Không thể để “con nghiện” cầm vô lăng

Tác giả: hiểu minh

saosaosaosaosao
Ý kiến 01/05/2019 08:03

Trước vấn nạn “con nghiện” cầm vô lăng, nhiều ý kiến cho rằng cần siết lại quy định khám sức khỏe đối với tài xế, cụ thể hóa chế tài xử lý hình sự chủ doanh nghiệp nếu để tài xế sử dụng rượu bia, ma túy cầm vô lăng gây nguy hiểm đến tính mạng người tham gia giao thông.

33-1548200754-width4608height3456
Hình ảnh tang thương trong vụ tai nạn ngày 21/01/2019 tại Hải Dương

“Báo động đỏ” tình trạng “con nghiện” cầm vô lăng

Qua phân tích các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe tải, xe container và xe khách trong năm 2018 và khoảng thời gian đầu năm 2019 cho thấy, trên 70% vụ tai nạn xảy ra là xuất phát từ lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện như đi sai phần đường, dừng, đỗ không đúng quy định, lấn làn, tránh vượt không đúng quy định, sử dụng rượu bia rồi tham gia giao thông và có một phần không nhỏ những người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn có dương tính với các chất kích thích.

Đặc biệt, trong hai vụ TNGT thảm khốc xảy ra gần đây nhất là vụ xe container tại Long An đâm vào những người đang dừng đèn đỏ và vụ tai nạn ở Hải Dương đều có điểm chung là tài xế dương tính với ma túy.

Qua một nghiên cứu cho thấy, hiện nay một bộ phận tài xế lái xe đường dài phải sử dụng ma túy để giữ tỉnh táo. Cánh lái xe tìm đến ma túy như một loại chất an thần giảm áp lực công việc do tăng chuyến, tăng ca để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, họ không nhận thức được điều này rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường vì thể chất, tinh thần, đặc biệt là ảnh hưởng đến não bộ.

Theo y học, khi sử dụng ma túy, “con nghiện” là lái xe sẽ thường xuyên chìm vào một trong hai trạng thái, hoặc đói thuốc, hoặc phê thuốc. Đói thuốc thì lái xe mệt mỏi, gà gật, ngáp, chảy nước mắt, quan sát, phản ứng xử lý tình huống chậm chạp dễ gây tai nạn. Còn phê thuốc thì lái xe lại hưng phấn quá độ, thần kinh mất kiểm soát, thường phóng nhanh, vượt ẩu khiến nguy cơ tai nạn ở cấp số nhân.

 

49406804_2250450218572306_3102974392297062400_n-19
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc ở Bến Lức, Long An

Đề nghị kiểm tra đột xuất và tước Giấy phép lái xe vĩnh viễn đối với “con nghiện”

Để giảm thiểu tình trạng “con nghiện” cầm vô lăng khi tham gia giao thông, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, Điều tra giải quyết TNGT (Cục CSGT, Bộ Công an) cho rằng: Hiện nay, cả nước có trên 355.000 xe tải, trên 110.000 xe container, có thời điểm lượng xe tải đăng ký mới lên đến 400% một năm, xe container đăng ký mới tăng tới 500% một năm. Điều này cho thấy, nhu cầu sử dụng lái xe tải, xe container là rất lớn. Trong khi đó, theo quy định hiện hành thì cơ sở kinh doanh vận tải phải khám sức khỏe định kỳ cho lái xe, nhưng yêu cầu này chỉ áp dụng chung chung nên người lái xe có sử dụng ma túy rất dễ đối phó, thậm chí có thể can thiệp để làm sai lệch kết quả khám sức khỏe.

Do vậy, các cơ quan chức năng cần tổ chức kiểm tra đột xuất sức khỏe lái xe. Cũng như trong thể thao, các vận động viên thường phải kiểm tra doping đột xuất. Những kết quả này cần được cơ quan quản lý cập nhật, từ đó lực lượng chức năng mới có thể đưa ra những biện pháp quản lý tốt hơn.

Thông tư 24 của liên Bộ Y tế và GTVT cũng đã quy định rất rõ, người lái xe trước khi vào học phải khám sức khỏe. Trong quy định khám có kiểm tra về nồng độ chất kích thích và ma túy. Nếu dương tính với các chất đó thì sẽ không được học lái xe. Trong quá trình đã lái xe, các doanh nghiệp quản lý lái xe phải thực hiện khám sức khỏe cho lái xe 01 lần trong năm theo quy định của pháp luật. Nếu lái xe bị phát hiện sử dụng chất ma túy trong quá trình kiểm tra định kỳ thì doanh nghiệp đó sẽ không được sử dụng lái xe đó nữa. Còn trong quá trình kiểm tra, kiểm soát trên đường mà các lực lượng kiểm tra có thiết bị kiểm tra nhanh nồng độ chất kích thích, nếu phát hiện tài xế sử dụng ma túy thì theo Nghị định 46 lái xe sẽ bị xử phạt và thu bằng lái có thời hạn.

Tuy nhiên, trong Nghị định 46 chưa đề xuất hình thức tước bằng lái xe vĩnh viễn. Mới đây, Bộ GTVT đã tham mưa cho Chính phủ nghiên cứu sửa đổi Nghị định 46, ban hành thêm quy định thu hồi vĩnh viễn đối với trường hợp người lái xe có chất kích thích hoặc tăng chế tài xử lý doanh nghiệp bởi trong quá trình khám định kỳ, doanh nghiệp có thể phát hiện người lái xe sử dụng chất kích thích nhưng vẫn sử dụng lái xe đó.

Xử lý hình sự chủ doanh nghiệp

Trong số các nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn thảm khốc liên quan tới ma túy thời gian vừa qua không thể không nói tới trách nhiệm của chủ phương tiện. Khi vụ việc xảy ra, những chủ sử dụng lao động là các tài xế nghiện ma túy, nghiện rượu này chỉ mới chịu trách nhiệm dân sự, bồi thường là xong nên còn thiếu tính răn đe.

Ở khía cạnh chủ doanh nghiệp, dĩ nhiên họ không muốn để xảy ra tai nạn, hiển nhiên là vậy vì họ cũng bị thiệt hại về tài sản. Nhưng, họ có thực sự làm hết trách nhiệm để phòng ngừa tai nạn do các “con nghiện” ngồi trên tài sản của họ gây ra hay chưa và cách nào để ràng buộc trách nhiệm của chủ doanh nghiệp đối với việc ngăn chặn tai nạn thảm khốc từ trong trứng nước, đó mới là việc cần phải làm ngay.

Đối với việc xử phạt tài xế nghiện ma túy điều khiển phương tiện, hiện nay đã có quy định của pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ phương tiện. Cụ thể, tại Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định, việc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Điều luật đã quy định rõ, người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện là người không có Giấy phép lái xe, người đang ở trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà nồng độ cồn vượt mức cho phép và người sử dụng ma túy.

Tuy nhiên, việc xử lý các trường hợp chủ phương tiện có tài xế “ngáo đá” gây tai nạn hoàn toàn không dễ vì ngoài quy định của Bộ luật Hình sự thì còn thiếu cơ chế để áp dụng quy định này.

Lái xe là một nghề nguy hiểm, vất vả, do đó người lái xe phải đủ sức khỏe về thể chất và tâm thần. Nếu giao xe cho người có nhược điểm về thể chất và tâm thần thì chiếc xe trở thành “hung thần” theo đúng nghĩa của nó.

Thiết nghĩ, trong công tác quản lý đối với lái xe tải, xe khách, đặc biệt là các phương tiện tải trọng lớn thì cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe của lái xe. Chủ doanh nghiệp phải biết rõ về tình trạng sức khỏe, tâm thần của lái xe thông qua việc kiểm tra y tế định kỳ để phát hiện lái xe có đủ điều kiện để thực hiện công việc này hay không. Nếu chủ doanh nghiệp không thực hiện điều này, để lái xe gây tai nạn thì chủ phương tiện sẽ có lỗi và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Ý kiến của bạn

Bình luận