Kinh nghiệm thế giới ứng dụng và vận hành ITS

Kinh nghiệm phát triển 18/12/2023 14:01

Hiện nay, nhiều thành phố trên thế giới đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) đáp ứng nhu cầu đi lại và giải quyết ùn tắc giao thông.


Hiện nay, nhiều thành phố trên thế giới đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Các thành phố có hệ thống giao thông thông minh tiên tiến nổi bật là Singapore, Seoul, Matxcơva… Đây là những mô hình để các đô thị lớn của Việt Nam tham khảo và học hỏi kinh nghiệm.

Thế giới ứng dụng và vận hành ITS thế nào?- Ảnh 1.

Tại Singapore, tất cả các xe cá nhân vào thành phố đều phải đóng phí nhằm giảm ùn tắc giao thông

Singapore: Phấn đấu trở thành thành phố có ít ùn tắc giao thông nhất thế giới

Singapore là một quốc đảo có 5.938.167 người, diện tích 728 km2, mật độ 8.099 người/km2, số lượng phương tiện giao thông của nước này xếp vào danh sách hàng đầu thế giới, khoảng 281 phương tiện/km, cao hơn Nhật Bản 63 phương tiện/km, Anh 77 phương tiện/km... Đặc biệt, Singapore không có quỹ đất để mở rộng, phát triển giao thông như những quốc gia khác. Đứng trước "bài toán" nan giải đó, từ đầu những năm 1980, Chính phủ Singapore đã đề ra một loạt chính sách xây dựng hệ thống giao thông thông minh, khoa học, bài bản, bao gồm việc xây dựng, phân luồng đường, quản lý tắc nghẽn, quản lý sự cố... Singapore trở thành quốc gia thông minh đầu tiên vào năm 2014, nhưng hệ thống điều hành giao thông thông minh thành phố đã xuất hiện từ năm 1998.

Các cơ quan chuyên môn ở Singapore đã tiến hành thu phí điện tử ERP để hạn chế ùn tắc giao thông. Singapore áp dụng hệ thống thu phí giao thông với các mức phí khác nhau phụ thuộc vào thời gian và quãng đường tham gia lưu thông của chủ xe. Vào năm 2014, Singapore đã khởi động "Smart Mobility 2030" - một kế hoạch chiến lược phác thảo cách sẽ phát triển ITS trong 15 năm tới.

Với mục tiêu hướng tới một cộng đồng tương tác và kết nối hơn, Cơ quan GTVT đường bộ Singapore (LTA) và Hiệp hội ITS Singapore (ITSS) đã hợp tác để khai thác những tiến bộ công nghệ. Có 3 chiến lược chính mà kế hoạch này tập trung, bao gồm: Đi lại tốt hơn cho hành khách, phát triển các tiêu chuẩn để chia sẻ dữ liệu chính xác và tạo điều kiện hợp tác với khu vực công và tư nhân để nâng cao nhận thức.

Tất cả các dữ liệu về giao thông đều được trung tâm điều hành giao thông quản lý. Các trung tâm ITS được đầu tư với công nghệ thu thập dữ liệu hiện đại, có thể phân tích, xử lý một lượng lớn dữ liệu. Những năm gần đây, kinh phí đầu tư cho quản lý, điều hành giao thông thông minh tăng lên nhiều. Mục tiêu đến năm 2030 của Singapore là tăng cường hệ thống giao thông công cộng (GTCC) lên 75%, xây dựng hệ thống giao thông cho người sử dụng Door to Door, giảm thời gian di chuyển và 80% hộ gia đình chỉ mất 10 phút đi bộ đến trạm xe công cộng.

Seoul: Hệ thống giao thông thông minh được ứng dụng trong mọi loại hình giao thông

Seoul là thành phố lớn có mật độ dân số cao, khiến thành phố này trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc.

Khi nền kinh tế phát triển cũng là lúc giao thông của Seoul bùng nổ. Thành phố này có hơn 3 triệu phương tiện giao thông nên thường xuyên bị tắc nghẽn. Bởi vậy, Seoul đã xây dựng hệ thống đường ngầm thông minh để giải quyết hiện tượng này. Riêng hệ thống tàu điện ngầm có 16 tuyến với 350 nhà ga phục vụ Seoul, Incheon, Gyeonggi, Tây Gangwon và Bắc Chungnam, đáp ứng được hơn 8 triệu lượt người đi lại mỗi ngày. Seoul thực hiện di chuyển thông minh từ năm 2003, tăng lượng người sử dụng GTCC từ 30% lên 70% bằng cách sử dụng hệ thống giao thông thông minh tiên tiến, hệ thống quản lý xe buýt bằng GPS.

Seoul cũng cung cấp nhiều dịch vụ cho người dùng phương tiện GTCC, cho phép người dùng ước tính giờ đến của tàu, xe, thời gian di chuyển dự kiến, vị trí các ga tàu điện hoặc trạm xe buýt gần nhất. Các ga tàu điện ngầm và trạm xe buýt chính ở Seoul đều được trang bị màn hình led hiển thị thời gian đến dự kiến của tàu điện ngầm và xe buýt.

