Kiểm soát chặt các khâu để nâng cao chất lượng bảo trì

Tác giả: Hoàng Thạch

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 04/04/2018 10:18

Cục Quản lý Đường bộ II được giao quản lý, bảo trì, khai thác 15 tuyến quốc lộ (QL) thuộc địa bàn 6 tỉnh Bắc Trung bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế với tổng chiều dài 2.709,8km; thực hiện quản lý đối với 2.467km QL ủy thác cho các sở GTVT quản lý và 295,5km do nhà đầu tư BOT quản lý khai thác.

 

cuc 21
 

Chất lượng bảo trì luôn được chú trọng

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo trì đường bộ như hệ thống QL có nhiều đoạn tuyến nền, mặt đường đã bị hư hỏng, xuống cấp, ảnh hưởng của thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng giao thông. Một số địa phương chưa quyết liệt các biện pháp kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) và xử lý xe vi phạm kích thước thùng nên tình trạng xe quá tải trọng quy định và xe cơi nới kích thước thùng chở hàng vẫn còn xuất hiện ở một số đoạn tuyến QL trên địa bàn. Chính vì vậy, nhiều tuyến đường nhanh chóng bị hư hỏng, xuống cấp như hằn lún vệt bánh xe, “ổ gà” (nhất là các tuyến QL đi qua khu vực có nhiều công trình xây dựng, khai thác mỏ, khu kinh tế, cảng...). 

Để duy trì chất lượng của cầu, đường đảm bảo an toàn êm thuận, thời gian qua Cục Quản lý Đường bộ II đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn về công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ. Cục đã chỉ đạo các chi cục phải thường xuyên bám tuyến để chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu thực hiện tốt công tác bảo trì mặt đường, khơi thông rãnh thoát nước dọc, lau chùi biển báo, bạt lề, phát quang cây cỏ, thoát nước mặt đường…; rà soát các hư hỏng trên tuyến, có giải pháp sửa chữa kịp thời bằng kinh phí bảo dưỡng thường xuyên bổ sung cho các tuyến QL đúng mục đích, chất lượng để đảm bảo ATGT.

Bên cạnh đó, Cục đã thành lập các đoàn kiểm tra để đánh giá năng lực của các nhà thầu, định kỳ tổ chức nghiệm thu công tác bảo dưỡng thường xuyên của nhà thầu theo hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư, trong đó nghiệm thu hàng tháng do các chi cục thực hiện, nghiệm thu theo quý do Cục thực hiện. Cục tổ chức nghiệm thu chéo để đảm bảo tính khách quan và học tập kinh nghiệm giữa các đơn vị trong địa bàn. Năm 2017, Cục đã nghiệm thu thanh toán cho nhà thầu 141,724 tỷ/141,724 tỷ đồng (bao gồm cả 58,719 tỷ đồng kinh phí bảo dưỡng thường xuyên bổ sung).

Để đảm bảo chất lượng cầu đường, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, Cục thường xuyên kiểm tra, theo dõi 975 cầu trên 15 tuyến QL (bao gồm cả những cầu trên đoạn tuyến đã bàn giao cho nhà đầu tư BOT quản lý, khai thác, vận hành và các đơn nguyên cầu mới trong các dự án nâng cấp mở rộng QL) theo kế hoạch định kỳ và đột xuất (trong đó có 71 cầu cắm biển hạn chế tải trọng và 28 cầu tải trọng thiết kế chưa đồng bộ với tải trọng khai thác).

Năm 2017, Cục được Tổng cục ĐBVN giao làm chủ đầu tư 69 công trình (bao gồm 48 công trình trong kế hoạch, 4 công trình bổ sung, 17 công trình sửa chữa đột xuất), đến nay đã thi công xong 47/48 công trình (còn dự án sửa chữa cầu Phú Xuân QL1 có tiến độ thi công đến tháng 9/2018). Các công trình bổ sung kế hoạch năm 2017 bao gồm 4 công trình, đã thi công xong 01 công trình trên QL45, 3 công trình còn lại đang khẩn trương triển khai thi công để đảm bảo tiến độ (QL46, sửa chữa mặt bằng bằng công nghệ Microsurfacing trên QL49 và đường Hồ Chí Minh). Song song với đó là sửa chữa đột xuất, “điểm đen” 17 công trình được bổ sung kế hoạch bảo trì và đã hoàn thành 17/17 công trình.

