Luật phải tạo được cơ chế đột phá

Tác giả: KH

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 15/01/2016 05:34

Sau 6 năm thực hiện Luật GTĐB 2008 đã bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn do đó việc sửa đổi Luật phải tạo được cơ chế đột phá để phát triển, phù hợp với thực tiễn.


 

IMG_0831
Kiểm soát nồng độ cồn đối với lái xe đã chặt chẽ hơn

 Chặt nhưng chưa đủ

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (GTĐB) với nhiều điểm mới và những quy định cụ thể, chặt chẽ như: kiểm soát chặt hơn đối với người uống bia, rượu tham gia giao thông; quy định người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy 2 bánh, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm; quy định về vấn đề đảm bảo an toàn cho người đi bộ và người khuyết tật; quy định về người đi bộ, xe thô sơ, xe mô tô không được đi vào đường cao tốc; bổ sung độ tuổi trẻ em được chở thêm trên mô tô, xe gắn máy là dưới 14 tuổi và xe đạp là dưới 7 tuổi; nâng độ tuổi đối với lái xe hạng D, E và FC; quy định số km lái xe an toàn đối với trường hợp nâng hạng giấy phép lái xe; quy định trình độ văn hóa tốt nghiệp trung học cơ sở đối với trường hợp nâng hạng lái xe D, E; tăng thẩm quyền cho thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông trong việc thực thi nhiệm vụ được giao; quy định cụ thể hơn về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; cho phép lập Quỹ Bảo trì đường bộ và xác định nguồn tài chính để quản lý, bảo trì đường bộ. Đối với hoạt động vận tải, Luật GTĐB 2008 đã quy định chặt chẽ hơn các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như: quy định về điều kiện tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, quy định về bộ phận quản lý các điều kiện an toàn giao thông đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách; bổ sung quy định gắn thiết bị giám sát hành trình đối với phương tiện kinh doanh vận tải; điều kiện cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô…

Đánh giá 6 năm thực hiện Luật GTĐB, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, tuy nhiên vẫn còn một số văn bản quy định chi tiết được ban hành chậm so với thời gian có hiệu lực của Luật như: Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về Quỹ Bảo trì đường bộ. Đây là một nội dung hoàn toàn mới, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực cần thời gian để xây dựng, hoàn chỉnh trước khi ban hành và ngày 13 tháng 3 năm 2012 mới được Chính phủ ban hành; quy định về về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe mới được ban hành ngày 21/8/2015 (Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT ngày 21/8/2015). Bên cạnh đó, một số văn bản quy phạm pháp luật về quản lý vận tải, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ có tính ổn định chưa cao do thực tế phát sinh nhiều vấn đề bất cập. Công tác xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch đã đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên còn một số hạn chế như: chưa sát với yêu cầu thực tiễn, áp dụng trong thời gian ngắn đã phải điều chỉnh hoặc thay thế; chiến lược, quy hoạch tính dự báo chưa cao … ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống nhân dân.

Công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên nội dung tuyên truyền nhiều lúc chưa theo sát được những vấn đề “nóng” mà xã hội đang quan tâm, hình thức tuyên truyền chưa dễ nhớ, dễ hiểu. Công tác phối hợp giữa các đơn vị, địa phương cũng như giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp có nơi chưa chặt chẽ, chưa tạo được sự thống nhất trong triển khai thực hiện.

Bộc lộ những bất cập

IMG_8470
Sửa luật sẽ phải ngăn chặn được xe chở quá tải

 Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng Luật GTĐB năm 2008 có rất nhiều tiến bộ, đặc biệt đưa ngành nghề kinh doanh vận tải thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật để quản lý vận tải. Tuy nhiên, Luật đã bộc lộ những bất cập.

Chia sẻ quan điểm này, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc, cho rằng tại Khoản 2, Điều 67 quy định, DN hợp tác xã được kinh doanh xe khách, xe taxi nhưng lại không quy định xe hợp đồng, gây ra bất bình đẳng loại hình vận tải đường bộ. Vận tải xe hợp đồng ít điều kiện hơn nên xảy ra cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, sẽ chỉnh sửa đối với loại hình vận tải xe hợp đồng. Bên cạnh đó Luật cũng chưa đưa xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện vào Luật, hiện nay loại xe này sử dụng nhiều ở các thành phố du lịch, với ưu điểm tiết kiệm điện, an toàn, vận chuyển khách du lịch thân thiện môi trường.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng dù mới thực hiện 6 năm nhưng bộc lộ nhiều tồn tại dẫn đến quản lý Nhà nước hiệu lực hiệu quả chưa cao, chưa lường hết được sự phát triển của kinh tế đất nước và thế giới. Đặc biệt, một số điều quy định trước đây không thực hiện được. Ví dụ đất dành cho giao thông đô thị của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM phải từ 20-26% nhưng thực tế chỉ có 7-8%, không lường được sự phát triển nhanh của phương tiện cá nhân, như xe máy có 45 triệu xe.

Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp thu ý kiến của các đơn vị liên quan để hoàn thành Luật Giao thông đường bộ nhằm áp dụng vào cuộc sống của người dân, doanh nghiệp được quyền làm theo Luật, cải cách thủ tục hành chính giảm tối thiểu cơ chế xin cho. Tạo thị trường cho vận tải phát triển lành mạnh, dự báo sự phát triển của đường bộ trong tương lai. Bộ trưởng nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là trách nhiệm chung của các Bộ, ban, ngành, địa phương. Cơ hội sửa chữa Luật là rất khó vì không thể chốc lát làm được mà cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng, tập trung trí tuệ, nhân lực, không thể sửa hời hợt, Luật phải tạo cơ chế đột phá để thúc đẩy và phát triển.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận