Lo ngại chập cháy xe điện - bài 2: Quản lý an toàn thế nào?

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 21/10/2023 06:09

Xe ô tô điện, mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện đang được cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chất lượng an toàn kỹ thuật, trong đó có riêng quy chuẩn về pin, ắc-quy dùng trên xe điện.

Quản lý an toàn cháy nổ xe điện thế nào? - Ảnh 1.

Người sử dụng xe điện chú ý khi mua xe cần có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất về sạc điện để bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ

Kiểm soát theo quy chuẩn kỹ thuật

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, các loại xe ô tô, mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện bắt đầu xuất hiện trong nước từ khoảng năm 2014 và hiện đã phổ biến từ thành thị đến nông thôn. Hệ thống quản lý của Cục Đăng kiểm Việt Nam ghi nhận toàn quốc có hơn 22.000 xe ô tô thuần điện (hầu hết là sản xuất, lắp ráp trong nước và hơn 300 xe nhập khẩu), hơn 11.000 xe lai Hybrid (kết hợp sử dụng xăng, điện), hơn 2 triệu xe mô tô, xe gắn máy điện và hơn 700.000 xe đạp điện, bên cạnh đó là hàng nghìn xe bốn bánh gắn động cơ điện chở người (thường thấy tại các khu du lịch, phục vụ vui chơi giải trí, sân gofl...). Ngay từ thời gian đầu xuất hiện và song song với quá trình phổ biến xe điện, Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chủ động, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy trình kiểm soát chất lượng để bảo đảm an toàn vận hành, trong đó có an toàn về cháy nổ từ quá trình sản xuất, nhập khẩu đến lưu thông.

"Mỗi mẫu (kiểu loại) ô tô, xe máy, xe đạp điện sản xuất, lắp ráp trong nước đều được thử nghiệm, đánh giá về chất lượng an toàn kỹ thuật dựa trên hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp chứng nhận đạt chuẩn mới được sản xuất, phân phối ra thị trường. Sau đó, quá trình sản xuất tiếp tục được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy chuẩn chất lượng của nhà sản xuất.

Như đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, trong 6 tháng đầu từ khi sản xuất hoặc 500 xe sản xuất đầu tiên (với xe máy là 2.000 xe) được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra, giám sát việc tuân thủ theo quy chuẩn chất lượng của nhà sản xuất. Nếu tỷ lệ đạt chất lượng, yêu cầu mới được giao cho doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm kiểm tra, chứng nhận sản phẩm xuất xưởng", ông Trần Hoàng Phong, Quyền Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết.

Cũng theo ông Phong, ô tô điện, xe máy điện, xe đạp điện được xếp vào Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GTVT, được ban hành kèm theo Thông tư số 12/2022/TT-BGTVT ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ GTVT. Do đó, các loại xe nêu trên khi sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu đều được kiểm soát chặt chẽ theo các quy định của pháp luật có liên quan và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với xe thành phẩm, cũng như đối với pin lắp đặt trên xe.

Riêng đối với pin xe điện hiện được kiểm soát trên cơ sở các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Bộ GTVT như: QCVN 76:2019/BGTVT (Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về ắc-quy sử dụng cho xe đạp điện), QCVN 91:2019/BGTVT (Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về ắc-quy sử dụng cho xe mô tô, xe gắn máy điện) hoặc quy định của Ủy ban Kinh tế của Liên hiệp quốc về châu Âu như: UNECE R136 (các quy định thống nhất liên quan đến việc phê duyệt kiểu xe hạng L liên quan đến các yêu cầu cụ thể đối với xe điện) và UNECE R100 (các quy định thống nhất về việc phê duyệt kiểu xe liên quan đến yêu cầu cụ thể đối với xe điện).

"Hệ thống quy chuẩn an toàn kỹ thuật đối với ô tô điện, xe máy điện, xe đạp điện hiện khá đầy đủ để phục vụ công tác quản lý chất lượng phương tiện. Tuy vậy, trước tốc độ phát triển của xe điện hiện nay, không chỉ riêng ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới vẫn đang phải xây dựng và hoàn thiện các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến xe điện, bao gồm cả pin sử dụng cho xe điện. Hiện tại, các bộ, ngành có liên quan đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung, cập nhật các quy định trên cơ sở các quy định mới nhất của thế giới như UNECE R100, UNECE R136", ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin.

Quản lý an toàn cháy nổ xe điện thế nào? - Ảnh 2.

Cần "khép kín" quy chuẩn an toàn xe điện

Để đảm bảo an toàn, phòng ngừa cháy nổ cho phương tiện giao thông chạy bằng năng lượng điện, ông Nguyễn Tô An cho biết thêm, thời gian qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để kiểm soát, nâng cao và đảm bảo chất lượng phương tiện, trong đó có xe điện trong phạm vị chức năng nhiệm vụ như: Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, phổ biến tuyên truyền; hội nghị phổ biến các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các thông tư và quy định giúp các doanh nghiệp có thể hiểu và nắm bắt được quy định để đưa ra thị trường các xe đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tăng cường thanh kiểm tra, hậu kiểm việc chấp hành quy chuẩn đối với các cơ sở sản xuất, lắp ráp xe điện; phối hợp với các cơ quan chức năng như công an, quản lý thị trường để ngăn chặn việc đưa ra lưu thông các xe điện có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, không đảm bảo chất lượng hoặc chưa được chứng nhận chất lượng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, liên quan đến công tác quản lý, phòng chống cháy nổ cho xe điện, ông Trần Thành Vinh, Trưởng ban Khoa học kỹ thuật thuộc Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Việt Nam cho biết, việc quản lý trong lĩnh vực xe điện hiện vẫn chưa có sự đồng bộ. Việt Nam đang là nước có tốc độ phát triển phương tiện sử dụng động cơ điện khá cao. Tuy nhiên, điểm đáng lưu tâm là đến nay vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng về đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ cho pin Lithium-ion và xe điện trong các quá trình từ khâu sản xuất, vận chuyển, lưu kho đến sử dụng, bảo trì.

"Theo tôi, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cần sớm ban hành các quy chuẩn đảm bảo an toàn cháy nổ cho pin Lithium-ion và xe điện. Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cần có những quy chuẩn kiểm soát chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện, điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tiễn sự phát triển của xe điện tại Việt Nam", ông Vinh nêu quan điểm.