'Kiểm định chất lượng giáo dục đại học vừa đá bóng vừa thổi còi'

05/12/2017 14:52

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên thứ trưởng GD&ĐT - cho rằng 3 trong số 4 trung tâm kiểm định tại nước ta trực thuộc trường đại học nên khó có thể đảm bảo khách quan trong đánh giá.

thu_vien_5_zing
Một góc thư viện của ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM. Đại diện trường này cho rằng kiểm định trong nước không đáng tin cậy. Ảnh: Lê Quân.

Câu chuyện đại diện một trường đại học nghi ngờ năng lực của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước thu hút sự chú ý của dư luận tuần qua. Thậm chí, đại diện ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM, còn cho rằng việc kiểm định trong nước là "tào lao".

Vì sao một số trường đại học không muốn kiểm định chất lượng trong nước, mà chọn kiểm định nước ngoài theo tiêu chí quốc tế và khách quan?

25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí và bất cập

Kiểm định chất lượng giáo dục không phải vấn đề mới ở nước ta. Trên thực tế, nó được đề cập đến từ năm 2005. Năm 2007, Bộ GD&ĐT ban hành quy định về tiêu chuẩn (10 tiêu chuẩn, 61 tiêu chí). Một năm sau, bộ cũng quy định về chu kỳ và quy trình kiểm định (7 bước).

Hiện tại, công tác kiểm định chất lượng được thực hiện theo Thông tư 12/2017 ban hành hồi tháng 5. Theo đó, các trường sẽ được kiểm định dựa trên 25 tiêu chuẩn (gồm 111 tiêu chí).

Các tiêu chuẩn cụ thể bao gồm: Tầm nhìn, sứ mạng và văn hóa, Quản trị, Lãnh đạo và quản lý, Quản trị chiến lược, Các chính sách về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, Quản lý nguồn nhân lực, Quản lý tài chính và cơ sở vật chất. Các mạng lưới và quan hệ đối ngoại, Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, Tự đánh giá và đánh giá ngoài, Hệ thống thông tin đảm bảo chất lượng bên trong, Nâng cao chất lượng.

Tuyển sinh và nhập học, Thiết kế và rà soát chương trình dạy học, Giảng dạy và học tập, Đánh giá người học, Các hoạt động phục vụ và hỗ trợ người học, Quản lý nghiên cứu khoa học, Quản lý tài sản trí tuệ. Hợp tác và đối tác nghiên cứu khoa học, Kết nối và phục vụ cộng đồng, Kết quả đào tạo, Kết quả nghiên cứu khoa học, Kết quả phục vụ cộng đồng, Kết quả tài chính và thị trường.

Thi_xong_mon_Anh_Van_13
Việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học được tiến hành theo 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí. Ảnh minh họa: Tiến Tuấn.

Các tiêu chí của bộ tiêu chuẩn được đánh giá theo thang đánh giá 7 mức, từ không đạt yêu cầu đến thực hiện xuất sắc, đạt mức của các cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới.

Việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học được thực hiện theo chu kỳ 5 năm và tuân theo trình tự 4 bước (tự đánh giá, đánh giá ngoài, thẩm định kết quả đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục).

Nhìn chung, Bộ GD&ĐT có quy định rõ ràng, cụ thể về việc kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này lại chưa được thực hiện tốt. Nhiều chuyên gia nhận định một phần nằm ở bộ tiêu chuẩn còn nhiều hạn chế.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ băn khoăn về tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” của kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Theo ông, 3 trong số 4 trung tâm kiểm định tại nước ta trực thuộc trường đại học nên có thể thiếu khách quan.

Chia sẻ ý kiến này trên báo Thanh Niên, TS Vũ Thị Phương Anh, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, cho rằng trên thế giới các trung tâm kiểm định chất lượng hoạt động độc lập. Việc trung tâm kiểm định thuộc các trường đại học sẽ có tác động thấp hơn cả trước đây.

