Lợi lớn từ kết quả chuyển đổi số ngành Đường bộ

Tác giả: Hoàng Long

saosaosaosaosao
Sản phẩm 31/01/2024 09:58

Với 1.500 hồ sơ cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX) nộp qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia ước tính tiết kiệm được trên 1,05 tỷ đồng chi phí cho người dân mỗi ngày. Đây là hiệu quả thiết thực từ hoạt động chuyển đổi số của ngành Đường bộ - một trong những điểm nhấn của năm 2023 với nền tảng số hóa được triển khai sâu rộng...


Lợi lớn từ kết quả chuyển đổi số ngành Đường bộ- Ảnh 1.

Việc số hóa ngành Đường bộ tạo rất nhiều thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

Tiết kiệm hàng tỷ đồng cho người dân

Đường bộ là một trong những lĩnh vực được đánh giá có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất trong những năm qua của ngành GTVT. Theo thống kê, hiện nay có 70 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), trong đó có 28 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công toàn trình trên cơ chế một cửa quốc gia (lĩnh vực vận tải quốc tế), 12 thủ tục hành chính sẽ phân cấp cho các sở GTVT giải quyết khi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan sửa đổi có hiệu lực. Một trong các thủ tục được người dân, doanh nghiệp quan tâm nhất là việc cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX).

Dẫn đầu về công tác cải cách hành chính

Ngày 30/1/2024, Bộ GTVT công bố kết quả đánh giá công tác cải cách hành chính năm 2023 của Bộ, theo đó Cục Đường bộ VN xếp thứ nhất, sau đến Cục Hàng hải VN, Cục Hàng không VN, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc VN, Cục Đường sắt VN, Cục Đường thuỷ nội địa VN và Cục Đăng kiểm VN.

Nhớ lại những ngày đầu nhận trọng trách ở vị trí Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Xuân Cường (nay là Cục trưởng Cục ĐBVN) nhấn mạnh: "Phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là giảm thiểu các thủ tục hành chính để làm lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp".

Cầm trong tay GPLX mới được bưu điện chuyển về, anh Bùi Văn Sỹ (trú tại thôn 3, xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) không dấu nổi niềm vui, phấn khởi. Anh Sỹ cho biết từ nhà anh lên TP. Vinh mất 100 km, cả đi cả về mất 2 ngày đường. Thủ tục khám sức khỏe, khai báo, nộp hồ sơ, ăn uống, chi phí đi lại... rất tốn kém. "Giờ đây, tôi chỉ cần ngồi ở nhà là có thể khai báo các thủ tục để đổi GPLX, được nhân viên bưu điện trả giấy phép tận nhà. Thành thạo các thủ tục, tôi hỗ trợ rất nhiều anh em trong xóm có nhu cầu đổi GPLX vì không phải ai cũng biết khai báo lần đầu trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Tương tự như anh Sỹ, anh Quách Văn Sơn (trú tại xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình cho biết, với việc khai báo trên hệ thống Cổng Dịch vụ Công quốc gia anh tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí ăn ở, đi lại. "Những lần đổi GPLX trước đây tôi phải nghỉ việc để lên Sở GTVT tỉnh Hòa Bình làm các thủ tục, thuận tiện thì mất 1 ngày, không phải 2 ngày mới xong, đi lại thì khó khăn, chưa tính đến chỗ ăn, ở...".

Ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác quốc tế (Cục ĐBVN) cho biết, những ngày cuối năm 2023, qua theo dõi trên hệ thống, mỗi ngày có từ 500 - 1.000 hồ sơ của người dân được gửi đến, cá biệt có ngày lên đến trên 1.500 hồ sơ. Theo tính toán, mỗi một người dân chi phí đi lại, ăn ở cho quãng đường từ 300 km trở lên tiêu tốn khoảng 700 nghìn đồng. Với 1.500 hồ sơ như hiện nay ước tính sẽ tiết kiệm cho người dân trên 1,05 tỷ đồng mỗi ngày.

Lợi lớn từ kết quả chuyển đổi số ngành Đường bộ- Ảnh 2.

