Không tuyển sinh được, trường đại học sẽ phải giải thể

23/10/2015 11:13

Các trường khó tuyển sinh sẽ phải chuyển đổi ngành đào tạo, giải thể, sáp nhập, chuyển thành phân hiệu các trường có uy tín…

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố bốn nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm 2015-2016, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là cơ cấu lại hệ thống trường đại học, cao đẳng để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và chất lượng đào tạo.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, để làm được việc này, Bộ Giáo dục sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ phê duyệt cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước; thống nhất tên gọi các trình độ đào tạo; trình Thủ tướng ban hành Khung trình độ quốc gia và chuẩn bị điều kiện để triển khai.

Bộ cũng điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phù hợp với Luật giáo dục nghề nghiệp, căn cứ trên thực tế nhu cầu học tập của người dân và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong đó sẽ chú trọng quy hoạch mạng lưới các trường đào tạo sư phạm, trường đại học sư phạm trọng điểm. Việc nâng cấp và thành lập mới các trường đại học, cao đẳng công lập sẽ được hạn chế tối đa.

Bui-Van-Ga
Thứ trưởng Bùi Văn Ga

Trong bối cảnh một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp ở địa phương gặp khó khăn trong tuyển sinh những năm gần đây, Bộ Giáo dục sẽ phối hợp với các bộ, ngành, UBND địa phương cơ cấu lại hệ thống trường. Cụ thể là chuyển đổi ngành đào tạo, giải thể, sáp nhập, chuyển cơ sở đào tạo thành phân hiệu các trường đại học có uy tín… để sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư và đội ngũ giảng viên, giảm thiểu cơ sở không đảm bảo chất lượng. 

"Các trường gặp khó khăn trong tuyển sinh những năm qua và dự báo còn tiếp tục gặp khó cần xây dựng đề án cấu trúc lại mục tiêu, hoạt động, chuyển đổi cơ cấu tổ chức cho phù hợp với tình hình, tránh lãng phí nguồn lực. Bộ sẽ phối hợp với cơ quan quản lý trực tiếp các trường này để bàn bạc thống nhất việc xử lý cụ thể", Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.

Thứ trưởng Ga cho hay, Bộ Giáo dục sẽ phối hợp với các bộ, ngành thực hiện dự báo nhu cầu nguồn nhân lực theo ngành, nghề làm cơ sở cảnh báo xã hội về nhu cầu nhân lực, điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo; triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý trong toàn hệ thống. 

Với thực tế chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng lớn hơn tổng số thí sinh có nhu cầu học, Hiệu trưởng Đại học FPT Đàm Quang Minh cho rằng đó không phải vấn đề lớn mà là xu thế thế giới. Thực tế này giúp các trường nâng cao năng lực cạnh tranh, thí sinh có quyền lựa chọn dựa trên nguồn cung rộng rãi. "Nếu sinh viên không có lựa chọn thì các trường không có động lực phát triển. Tôi thấy các trường hiện bàn nhiều đến việc nâng cao năng lực đào tạo để thu hút thí sinh. Đó là điều đáng mừng vì trước đây chưa có", ông Minh nói.

Lãnh đạo Học viện Tài chính kiến nghị việc quản lý vĩ mô bên cạnh quy hoạch các trường đại học cần có quy hoạch ngành nghề. Thực tế cho thấy có nhiều trường đang đào tạo đa ngành, tổng hợp, khiến nhiều sinh viên ra trường để làm được việc phải đào tạo lại.

"Học viện Tài chính đào tạo Kế toán từ thời gian đầu thành lập trường, hiện nay có nhiều trường cũng đào tạo ngành này, họ truyền thông tốt hơn, điều kiện tốt hơn, nên sinh viên có thể vào đó nhiều hơn. Như vậy, nếu không quy hoạch thì không thể có sản phẩm tốt. Tôi đề nghị gom các trường, ngành, đào tạo lại thành những ngành chuyên sâu để tạo ra nguồn nhân lực vừa có lý thuyết vừa có thực hành, từ đó mới tiến đến hội nhập. Với nhân lực hiện tại, chúng ta với đến quốc tế như người hụt hơi", lãnh đạo Học viện Tài chính nói. 

Ý kiến của bạn

Bình luận