Kon Tum: Nhiều điểm sạt lở ảnh hưởng hạ tầng giao thông

Tác giả: Phạm Trọng Nghị

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 26/08/2021 09:58

Trên địa bàn Kon Tum nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi đang có nguy cơ hư hỏng do tình trạng sạt lở ngày càng diễn ra nghiêm trọng tại nhiều điểm xung yếu.


Tình trạng sạt lở bờ sông Đăk Bla đoạn qua thôn Kon Jdẻ, xã Đăk Bla, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum đã diễn ra trong những năm gần đây, nhiều đoạn đường, thửa đất của nhà dân bị mất dần vào mùa mưa lũ.

Mất đường,  mất đất sản xuất do sạt lở 

Anh A Tâm, 40 tuổi, trú thôn Kon Jdẻ, xã Đăk Bla, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum cho biết, những năm gần đây gia đình anh đã mất hàng chục mét đất vì bờ sông sạt lở. “Trước đây, sát bờ sông là một con đường đất rộng lớn phục vụ cho việc đi lại, vận chuyển sản phẩm của bà con có đất canh tác hoa màu trên khu vực. Nhưng những năm gần đây, tình trạng sạt lở do mưa lũ khiến con đường bị bào mòn mỗ năm một ít rồi biến mất hẳn, giờ dấu tích của con đường chỉ còn nằm trong tiềm thức của người dân. Mất đường, dòng sông xâm nhập vào đất canh tác của người dân, đất của gia đình tôi cũng bị hà bá cuốn đi gần 20m. Trước thực trạng, tôi cùng nhiều bà con ở đây rủ nhau trồng tre, cây mai dương bên bờ sông hy vọng sẽ chống trọi được với sạt lở, nhưng chỉ sau vài trận mưa mấy bụi tre cũng bị cuốn trôi. Bây giờ lo nhất là 4 người con đang trong kỳ nghỉ hè. Thời gian rảnh tụi nó hay đến bờ sông chơi. Lỡ xẩy chân rơi xuống phía dưới thì không biết sẽ ra sao.” anh Tâm lo lắng.

sạt lở
Tuyến đường đập tràn tại Thôn Kon Drei, xã Đăk Blà, TP.Kon Tum bị hư hỏng nặng do sạt lở

Tại thôn Kon Drei, xã Đăk Blà, TP.Kon Tum, hơn 200 hộ dân cũng đang vất vả cho việc đi lại bởi đường vào phải đi qua 2 con suối lớn chảy ra sôngi Đăk Bla. Tại đây, chính quyền địa phương đã cho xây dựng 2 cống tràn bắc qua suối giúp người dân thuận tiện hơn cho việc đi lại.Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa lũ cùng với tình trạng sạt lở của bờ sông Đăk Bla khiến 2 cống tràn này bị hư hỏng nghiêm trọng, phần thân và móng bị vỡ thành nhiều mảng.

Ông A Nik, 49 tuổi, thôn Kon Drei, xã Đăk Bla, TP.Kon Tum, cho biết, hàng ngày, ông đều phải đi qua 2 cống tràn này để đến trung tâm xã. Thời gian gần đây, cống tràn bị hư hỏng nghiêm trọng do sạt lở, khiến việc đi lại của người dân trong làng rất vất vả vô cùng nhất là các cháu nhỏ, trong khi đó mùa khai giảng cũng là bắt đầu cho mùa mưa lũ năm 2021 cận kề.

sạt lở1
Tuyến đường tại thôn Kon Jdẻ, xã Đăk Bla, Tp Kon Tum đã bị lũ cuốn trôi, tình trạng sạt lở đang ăn sâu vào nhà, đất của người dân trên khu vực

Tương tự, tình trạng sạt lở cũng đang diễn ra tại huyện Tu Mơ Rông. Theo lãnh đạo UBND huyện, đến thời điểm trên địa bàn có 105 điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất đồi, núi. Trong đó 51 điểm công trình giao thông, 8 điểm công trình thủy lợi, 17 điểm công trình khu dân cư, 14 điểm trường học, 15 điểm khu sản xuất.

Ông Vương Văn Mười, Phó chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông cho biết huyện đã yêu cầu UBND các xã khi có mưa bão xảy ra phải huy động tổng lực các lực lượng tại chỗ, kiên quyết di dời các hộ dân đang sinh sống ở ven sông, ven suối, sườn núi, nơi có khả năng sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn. Song song với đó, huyện cũng chỉ đạo các xã thành lập tổ xung kích tại địa bàn luôn túc trực, ứng phó khi có thiên tai xảy ra nhằm hỗ trợ kịp thời cho nhân dân trong việc khắc phục hậu quả của bão lũ gây ra.

Nhiều điểm sạt lở đe dọa tính mạng người dân

Để chủ động phòng, chống những khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai trong mùa mưa bão năm 2021, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã ban hành Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông đến năm 2030 trên địa bàn toàn tỉnh. Trước mắt, các ngành chức năng tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án kè chống sạt lở lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cần chủ động tổ chức cắm biển cảnh báo tại những khu vực bị sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực bờ sông bị sạt lở, bố trí tái định phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum, hiện nay, toàn tỉnh có hàng trăm điểm sạt lở ở khu vực bờ sông, suối, xuất hiện tại 10 huyện, thành phố của tỉnh. Trong đó, một số điểm sạt lở nghiêm trọng là sông Đăk Bla đoạn qua TP.Kon Tum; sông Pô Kô đoạn qua thị trấn Đăk Glei (H. Đăk Glei); sông Đăk Pne đoạn qua xã Tân Lập (H.Kon Rẫy); suối Đăk Ter (H.Tu Mơ Rông).

Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng mưa tập trung với cường độ mạnh và lượng lớn là nguyên nhân chủ yếu gây ra loại hình thiên tai lũ quét, sạt lở đất. Tình trạng này xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là trên các sông, suối gây ảnh hưởng đến đất sản xuất, khu dân cư, công trình giao thông, đe dọa đến tính mạng của người dân...

Ông Trần Văn Lực, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum cho biết, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu UBND tỉnh quản lý chặt việc xây dựng công trình, nhà cửa tại khu vực ven sông; chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông.

“Ngành sẽ phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông; phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.”, ông Lực nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận