Không hài lòng với giáo dục Nhật Bản, bà mẹ mở trường dạy con

16/12/2018 06:45

Tanaka không đánh giá cao hệ thống giáo dục mang tính đồng nhất của Nhật Bản, muốn áp dụng tư duy toàn cầu như ở các nước phương Tây.

truong-mau-giao-2-6754-1544756019
Hazuki Tanaka. Ảnh: Savvy Tokyo

Bài viết trên Savvy Tokyo mang đến một góc nhìn khác về giáo dục Nhật Bản, từ bà mẹ hai con từng tiếp xúc với giáo dục sớm ở Mỹ. 

Khi không có những gì mình mơ ước, thông thường người ta sẽ tiếp tục tìm kiếm, thay đổi thứ tự ưu tiên, thỏa hiệp và cuối cùng quyết định chọn thứ tốt nhất trong danh sách có sẵn. Nhưng đây không phải là trường hợp của Hazuki Tanaka - người phụ nữ đã tự xây nên thứ mình muốn. 

"Tôi thực sự không có thời gian để chờ đợi", cô nói, mắt mở to khi nhớ lại thời điểm vừa trở về từ Mỹ năm 2003 với hai con gái, một bé gần ba tuổi và một bé mới chào đời.

Về nước sau sáu năm sống ở Oregon và New York, Tanaka nhận ra tất cả nhà trẻ cô thử gửi con đều dựa trên mô hình giáo dục Nhật Bản cũ, mục đích là tạo ra "đứa trẻ hoàn hảo".

"Họ đặt một cây bút chì trong tay con gái tôi và để nó viết từng chữ nối tiếp nhau. Nó ghét việc đó và không viết đẹp lắm", Tanaka nhớ lại. Tuy nhiên, môi trường này ngầm cho rằng chỉ đứa trẻ nào viết đẹp mới được đánh giá là "giỏi".

Quyết tâm cung cấp cho hai con một nền giáo dục dựa trên tư duy toàn cầu và công bằng, không chú trọng tính đồng nhất, vào năm 2004, Tanaka cùng chồng thành lập Trường Quốc tế Hayama. 

Nhìn vào thành tựu mà Tanaka đã đạt được sau 14 năm, thật khó để tin rằng cuộc hành trình của cô đã bắt đầu mà không có hướng đi rõ ràng.

"Tôi không biết phải làm gì sau khi tốt nghiệp trung học, nhưng chắc chắn không muốn vào đại học vì không có thứ gì cụ thể tôi muốn làm ở đó", Tanaka nói. Bạn trai cô (hiện là chồng) muốn du học để mở mang tầm mắt và đã thuyết phục cô cùng đi. 

10 tháng đầu tiên ở Mỹ, Tanaka theo học một trường dạy tiếng tại bang Oregon. Ở với gia đình chủ nhà người Mỹ, cô trải nghiệm cuộc sống hoàn toàn khác trước đây. "Tôi đã được tiếp xúc với một môi trường mà sự khác biệt không chỉ được chấp nhận, nó được xem là bình thường", cô kể. 

Sau khi kết hôn, vợ chồng Tanaka sinh con gái đầu tiên vào năm 2000. Đưa con đi nhà trẻ ở Oregon, người phụ nữ Nhật Bản lần đầu tiên biết đến loại hình giáo dục mà sau này cô sẽ áp dụng ở Tokyo. Giáo dục mầm non ở Mỹ không giống "phong cách đồng phục" của xứ sở mặt trời mọc, mỗi đứa trẻ được hưởng lợi từ môi trường học tập theo cách riêng. 

Năm 2004, chỉ khoảng một năm sau khi gia đình trở về Nhật Bản, vợ chồng Tanaka mở trường quốc tế Hayama trong căn phòng nhỏ ở chung cư. Chỉ có năm học sinh vào thời điểm đó, bao gồm hai con gái của họ. "Do ngân sách không dồi dào, chúng tôi chỉ bắt đầu từ bất cứ thứ gì có thể", bà mẹ chia sẻ.

Nhờ chồng quản lý việc kinh doanh, đặt ra chính sách giáo dục hợp lý, trường mở rộng nhanh chóng. Vài năm sau khi thành lập, nó đã được dời đến vị trí hiện tại ở thị trấn Hayama (tỉnh Kanagawa), nơi bao quanh bởi đại dương và cây cọ xanh mát. Đối với Tanaka, đó là môi trường hoàn hảo để trẻ lớn lên. Năm ngoái, họ mở cơ sở thứ hai tại quận Shirokanedai của Tokyo, ngay cạnh Công viên Donguri.

truong-mau-giao-1-6119-1544756019
Khung cảnh trẻ em ở Trường Quốc tế Hayama nhìn thấy hàng ngày qua cửa sổ. Ảnh: Savvy Tokyo

Phương châm của trường rất đơn giản - chơi, nghĩ và học. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trẻ em chỉ chơi suốt ngày, Tanaka nhấn mạnh. "Ý tưởng là giúp chúng tìm đủ chất liệu học tập trong khi chơi và hiểu những điều đơn giản hình thành nên trò chơi", cô nói.

