Lưu ý đặc biệt với môn Toán trước kỳ thi vào lớp 10

03/06/2017 05:13

Cô Hoàng Thiên Nga - Giáo viên tổ Toán, Lý, Công nghệ (Trường THCS Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) - chia sẻ những lưu ý quan trọng với học sinh trước kỳ thi vào lớp 10 tới.

img2212_EHPD
Cô Hoàng Thiên Nga và học sinh Trường THCS Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội.

Lưu ý về nội dung kiến thức

Cô Hoàng Thiên Nga cho biết, bài thi môn Toán trong kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội thông thường gồm 5 bài, trong đó có 4 bài đại số và 1 bài hình học, thời gian làm bài 120 phút. Các phần còn lại là để phân loại học sinh. Nhiều năm nay, đề thi vào lớp 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội luôn có tính phân loại rất tốt.

Chia sẻ về những kiến thức quan trọng cần ghi nhớ, theo cô Hoàng Thiên Nga, trong sách ôn tập của Sở GD&ĐT Hà Nội, mỗi chuyên đề đã có phần tóm tắt lý thuyết và các bài tập theo chuyên đề, cả kiến thức cơ bản và một số bài nâng cao. Học sinh có thể ôn tập dựa vào tài liệu này.

Ở từng nội dung kiến thức cụ thể, cô Hoàng Thiên Nga lưu ý như sau:

Với bài toán bằng cách lập phương trình, học sinh nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa và sách hướng dẫn ôn tập của Sở GD&ĐT Hà Nội.

Về hình học, trước tiên học sinh phải nắm vững kiến thức lý‎ thuyết trong sách giáo khoa và kiến thức lớp 9 để có thể làm tốt các câu cơ bản nhất. Ngoài ra, học sinh phải khắc sâu và nâng cao một chút mới làm được các câu cuối của bài hình trong đề thi.

Riêng học sinh chuyên, học sinh các lớp chất lượng cao, các em cần rèn luyện thêm những bài toán khó để đạt được điểm 10.

"Để đạt điểm 10, bên cạnh những kiến thức cơ bản, học sinh phải nắm được kiến thức nâng cao, có khả năng tư duy toán học, có sự tìm tòi, khám phá.

Bên cạnh đó, học sinh phải học tốt, học chắc trong cả quá trình từ lớp 6, không phải đến lớp 9 mới ôn dồn dập, như vậy khó đạt được kết quả cao" - cô Nga nhấn mạnh.

Một số lỗi hay gặp

Cô Hoàng Thiên Nga lưu ý một số lỗi sai học sinh thường gặp khi làm bài thi môn Toán như: Thiếu điều kiện các câu hỏi nhỏ trong bài toán đại số; hay làm tắt các bước để dẫn đến kết quả cũng bị trừ điểm; nhầm lẫn một số kiến thức cơ bản (ví dụ: công thức đại số a + b + c = 0 thì x1 = 1, x2 = c/a thì học sinh hya nhầm sang: a – b + c = 0); nhầm lẫn một số công thức về biến đổi đại số; tính delta và delta phẩy; nhầm lẫn khi vẽ đồ thị trong những bài hàm số đồ thị...;

Nhiều học sinh hay nhầm ở bài hình, như: nhầm giữa đoạn thẳng với đường thẳng; nhầm giữa đường tròn nội tiếp tam giác và đường tròn ngoại tiếp tam giác;

Ngoài ra, học sinh còn yếu kĩ năng vẽ hình trong bài hình học; cẩn thận hơn trong cách trình bày bài làm...

Lưu ý khi làm bài thi

Khi làm bài thi, theo cô Hoàng Thiên Nga, học sinh phải đọc kỹ đề bài, yếu tố bình tĩnh khi đọc đề là vô cùng quan trọng. Học sinh cũng cần phân bổ thời gian hợp lý; làm bài dễ trước, bài khó sau. Khi trình bày, lời giải phải rõ ràng các bước, sau đó dùng máy tính để thử lại kết quả.

"Khi làm bài dễ, học sinh phải rất cẩn thận để không bị trừ điểm. Đôi khi chỉ cần sơ suất một chút như thiếu điều kiện cũng đã bị trừ 0,25 điểm. Môn Toán nhân hệ số 2, như vậy, với lỗi sai này, học sinh đã mất 0,5 điểm. Đây là con số không nhỏ khi các em đăng ký nguyện vọng vào THPT. Trong khi đó, bài 5 - thường là bài khó nhất trong đề thi - số điểm cũng chỉ 0,5" - cô Nga chia sẻ.

Ý kiến của bạn

Bình luận