Cũng theo bà Phương Anh, bộ tiêu chuẩn hiện nay đang sử dụng chung cho 4 cơ quan khác nhau. Bà đề xuất việc kiểm định cần độc lập từ bộ tiêu chuẩn, có nhiều bộ tiêu chuẩn để phù hợp với nhiều loại trường khác nhau.

Một số chuyên gia khác cũng cho rằng việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học phải độc lập, khách quan, minh bạch và không tiêu cực mới đánh giá đúng chất lượng của các trường. Rõ ràng, với 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí, bộ tiêu chuẩn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu kiểm định của tất cả đại học trong nước.

bk2017_LODO
ĐH Bách khoa Hà Nội kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Pháp. Ảnh: Hust.

Nhiều trường muốn kiểm định ở nước ngoài

TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý và Phát triển Công nghệ - người phụ trách về kiểm định quốc tế của ĐH Tôn Đức Thắng - cho rằng ĐH Tôn Đức Thắng được công nhận xếp hạng quốc tế 3 sao (trên 5 sao) của Tổ chức QS World University Ratings (Anh). Trong bảng xếp hạng 49 đại học Việt Nam do nhóm chuyên gia nghiên cứu độc lập công bố đầu tháng 9, trường xếp thứ hai. 

Trường đang thực hiện kiểm định bởi HCERES - một tổ chức kiểm định uy tín được công nhận bởi Hiệp hội đảm bảo chất lượng châu Âu và kiểm định AUN-QA.

Theo TS Bùi Trân Phượng, thuộc Tổ chức Giáo dục Nes Education, việc các trường lựa chọn kiểm định quốc tế là điều dễ hiểu vì họ biết thứ hạng của mình ở đâu trong bảng xếp hạng quốc tế.

“Đội thẩm định quốc tế khách quan từ bên ngoài, hoàn toàn độc lập với trường và môi trường đào tạo”, bà Phượng nhận định trên VTV.

GS Đinh Văn Tiến - Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh Công nghệ - thông tin từ tháng 3/2017, trường này đã thành lập hội đồng tự đánh giá và đảm bảo chất lượng thực hiện đánh giá nội bộ, chuẩn bị các bước cho thực hiện đánh giá bởi các tổ chức kiểm định độc lập bên ngoài.

ĐH Nguyễn Tất Thành cũng ưu tiên lựa chọn kiểm định quốc tế theo chuẩn QS Stars. Từ nay đến năm 2025, trường tiếp tục kiểm định theo chuẩn quốc tế.

Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay trường tiến hành kiểm định theo tiêu chuẩn của Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCÉRES). Theo ông Tớp, thời điểm trường tiến hành kiểm định, nước ta chưa có trung tâm kiểm định.

ĐH Bách khoa Hà Nội được HCÉRES kiểm định 3 lần vào các năm 2006, 2011, 2016. Trường chọn HCÉRES vì các chương trình Kỹ sư chất lượng cao phải kiểm định theo tiêu chuẩn Pháp. Ngoài ra, trường cũng kiểm định theo chương trình của AUN-QA.

“Không phải chúng tôi không tin tưởng trung tâm kiểm định trong nước nhưng kiểm định (accreditation) rất quan trọng, đánh giá (evaluation) còn quan trọng hơn”, ông Tớp nói.

Vị phó hiệu trưởng giải thích kiểm định cho người học và xã hội thấy chất lượng đào tạo của trường. Nó có vai trò như chứng chỉ. Trong khi đó, việc đánh giá giúp trường nhận ra mặt mạnh, mặt yếu, cơ hội, thách thức, chỉ ra cách thức trường phải cải tiến, những việc cần làm để đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, các chuyên gia nước ngoài nhiều kinh nghiệm hơn trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học đồng thời có thể đặt mặt bằng của trường Bách khoa Hà Nội với mặt bằng của khu vực để xem xét.

Ông cũng đánh giá cao bộ tiêu chuẩn do HCÉRES đưa ra, cho rằng hội đồng này kiểm định, đánh giá vĩ mô, tập trung vào quản trị, chiến lược phát triển của trường.

Ý kiến của bạn

Bình luận