Một buổi vui chơi đơn giản bên ngoài lớp học có thể dạy cho trẻ mọi thứ về các mùa: màu sắc, không khí, động vật và hoa. Tại trường Hayama, giáo viên sẽ giúp trẻ "tìm kiếm mùa thu" khi chơi ngoài trời, hướng dẫn một số khái niệm thông qua khám phá của học sinh. 

Lớp mẫu giáo bé dạy trẻ về bảng chữ cái tiếng Anh, con số, màu sắc, từ vựng, âm nhạc, những câu chuyện thú vị, cách làm đồ thủ công. Trẻ lên lớp nhỡ sẽ học cách thể hiện cảm xúc thông qua lời nói, chia sẻ ý tưởng với cả lớp, tập viết lần đầu tiên. Sau đó, trẻ vào lớp mẫu giáo lớn rồi lên tiểu học, được dạy các môn chính như toán, đọc, viết, khoa học, nghệ thuật, âm nhạc và giáo dục thể chất. 

"Không phải mọi đứa trẻ đều học cùng tốc độ và điều đó là tự nhiên. Nếu chúng không thể thực hiện một nhiệm vụ nào đó, chúng tôi không thúc giục để hoàn thành theo đúng chương trình. Giáo viên quan sát thật kỹ, nhưng sẽ cho các em thêm thời gian và nhiều gợi ý", Tanaka nói. 

Tanaka tin rằng các nhà giáo dục nên cung cấp phương tiện cho trẻ hơn là chỉ bảo chính xác nên làm thế nào. Một trong những phương tiện học tập trong trường quốc tế mà cô thành lập chính là sự đa dạng. Cả học sinh và giáo viên đều đến từ các quốc gia và nền tảng khác nhau. 

Trường Hayama thường xuyên tổ chức các sự kiện từ thiện, nhưng không bắt buộc trẻ tham gia. Thầy cô giáo không khuyến khích tính đồng nhất và không yêu cầu học sinh chơi cùng nhau mọi lúc.

"Giống như người lớn, trẻ em có nhóm bạn riêng và cũng có những đứa trẻ không hòa hợp với nhau. Hoặc đôi khi chúng chỉ muốn ở một mình. Chúng tôi không ép chúng luôn là thành viên của một nhóm", cô nói.

Tanaka muốn thay đổi phong cách giảng dạy một chiều và bắt trẻ lặp lại mọi thứ. Theo cô, hệ thống giáo dục hiện tại của Nhật Bản chỉ củng cố cái tôi của giáo viên, không thực sự giúp trẻ học được những gì đáng ra phải học. Đó chính là khả năng tự suy nghĩ. 

Từ mục đích giúp hai con gái có môi trường giáo dục tốt nhất, Tanaka ấp ủ dự định tác động đến giáo dục Nhật Bản trên quy mô lớn hơn. Vừa tốt nghiệp khóa thạc sĩ về giáo dục, cô đang học để lấy bằng tiến sĩ về nghiên cứu bằng tú tài quốc tế. Cô mong giúp nền giáo dục Nhật Bản trở nên linh hoạt hơn, khả năng của trẻ em không còn bị đánh giá dựa trên khuôn mẫu hiện có hay các bài kiểm tra chuẩn hóa.

"Khi còn là một đứa trẻ, tôi không viết đẹp hay ghi nhớ tốt. Nhưng tôi giỏi những thứ khác. Vì vậy, tôi tin rằng chúng ta cần có thêm nhiều lựa chọn và cách đánh giá. Nếu chúng ta cố gắng ép mọi đứa trẻ vào một khuôn mẫu, sẽ có nhiều trẻ em được đánh giá là không có khả năng, trong khi hoàn toàn ngược lại. Đó không phải là loại hình giáo dục công bằng", Tanaka nói.

Hiện tại, những khi không bận việc, tham gia dự án từ thiện hay các cuộc phỏng vấn, Tanaka viết blog để truyền cảm hứng cho người khác. "Có ai đó để chia sẻ một nụ cười là điều hạnh phúc nhất", cô nói khi liếc nhìn những bức ảnh của học sinh trên bức tường đầy màu sắc ở trường. 

Ý kiến của bạn

Bình luận