Luật hóa trách nhiệm của chủ doanh nghiệp để phương tiện gây tai nạn

Tác giả: Khánh Lê

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 02/04/2019 07:53

Vấn đề này sẽ được đưa vào Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), quy định trách nhiệm chủ doanh nghiệp khi thuê lái xe có sử dụng ma túy gây TNGT.

 

tai nan
Trước vấn nạn TNGT liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, ngoài lái xe thì chủ doanh nghiệp vận tải cũng phải chịu trách nhiệm

 Nhiều doanh nghiệp sa thải lái xe nghiện ma túy

Sau vụ TNGT tại Hải Dương và Long An do lái xe có sử dụng ma túy gây tai nạn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lái xe sử dụng ma túy, đặc biệt là công tác quản lý, kiểm soát lỏng lẻo của các doanh nghiệp vận tải. Trước thực trạng này, Cục CSGT (Bộ Công an) đã tổ chức kiểm tra lái xe trên các tuyến cao tốc, qua hai đợt kiểm tra đã phát hiện gần 200 trường hợp lái xe vi phạm.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, đại diện doanh nghiệp Thành Minh - đơn vị vận tải hàng đông lạnh tuyến Bắc - Nam cho biết, từ trước đến nay doanh nghiệp chỉ giám sát lái xe qua thiết bị giám sát hành trình, các điểm dừng nghỉ trên tuyến. Vì là hàng tươi sống nên mỗi xe có hai lái, lái xe vận hành liên tục nên không tổ chức kiểm tra sức khỏe thường xuyên và tập trung được. Sau hai vụ TNGT vừa qua, chúng tôi đã tự kiểm tra, phát hiện và cắt hợp đồng lao động đối với 02 lái xe có kết quả dương tính với các chất ma túy.

Đồng quan điểm với doanh nghiệp Minh Thành, ông D.K.P - Giám đốc Công ty Vận tải ĐQG cho rằng, giá trị của doanh nghiệp vận tải không chỉ nằm ở máy móc thiết bị mà còn ở từng lái xe, công tác sửa chữa, điều hành… Doanh nghiệp tin tưởng mới giao tài sản, trách nhiệm của doanh nghiệp cho lái xe, nếu giao cho “con nghiện” thì giá trị tài sản cũng thành mây khói. Công ty chúng tôi thường xuyên kiểm tra sức khỏe lái xe, đặc biệt là các chất gây nghiện. Trong tháng hai vừa rồi, qua đợt tuyển lái xe mới chúng tôi đã phát hiện một số lái xe dương tính với ma túy.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Thiên Thảo Nguyên cho rằng, trách nhiệm kiểm tra là của doanh nghiệp, dù cơ quan chức năng có ra quân kiểm tra cũng chỉ là thời vụ nên khó giải quyết triệt để. Vì thế, khi tuyển dụng lái xe, các bộ phận nhân sự của doanh nghiệp, công ty vận tải phải kiểm tra, xét nghiệm kỹ càng để đảm bảo đầu vào tốt. Nếu làm tốt khâu này sẽ không thể có chuyện để lọt những lái xe nghiện ma túy. Nếu đầu vào không chặt, các doanh nghiệp chỉ nhìn giấy khám sức khỏe của lái xe mà không kiểm tra lại, tự giám sát thì không ai biết trước điều gì. Thiên Thảo Nguyên hiện có hàng trăm lái xe, khi tuyển dụng tôi đều mời cán bộ bệnh viện đến thử máu, nước tiểu tại chỗ chứ không để họ tự đi khám sức khỏe rồi đem kết quả đó nộp cùng hồ sơ. Định kỳ 3 tháng một lần, việc này sẽ được tiến hành lại, nếu phát hiện trường hợp nào dương tính với ma túy là chấm dứt hợp đồng ngay.

Đưa trách nhiệm doanh nghiệp vào Luật Giao thông đường bộ

xe-container-2-1
 


Nói về trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, ông Trần Sơn - nguyên Phó phòng Hướng dẫn luật lệ, Điều tra và xử lý TNGT  (Cục CSGT) cho rằng: “Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ đối với các tài xế, trách nhiệm chủ xe đối với việc quản lý sức khỏe của tài xế chưa được thực hiện. Doanh nghiệp lơ là việc quản lý tài xế, trong khi đó chế tài khi để xảy ra tai nạn lại đang quá nhẹ. Hiện nay, chủ doanh nghiệp có tài xế gây tai nạn chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự chứ không chịu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, doanh nghiệp đều “phủi tay” rằng họ không biết tài xế sử dụng ma túy. Chế tài nhẹ là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng này gia tăng”.

Ông Trần Quang Bình - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục ĐBVN) cho rằng, Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải và Thông tư 63/2014 về tổ chức quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ tuy chưa quy định trách nhiệm của chủ doanh nghiệp khi lái xe gây tai nạn nhưng đã quy định nhiều nội dung về trách nhiệm chủ doanh nghiệp như quản lý, tuyển dụng, tập huấn lái xe hay theo dõi thiết bị giám sát hành trình, bộ phận theo dõi ATGT.

Tai nạn có khi do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan của lái xe nên khó có thể quy định cứ lái xe gây tai nạn thì chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm. Quy định hiện nay khá đầy đủ trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, vấn đề nằm ở khâu thực thi thế nào. Tuy nhiên, trong lần sửa đổi Luật Giao thông đường bộ tới đây, tùy tình hình thực tế sẽ xem xét bổ sung các quy định liên quan đến trách nhiệm của chủ xe.

Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tại Khoản 7, Điều 8 thì hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy là bị nghiêm cấm. Nếu bị phát hiện sử dụng chất ma túy, người điều khiển xe sẽ bị xử phạt theo quy định. Khoản 11, Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định, người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô mà trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng (trong trường hợp có Giấy phép lái xe) hoặc phạt tiền từ 16 đến 18 triệu đồng (trong trường hợp không có Giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe).

Ý kiến của bạn

Bình luận