Kỷ niệm 40 năm Hiệp định hữu nghị Lào - Việt Nam

Tác giả: Minh Phương

saosaosaosaosao
Chính trị 01/04/2017 05:15

Việt Nam đã hỗ trợ, hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực với Lào, đặc biệt là về giao thông.

 

cua khau lao bao
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo thông thương hai nước Việt Nam - Lào

Vừa qua, Kỳ họp lần thứ 39 của Ủy ban liên chính phủ Việt - Lào đã diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith. Đây là lần đầu tiên kỳ họp diễn ra dưới sự đồng chủ trì của người đứng đầu hai chính phủ, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc đẩy mạnh hợp tác song phương trong năm 2017, một năm có ý nghĩa rất quan trọng khi chuẩn bị kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và 40 năm Ngày ký Hiệp định Hữu nghị và hợp tác Lào - Việt Nam.

Kể từ ngày ký kết Hiệp định Hữu nghị và hợp tác Lào - Việt Nam (18/7/1977), Việt Nam đã hỗ trợ, hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực với Lào, đặc biệt là về giao thông. Gần 40 năm qua, ngành GTVT Việt Nam đã hỗ trợ, hợp tác với Lào về kết nối hạ tầng giao thông, khai thác vận tải qua biên giới và đào tạo nguồn nhân lực.

Cụ thể, Đảng, Chính phủ hai nước đã quan tâm và tập trung vào kết nối hạ tầng giao thông, xây dựng các tuyến đường ngang Đông - Tây thành những trục giao thông trọng yếu như: Đường 2E, 7, 8, 9, 18B, Hủa Phăn - Xiêng Khoảng… kết nối với các tuyến đường bộ của Việt Nam: QL279, 7, 8, 9, 40, 12..., tạo điều kiện cho phía Lào lưu thông vận chuyển hàng hóa xuất nhập cảnh thông qua các cảng biển Việt Nam (Hải Phòng, Cửa Lò, Vũng Áng, Chân Mây, Đà Nẵng...). Với kết nối hạ tầng ngày càng được củng cố và phát triển, Việt Nam và Lào đã và đang phối hợp đẩy mạnh khai thác, tổ chức vận tải một cách hiệu quả.

Nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lào, ngày 24/11/2016, Bộ trưởng Bộ GTVT hai nước đã ký Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác 5 năm (2016 - 2020) triển khai Bản ghi nhớ về “Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực GTVT giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” và Thỏa thuận về đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn. Việc đầu tư xây dựng các tuyến kết nối chiến lược này sẽ là sự kết hợp, tận dụng vị trí trung tâm của Lào trong ASEAN và lợi thế biển của Việt Nam. Các dự án ưu tiên trong thời gian tới là Dự án đầu tư xây dựng cao tốc nối Thủ đô Hà Nội - Viêng Chăn và dự án xây dựng tuyến đường Phu-thít-phờng đi Na Xon (dài 105km) nối cố đô Luang Prabang với tỉnh Điện Biên của Việt Nam; nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt nối Thủ đô Viêng Chăn - cảng Vũng Áng... Bộ GTVT coi các dự án này là các dự án trọng điểm đột phá kết nối giữa hai nước, hình thành một hành lang Đông - Tây mới kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương qua Myanmar, Lào, Thái Lan và Việt Nam…

Dự án đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn là bước đột phá trong kết nối GTVT Việt - Lào. Dự án này có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng cường, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước. Chính phủ hai nước đã thống nhất về việc xây dựng đường cao tốc theo hướng tuyến đi qua khu vực cặp cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An, Việt Nam)/Nậm On (Bô-ly-khăm-xay, Lào). Phương án tuyến này có nhiều lợi thế hơn các phương án kết nối khác về khả năng xây dựng tuyến đường với chiều dài ngắn, thuận lợi để xây dựng với tuyến đường có tiêu chuẩn kỹ thuật cao, chi phí xây dựng phù hợp với khả năng kinh tế của hai nước, kết nối thuận lợi với các cảng biển nước sâu của Việt Nam. Ngoài ra, nếu được đầu tư, tuyến đường sẽ kết hợp với các tuyến đường bộ cao tốc khác của Thái Lan và Myanmar tạo thành một hành lang kinh tế mới theo hướng Đông Tây kết nối từ Thái Bình Dương (các cảng biển nước sâu của Việt Nam) sang Ấn Độ Dương (cảng Dawei của Myanma) với khoảng cách khoảng 1.500km (đường biển hiện tại có chiều dài khoảng 5.500km) làm giảm đáng kể chi phí vận doanh cho tuyến vận tải này.

Tổng chiều dài tuyến từ Viêng Chăn đến Hà Nội khoảng 725km. Chiều dài tuyến trên địa phận Lào khoảng 355km được nghiên cứu xây dựng mới, địa phận Việt Nam khoảng 370km (trong đó có 65km từ cửa khẩu Thanh Thủy đến TP. Vinh, tỉnh Nghệ An là nghiên cứu xây dựng mới, 305km còn lại phía Việt Nam đã có kế hoạch để đầu tư xây dựng và dự kiến hoàn thành trước năm 2022). Toàn tuyến được nghiên cứu theo tiêu chuẩn đường cao tốc quy mô hoàn chỉnh 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 - 120km/h, tại các đoạn có địa hình đặc biệt khó khăn thiết kế với vận tốc 80km/h. Tuyến đường sẽ phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của hai nước, đặc biệt là tiềm năng về vị trí trung tâm của Lào, tiềm năng biển của Việt Nam trong việc kết nối GTVT đường bộ với các nước trong khu vực và thế giới, hình thành tuyến giao thông kết nối theo hướng Đông Tây tối ưu từ trục dọc Bắc Nam của Lào tới các trục dọc Bắc Nam của Việt Nam, từ Thủ đô Viêng Chăn ra biển, kết nối với các khu kinh tế ven biển của Việt Nam. Việc hai bên nghiên cứu, đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Viêng Chăn - Pạc-xăn - Thanh Thủy - Hà Nội không chỉ phù hợp với nội dung Bản ghi nhớ giữa hai chính phủ về chiến lược hợp tác trong lĩnh vực GTVT giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và các hiệp định, biên bản khác giữa hai nước, mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang lại lợi ích chính trị, kinh tế - xã hội cho cả hai nước.

Anh Lao 1
Bản đồ kết nối GTVT Việt - Lào

 

Các dự án đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ - Thà Khẹk - Viêng Chăn nhằm giảm chi phí logistics thông qua đường sắt trực tiếp kết nối cảng Vũng Áng với Viêng Chăn, góp phần phát triển kinh tế của Việt Nam và nâng cao phúc lợi trong các khu vực dự án đi qua, đồng thời cải thiện tính cạnh tranh quốc gia thông qua việc vận chuyển hành khách và phân phối hàng hóa.

Bên cạnh các dự án mang tính chiến lược nêu trên, Bộ GTVT hai nước đã hoàn thành nghiên cứu khả thi đường Phu-thít-phờng đi Na Xon (dài 105km); nghiên cứu khả thi và thiết kế kỹ thuật dự án xây dựng tuyến đường bộ từ huyện Xăm-tạy, tỉnh Hủa Phăn đến Thà-lẩu (biên giới Lào - Việt Nam), tuyến đường này đang được thi công và dự kiến hoàn thành trong năm 2017.

Làm cầu nối giữa Lào và biển lớn

Về việc tạo điều kiện thuận lợi cho Lào khai thác, sử dụng các cảng biển của Việt Nam, đặc biệt là cảng Vũng Áng, hiện nay Chính phủ và Bộ GTVT Việt Nam đã và đang tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa để Lào sử dụng, khai thác cảng Vũng Áng và các cảng biển khác của Việt Nam. Hiện nay, hai bên đang tích cực rà soát và kiến nghị các giải pháp để nâng cao năng lực giúp Lào tăng cường hơn nữa hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng cảng Vũng Áng cũng như các cảng biển khác của Việt Nam cho phù hợp với tình hình mới.

Về khai thác vận tải qua biên giới, hai bên cam kết tiếp tục triển khai có hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận vận tải song phương và đa phương mà hai bên tham gia hoặc ký kết; đặc biệt sẽ áp dụng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp vận tải hai bên liên doanh, liên kết nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, phấn đấu đạt chuẩn quốc tế, tăng độ tin cậy và tính cạnh tranh. Trong năm 2017, hai nước sẽ phối hợp với Thái Lan hoàn thành thủ tục để mở tuyến vận tải hành khách từ Hà Tĩnh qua Khăm Muộn đến Nakhonphanom và ngược lại. Hai nước sẽ tiếp tục trao đổi các giải pháp để Lào khai thác hiệu quả cảng biển của Việt Nam, thu hút tối đa hàng hóa quá cảnh của Lào…; tăng cường việc mở các đường bay đi và đến hai nước…

Về đào tạo nguồn nhân lực, hai nước cũng cam kết tăng cường trao đổi chuyên môn, đào tạo nghiệp vụ, kinh nghiệm quản lý trên tất cả các lĩnh vực GTVT; khuyến khích các cục, vụ, viện tăng cường giao lưu, trao đổi chuyên môn thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị. Bộ GTVT hai nước cũng giao nhóm chuyên viên xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực tổng thể cho Lào trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chương trình giao lưu giữa các thế hệ lão thành và thanh niên sẽ được duy trì với mục đích giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau.

Cùng với sự hợp tác trong khuôn khổ song phương, tình đoàn kết anh em giữa Việt Nam và Lào trong lĩnh vực GTVT còn được thể hiện rõ nét tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như: Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Hợp tác kinh tế chiến lược ba dòng sông (ACMECS), Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS), hợp tác bốn nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV), tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước nói chung và của lĩnh vực GTVT nói riêng trong khu vực và trên thế giới

Ý kiến của bạn

Bình luận