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn

Năm 2017, Cục Quản lý Đường bộ II được Tổng cục ĐBVN giao làm chủ đầu các dự án bảo trì đường bộ với tổng số vốn 697,136 tỷ đồng (bao gồm kế hoạch bảo trì 2017, dự án bổ sung và dự án sửa chữa đột xuất). Cục đã triển khai kịp thời, có hiệu quả nguồn vốn theo kế hoạch bảo trì và kế hoạch chi năm 2017. Ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, Cục đã chú trọng các giải pháp về thiết kế, đảm bảo chất lượng khai thác ổn định, lâu dài; lựa chọn nhà thầu có kinh nghiệm, năng lực để thực hiện các dự án. Đối với giai đoạn đầu tư, việc kiểm tra chất lượng được tiến hành thường xuyên, có hệ thống, trong đó yêu cầu các tư vấn nâng cao tinh thần trách nhiệm, giám sát chất lượng từ khâu chuẩn bị triển khai thực hiện dự án đến khi hoàn thành đưa công trình vào sử dụng, chú trọng giám sát biện pháp tổ chức thi công. Song song với đó, Cục đã chỉ đạo thực hiện nghiêm quy trình nghiệm thu các hạng mục, sớm phát hiện sai khác giữa hiện trường và hồ sơ, từ đó đề xuất giải pháp xử lý. Đặc biệt, Cục luôn chú ý kiểm tra chất lượng vật liệu đầu vào, tổ chức thi công đúng quy trình, kiểm tra chất lượng sau khi thi công xong, đồng thời triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm lập lại kỷ cương trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, với mục tiêu nâng cao chất lượng xây dựng công trình, đẩy nhanh tiến độ thi công. Vì vậy, các dự án trong kế hoạch sửa chữa năm 2017 cơ bản đã hoàn thành đảm bảo chất lượng, góp phần ngăn chặn sự xuống cấp của công trình, duy trì khả năng khai thác, đảm bảo ATGT.

Bên cạnh đó, công tác lập báo cáo quyết toán tài chính, kiểm tra lập báo cáo quyết toán tài chính của các đơn vị trực thuộc luôn được Cục chú trọng trình Tổng cục ĐBVN thẩm tra, xét duyệt. Công tác lập báo cáo, thanh toán, giải ngân nguồn kinh phí bảo trì đường bộ và nguồn vốn khác trong năm 2017 đúng tiến độ. Đối với công tác lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành do Cục làm chủ đầu tư, năm 2016 là 127/128 công trình đã hoàn thành; năm 2017 là 55/80 công trình đã hoàn thành.

Cục đã chủ động làm việc với các cơ quan tham mưu của Tổng cục ĐBVN, Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương để bố trí vốn, thanh quyết toán phù hợp cho các công trình; phối hợp với các nhà thầu làm thủ tục thanh toán, giải ngân nguồn vốn của các được dự án Tổng cục ĐBVN giao năm 2017 một cách nhanh gọn, đúng mục đích, đạt hiệu quả. Đến hết năm 2017, Cục đã giải ngân 718,732/718,732 tỷ đồng được cấp (đạt 100%); vốn sự nghiệp kinh tế 02 tỷ đồng/02 tỷ đồng (đạt 100%).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo trì vẫn còn nhiều bất cập, một số đoạn tuyến xuất hiện “ổ gà” nhưng chưa được dập vá kịp thời; một số đoạn tuyến bị hằn lún vệt bánh xe gây đọng nước trên mặt đường chưa có giải pháp hữu hiệu để yêu cầu nhà thầu bảo hành, khẩn trương khắc phục. Do khó khăn về giải phóng mặt bằng, điều kiện thời tiết không thuận lợi nên tiến độ thi công một vài dự án còn chậm so với yêu cầu, phải gia hạn thời gian hoàn thành công trình. Một số công trình sau khi thi công xong, công tác lập hồ sơ hoàn thành công trình còn chậm nên ảnh hưởng đến công tác nghiệm thu và thanh quyết toán. Công tác lập hồ sơ hoàn công các dự án khắc phục hậu quả lụt, bão đảm bảo giao thông bước một còn chậm, thiếu các tài liệu liên quan, nội dung hồ sơ hoàn công còn chưa đầy đủ, làm cho công tác kiểm soát mất nhiều thời gian, hồ sơ phải trả đi trả lại nhiều lần, làm chậm tiến độ chung của dự án

Ý kiến của bạn

Bình luận