gây ra ngày càng lớn. IoT như một cơn bão mà không một quốc gia nào tránh khỏi. Trong cơn bão đó, nếu quốc gia nào chuẩn bị kỹ càng, sẽ tồn tại. Nếu quốc gia nào không chuẩn bị kỹ càng, họ sẽ nhanh chóng bị cơn bão càn quét và thiệt hại là không thể hình dung được.

Tại thời điểm hiện tại, trên thế giới có khoảng 11,8 tỷ thiết bị IoT. Con số này sẽ tăng gấp 5 lần chỉ trong 5 năm tới (tính đến năm 2020). Do đó, mức độ cũng như quy mô về rủi ro an toàn và bảo mật thông tin cũng sẽ là một con số khổng lồ. Chỉ một cái “click” ở đầu bên này bán cầu, cả một quốc gia bên kia bán cầu cũng có thể gặp thảm họa.

Trong bối cảnh đó, tại Việt Nam, những doanh nghiệp lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng hay viễn thông… đều đã triển khai những giải pháp bảo mật cho hệ thống và tổ chức của mình, nhận thức đã tăng cao nhưng thực tế cho thấy vẫn chưa đủ.

Từ kinh nghiệm triển khai các thiết bị mạng viễn thông của DASAN Network Solutions tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt tại Mỹ và Hàn Quốc, hai quốc gia có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn bảo mật thông tin, ông Jong Huyn Park chỉ ra rằng các mã độc và chiêu thức tấn công đang ngày một tinh vi. Công nghệ càng phát triển, cấp độ tinh vi càng cao, hậu quả và thiệt hại càng nghiêm trọng.

Do đó, các giải pháp bảo mật được triển khai trong doanh nghiệp cũng phải luôn được cập nhật và thay đổi cho phù hợp. Chỉ một sự trậm trễ, trì hoãn trong kế hoạch là doanh nghiệp đã tự mở cửa mời hacker vào.

2 Mặt trái của IoT sau vụ VNA bị hack, tài
Ông Jong Huyn Park, Tổng giám đốc DASAN Việt Nam.

Có thể chỉ là vô tình, các hoạt động hàng ngày từ chính nhân viên, đối tác hay khách hàng như mượn USB copy tài liệu, cắm USB để trình bày tại cuộc họp… đã đưa rủi ro vào hệ thống một cách dễ dàng, không phải qua các bức tường lửa. Cùng đó, nếu doanh nghiệp đã có bức tường bảo vệ vững chắc chống các xâm nhập từ bên ngoài, luôn được cập nhật, nâng cấp và kiểm soát 24/24 thì hãy đừng vội chủ quan nếu như chưa có những giải pháp bảo mật với chính các rủi ro đến từ bên trong tổ chức.

Trên thế giới, nhiều tập đoàn có tên tuổi lớn đã đầu tư sử dụng các thiết bị tích hợp các giải pháp bảo mật có khả năng bảo vệ hiệu quả từ bên trong tổ chức, do đó các doanh nghiệp Việt Nam cũng không thể lơ là, cần đặt vấn đề an toàn thông tin lên hàng đầu do còn liên quan mật thiết đến an ninh quốc gia.

Không nên "ham" giá rẻ, phụ thuộc vào bất kỳ nhà cung cấp nào

Cũng theo ông Jong Huyn Park, đáng tiếc là không ít doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ xem xét đến chi phí đầu tư ban đầu trong câu chuyện đầu tư vào bảo mật mà xem nhẹ những hậu quả, tổn thất tài chính và chi phí khắc phục sự cố có thể xảy ra trong tương lai, gây mất uy tín đối với khách hàng. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức vẫn nghĩ “rủi ro” nếu chưa thực sự xảy ra thì vẫn là câu chuyện xa vời, không ảnh hưởng gì đến chi phí hiện tại. Nhiều doanh nghiệp đang dùng rất nhiều các thiết bị với giá rẻ, nhưng đừng vì ham rẻ mà đặt an ninh quốc gia vào sự nguy hiểm.

“Vấn đề an toàn bảo mật không thể đặt trong tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, đã đến lúc cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc về vấn đề này để không phải hối tiếc”, Tổng giám đốc DASAN Việt Nam Jong Huyn Park cảnh báo, đồng thời nhấn mạnh các doanh nghiệp Việt Nam không nên phụ thuộc hoàn toàn vào bất kỳ một công nghệ hay nhà cung cấp thiết bị nào, bởi khả năng rủi ro sẽ rất cao như khuyến cáo được Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn đưa ra mới đây.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận