Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII: TNGT giảm gần 50% số vụ

Chính trị 21/03/2016 14:13

Sáng 21/3, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII- TNGT g
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo của Chính phủ. Ảnh: VGP

Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định

Một trong những kết quả to lớn, toàn diện được Báo cáo nhấn mạnh là lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Cụ thể là, chỉ số giá tiêu dùng giảm từ 18,13% năm 2011 xuống còn 0,6% năm 2015; mặt bằng lãi suất giảm khoảng 50% so với cuối năm 2011. Kim ngạch xuất khẩu tăng khá cao, đạt bình quân 17,5%/năm. Cán cân thương mại được cải thiện; cán cân thanh toán quốc tế thặng dư; dự trữ ngoại hối đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Đẩy mạnh chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế; thu ngân sách tăng gần 2 lần so với giai đoạn trước. Tăng cường quản lý chi ngân sách, ưu tiên bảo đảm an sinh xã hội và phát triển con người. Nợ công cơ bản trong giới hạn theo quy định. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp hơn 1,8 lần so với 5 năm trước, đạt bình quân 31,7% GDP; vốn FDI thực hiện tăng 35,6%, vốn ODA giải ngân tăng 61%. Tăng cường quản lý thị trường, giá cả, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu và đẩy mạnh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước. Tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 5,91%. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt 193,4 tỉ USD, bình quân đầu người 2.109 USD. Khu vực công nghiệp, xây dựng phục hồi và tăng trưởng cao hơn vào những năm cuối, tăng bình quân 6,9%/năm. Khu vực nông nghiệp phát triển khá ổn định, tăng bình quân 3%/năm. Khu vực dịch vụ tăng trưởng khá, đạt bình quân 6,3%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 14,1%/năm, loại trừ yếu tố giá còn tăng 5,6%. Chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 29%; năng suất lao động tăng bình quân 4,2%/năm.

Báo cáo của Chính phủ cũng nhấn mạnh: Ba đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt kết quả tích cực. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Quy hoạch phát triển được rà soát, điều chỉnh phù hợp hơn với kinh tế thị trường. Các loại thị trường được hình thành và từng bước phát huy hiệu quả. Thực hiện giá thị trường theo lộ trình đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu gắn với hỗ trợ các đối tượng chính sách, người nghèo. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, minh bạch, bình đẳng hơn; năng lực cạnh tranh được nâng lên.

Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu. Tích cực triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực. Tập trung thực hiện tái cơ cấu về đầu tư công, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

An sinh xã hội được bảo đảm, công tác phòng chống thiên tai được tăng cường

Về văn hoá-xã hội, Phó Thủ tướng cho biết: Công tác này có bước phát triển, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, đã tăng ngân sách và huy động nguồn lực để thực hiện các chính sách xã hội. Hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, nhất là về giảm nghèo. Mở rộng đối tượng thụ hưởng, nâng mức hỗ trợ và thực hiện đồng bộ nhiều chính sách người có công, giảm nghèo, tạo việc làm, trợ giúp xã hội, tín dụng cho học sinh, sinh viên nghèo... Tạo việc làm cho 7,8 triệu người. Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% năm 2010 xuống dưới 4,5% năm 2015; riêng các huyện nghèo giảm từ 58,3% xuống còn 28%. Làm tốt công tác y tế dự phòng, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên; giảm quá tải bệnh viện đạt kết quả bước đầu. Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh và tuyến cuối; phát triển đội ngũ cán bộ y tế. Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 75%. Tuổi thọ trung bình đạt 73,3 tuổi.

Đáng chú ý, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai được tăng cường. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện. Đã phê duyệt xong quy hoạch và cơ bản hoàn thành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Xây dựng và đưa vào thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa tất cả 11 lưu vực sông. Quản lý, sử dụng đất đai, nguồn nước, khoáng sản hiệu quả hơn. Các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng ngừa và xử lý cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng được tích cực thực hiện. Công tác kiểm tra, thanh tra được đẩy mạnh. Quan tâm bảo vệ, phát triển rừng; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học. Năng lực dự báo, cảnh báo, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai được cải thiện; đã giảm 53% số người chết, mất tích và giảm 32% thiệt hại về kinh tế so với 5 năm trước. Triển khai nhiều dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, chủ động hợp tác và nhận được sự hỗ trợ của nhiều đối tác quốc tế.

Về hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; cải cách hành chính đạt những kết quả tích cực; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được chú trọng. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy; đổi mới chế độ công vụ, công chức; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và trách nhiệm của người đứng đầu. Cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ, đơn giản hoá, rút ngắn thời gian thực hiện, nhất là các lĩnh vực liên quan nhiều đến người dân và doanh nghiệp. Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam tăng 19 bậc. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước. Công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo và có những chuyển biến; xử lý nghiêm các vi phạm. Khiếu nại, tố cáo giảm cả về số lượng và số vụ khiếu kiện đông người.

Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững

Đối với công tác quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các giải pháp phù hợp để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định. Thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được củng cố và gắn kết chặt chẽ hơn. Sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân được nâng lên. Kết hợp tốt hơn giữa bảo đảm quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn. An ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; tăng cường phòng, chống tội phạm; quan tâm chỉ đạo công tác phòng chống cháy nổ và an toàn lao động. Chủ động ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống. Tai nạn giao thông giảm 49,7% số vụ, 23,9% số người chết và 57,8% số người bị thương.

Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Chúng ta kiên định trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia và dân tộc; tích cực vận động và được cộng đồng quốc tế ủng hộ lập trường chính nghĩa của ta về vấn đề Biển Đông. Giải quyết tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Kiên trì cùng ASEAN thúc đẩy thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC). Xây dựng và quản lý biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển với các nước láng giềng. Tăng cường hợp tác và  đối thoại, đưa quan hệ với các nước đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.

Ý kiến của bạn

Bình luận