Hệ thống giao thông thông minh được ứng dụng trong mọi loại hình giao thông. Hệ thống vận hành và thông tin giao thông Seoul TOPIS cung cấp đầy đủ dữ liệu từ các nguồn khác nhau: Dịch vụ quản lý xe buýt, hệ thống thẻ GTCC, hệ thống thu vé tự động, hệ thống phát thanh và truyền hình giao thông... Có tới 17 triệu phương tiện giao thông tại Seoul đăng ký vào hệ thống định vị vệ tinh GPS nên những người vận hành luôn nhận được thông tin về lưu lượng giao thông theo từng giờ trên các tuyến đường. Dựa vào các thông tin này, hệ thống đèn tín hiệu cũng có thể tự thay đổi theo mật độ của các phương tiện giao thông. Ngoài ra, hệ thống camera được bố trí dày đặc có thể giám sát mọi tình huống giao thông. Các camera hoạt động với Internet tốc độ cao sẵn sàng ghi lại mọi tình huống vi phạm giao thông để xử lý "phạt nguội".

TP. Seoul đã đưa ra chiến lược phát triển hệ thống giao thông đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh đặc điểm xu hướng chính sách giao thông có tính chuyển đổi quan trọng từ "giá trị xã hội" đến "tiện lợi cá nhân". Hệ thống giao thông trong quá khứ chủ yếu dựa trên phương tiện xe cá nhân sẽ dần chuyển sang GTCC là chủ yếu, lấy phục vụ con người làm trọng tâm, từ đó đưa ra tầm nhìn và mục tiêu của chiến lược "Giao thông Seoul đến năm 2030".

TP. Matxcơva: Hình mẫu trong phát triển hiệu quả hệ thống giao thông đô thị

Là thành phố lớn nhất châu Âu với 12,80 triệu dân và diện tích 2.511 km2, Matxcơva bắt đầu phấn đấu trở thành thành phố thông minh từ năm 2011 với khẩu hiệu "Thành phố như là một dịch vụ". Hiện nay, thành phố sử dụng hơn 220 dịch vụ công điện tử phục vụ giao tiếp giữa chính quyền và người dân. Gần 100% thành phố được phủ 4G và Internet tốc độ cao, biến thành phố này có mức độ bao phủ wifi thứ 2 trên thế giới.

Hệ thống ITS ở Matxcơva có hơn 2.000 đèn tín hiệu, 3.500 cảm biến phát hiện chuyển động, 2.000 camera quan sát. Thành phố thực hiện các biện pháp giảm sử dụng xe cá nhân, khuyến khích sử dụng GTCC và đi bộ, xe đạp bằng các biện pháp: Thu phí đỗ xe, giảm số lượng đỗ xe miễn phí, miễn phí đỗ xe cho xe chia sẻ, tăng cường xe Uber và dịch vụ cho thuê xe khác... Hệ thống GTCC Matxcơva là một trong những hệ thống GTCC lớn nhất và hiệu quả nhất thế giới. Chẳng hạn, tàu điện ngầm có dung lượng hành khách lớn nhất Tây bán cầu (2,5 tỷ hành khách), chiếm vị trí thứ nhất về giãn cách thời gian tối thiểu giữa các đoàn tàu đối với tất cả các tuyến vào giờ cao điểm (1,5 phút). Cho đến nay, 60% dân số Matxcơva tiệm cận thuận lợi đến hệ thống GTCC (dưới 500 m). Tất cả các phương tiện GTCC (hơn 32.000 phương tiện) được giám sát, theo dõi bằng hệ thống định vị vệ tinh Glonass. Trên website có thể theo dõi các thông tin khác nhau, đặc biệt về lái xe, thực hiện nhiệm vụ, tiêu hao nhiên liệu, vị trí, tuyến, vận tốc. Các thiết bị ngoại vi của hệ thống giao thông thông minh được tăng cường lắp đặt, trên tất cả các đoạn phố quan trọng đều có camera giám sát cho phép xác định tình trạng giao thông trên đường.

Đến nay, 100% hạ tầng giao thông đường bộ cơ bản ở Matxcơva được giám sát điện tử: Các cảm biến gắn bên trong và các camera, 51,41% nút giao thông có đèn tín hiệu được điều khiển thích nghi (tùy theo lưu lượng dòng xe thực). Tại mỗi bến xe đều có bảng điện tử thể hiện thông tin về giờ xe đến theo thời gian thực. Di chuyển được coi là dịch vụ của giao thông đa phương thức, thống nhất tất cả các dịch vụ giao thông trong phần mềm ứng dụng Giao thông Matxcơva cho người dùng lập chuyến đi đa phương thức, thuê taxi, biết giờ xe buýt hay tàu điện đến theo thời gian thực, thanh toán chuyến đi... Ứng dụng này có 6 thứ tiếng. Thành phố đang xây dựng Bản sao số (Digital Twin) cho phép phân tích tình hình thực tế trên đường, đáp ứng các thay đổi có thể...