Khai trương Hệ thống DRVN

Số hóa toàn trình

Ông Tô Nam Toàn cho biết thêm, nhận thức được tầm quan trọng của Chính phủ điện tử và chuyển đổi số, Cục ĐBVN, đặc biệt là lãnh đạo Cục đã chỉ đạo quyết liệt xây dựng đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030" và đã được Bộ GTVT phê duyệt... để có được giải pháp tổng thể, lâu dài về phát triển Chính phủ số cũng như ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đây là tiền đề để Cục ĐBVN triển khai ứng dụng công nghệ Chính phủ số trong những năm tiếp theo.

Đến nay, Cục ĐBVN đã tổ chức rà soát, tiến tới cung cấp dịch vụ công điện tử, đặc biệt là dịch vụ công toàn trình trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và hiện đã cung cấp được 55 dịch vụ công trực tuyến trên cổng này. Trong đó, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công toàn trình là 22/30, đạt 73,33%; tỷ lệ được tích hợp cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia là 27/30, đạt 90%; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Có thể nói, việc số hóa dữ liệu đường bộ là một khối lượng công việc khổng lồ với dữ liệu về tài sản đường bộ, bao gồm: 25.807 km quốc lộ, 1.296 km đường cao tốc, 7.677 cầu trên quốc lộ, 33,5 triệu GPLX các loại và 939 nghìn xe kinh doanh vận tải có gắn thiết bị giám sát hành trình, 151 trạm thu phí không dừng, hệ thống phà vượt sông trên các quốc lộ được quản lý qua GPS và camera... Tất cả hồ sơ được số hóa với "bệnh án" từ hồ sơ thiết kế, lịch sử sửa chữa...

Chia sẻ với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, Cục ĐBVN đã hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu GPLX với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đã hoàn thành đối soát để làm sạch dữ liệu GPLX. Kết quả, 33,5/34,7 triệu GPLX (96,5%) có kết quả trùng khớp với dữ liệu dân cư và 10,2/34,7 triệu GPLX (29,4%) hiển thị trên ứng dụng VneID. Hiện nay, Cục ĐBVN đang tiếp tục phối hợp với C06 để kiểm tra, tiếp tục làm sạch 1,23 triệu GPLX do không có số CMND trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (đã khai tử, người nước ngoài); GPLX được cấp với nhiều số CMND, GPLX có định dạng CMND không đúng với định dạng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngoài ra, Cục sẽ kết nối, chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe của lái xe và dữ liệu xử lý vi phạm giao thông đường bộ; tiếp tục đẩy mạnh triển khai Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đổi GPLX thông qua việc chủ động tháo gỡ các vướng mắc (điều chỉnh phần mềm), quyết liệt chỉ đạo các sở GTVT triển khai thực hiện, tạo thuận lợi cho người dân. Với việc đẩy mạnh số hóa đã chấm dứt tình trạng cò mồi, môi giới trong việc cấp, đổi GPLX. Ước tính đến quý I/2024 sẽ có khoảng 2.000 người dân thực hiện dịch vụ công mỗi ngày, tiết kiệm chi phí cho người dân khoảng 1,4 tỉ đồng.

Được biết, trước thời điểm Tết Nguyên đán 2024, người dân sẽ được sử dụng hệ thống thu phí không dừng tại 3 sân bay quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất. Đây là chương trình phối hợp giữa Cục ĐBVN và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam nhằm số hóa toàn bộ hệ thống thu phí điện tử tại các sân bay. "Tới đây, chúng tôi tổ chức thí điểm triển khai thu phí không dừng ở 3 tuyến cao tốc là Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Diễn Châu - Bãi Vọt theo hình thức đầu vào thì đa làn tự do, đầu ra đơn làn có barie. Hiện nay, Cục ĐBVN đang phối hợp với các nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ hoàn thiện thiết kế theo mô hình mới và dự kiến trong quý I/2024 sẽ triển khai thí điểm, làm cơ sở để nhân rộng cho các tuyến cao tốc khi được Chính phủ cho phép thu phí.