Không đẩy nhanh GPMB, cầu Rạch Miễu 2 khó đảm bảo về đích

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đường bộ 29/06/2023 08:43

Xây dựng cầu Rạch Miễu 2 là nhiệm vụ cấp bách để giảm ùn tắc giao thông cho khu vực, thế nhưng việc chậm GPMB đang là nguy cơ đe dọa đến tiến độ dự án về sau.


Ngày 28/6, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đã có buổi kiểm tra hiện trường thi công Dự án cầu Rạch Miễu 2. 

Không đẩy nhanh GPMB sẽ ảnh hưởng tiến độ Dự án cầu Rạch Miễu 2   - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm nghe báo cáo từ Ban QLDA Mỹ Thuận

Vẫn còn vướng mặt bằng tại Tiền Giang 

Theo Ban QLDA Mỹ Thuận, về công tác GPMB, tỉnh Bến Tre đã bàn giao được 8.95/9.65km, đạt 92,7%. Tuy nhiên, tại Tiền Giang mới bàn giao được 3,75/7,95km, đạt khoảng 47,17%. Bên cạnh đó, phạm vi bàn giao mặt bằng không liên tục, xôi đỗ gây khó khăn cho công tác tổ chức thi công. 

Tại tỉnh Tiền Giang còn vướng 25 hộ dân ở Mỹ Tho đã bố trí vốn, đã phê duyệt, tuy nhiên chưa chi trả và bàn giao do nhiều nguyên nhân và các hộ này chưa đồng ý nhận tiền. Công tác di dời hạ tầng, di dời ống cấp nước dự kiến trong tháng 6/2023, di dời trụ điện trung, hạ thế dự kiến trong quý III/2023. 

Tại tỉnh Bến Tre còn vướng 10 hộ ở TP.Bến Tre (2 hộ chậm di dời, 8 hộ chưa nhận tiền bồi thường. Công tác di dời hạ tầng còn vướng 2 vị trí đường điện cao thế tại lý trình 15+855, lý trình 16+345, chưa hoàn thành công tác xây dựng khu tái định cư. 

Ngoài ra, kinh phí đền bù GPMB thực tế hiện nay tăng khoảng 1.391 tỷ đồng (Tiền Giang tăng 1.035 tỷ đồng, Bến Tre tăng 813,356 tỷ đồng) so với chi phí GPMB trong tổng mức đầu tư. 

Ban QLDA Mỹ Thuận đang trình Chính phủ để điều chỉnh chủ trương đầu tư, do vậy địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang chưa đủ điều kiện để phê duyệt phương án và chi trả. Một số điều chỉnh bổ sung ở địa bàn tỉnh Bến Tre cũng chưa đủ điều kiện bố trí vốn bổ sung. 

Không đẩy nhanh GPMB sẽ ảnh hưởng tiến độ Dự án cầu Rạch Miễu 2   - Ảnh 2.

Thi công cầu dẫn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

Trong ngày 28/6, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã làm việc với Ban QLDA Mỹ Thuận để nghe những vướng mắc, phát sinh trong khâu GPMB đi qua địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp với Ban QLDA Mỹ Thuận để tháo gỡ khó khăn trong việc chậm GPMB. 

Về nguồn kinh phí để xây dựng khu tái định cư, UBND tỉnh Tiền giang đang đề nghị Bộ GTVT bố trí vốn để đền bù, GPMB và xây dựng mới với kinh phí khoảng 262 tỷ đồng (130 tỷ đồng đền bù GPMB và 132 tỷ đồng xây dựng). 

Do vậy, Ban QLDA Mỹ Thuận kiến nghị tỉnh Tiền Giang sớm tách thành từng đợt, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn huyện Châu Thành để sử dụng phần kinh phí GPMB được cấp còn lại. 

Đặc biệt ưu tiên cho các vị trí phải xử lý nền đất yếu, đầu cầu thuộc Gói thầu XL01 cũng như đẩy nhanh thủ tục xây dựng khu tái định cư. Hoàn chỉnh các thủ tục, ưu tiên thực hiện công tác di dời các công hạ tầng kỹ thuật đối với các đoạn tuyến đã bàn giao mặt bằng.

Chủ động thi công ngay khi có mặt bằng, lưu ý đảm bảo ATGT, an toàn lao động  

Trước tình hình chậm bàn giao mặt bằng cho dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết: Hiện nay yêu cầu về công tác GPMB rất cao, quyết định đến tiến độ, chất lượng của dự án. Việc chậm GPMB còn ảnh hưởng rất lớn đến công tác triển khai thi công của các nhà thầu tại công trường. Do đó, các địa phương hoàn thành mặt bằng sớm ngày nào, sẽ giúp cho phần thi công thuận lợi hơn, từ đó quyết định đến tiến độ của phần cầu chính. 

Thứ trưởng lưu ý, Ban QLDA Mỹ Thuận phải tập trung quyết liệt và có phương án tháo gỡ, phải ưu tiên GPMB ở các điểm nền đất yếu.

 “Đến bây giờ vẫn chưa biết khi nào có mặt bằng và trên báo cáo đường găng dự án là gói 2 (phần cầu chính) nhưng trên thực tế lại khác. Các vướng mắc về mặt bằng vẫn chưa giải quyết được, trong khi đó việc hoàn thành tái định cư lại kéo dài đến năm 2024 mới bàn giao. Vậy phương án cho người dân sẽ thực hiện như thế nào, có tạm cư cho người dân hay không. Nếu năm 2024 mới có khu tái định cư và người dân mới giao đất cho dự án thì tiến độ cầu Rạch Miễu 2 sẽ bị phá vỡ và kéo dài”, Thứ trưởng đặt vấn đề.

Không đẩy nhanh GPMB sẽ ảnh hưởng tiến độ Dự án cầu Rạch Miễu 2   - Ảnh 3.

Lãnh đạo Bộ GTVT di chuyển bằng cano để đến khu vực thi công trụ cầu của dự án

Trước câu hỏi rút ngắn tiến độ dự án, ông Bùi Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty CPXD Trung Nam 18 E&C cho biết: Đến thời điểm hiện tại, theo tiến độ hợp đồng ký ngày 28/3/2023, nhà thầu vẫn đang đảm bảo tiến độ trước 1 tháng. Với kinh nghiệm từ việc triển khai xây dựng cầu Mỹ Thuận 2, nhà thầu cam kết hoàn thành trụ tháp trong 365 ngày (1 năm), sau đó triển khai các công việc hoàn thiện còn lại sớm nhất. Trong hồ sơ đấu thầu, liên danh cũng đã rút ngắn 4 tháng so với ban đầu và qua quá trình thi công sẽ phấn đấu rút ngắn thêm tiến độ và phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.

Không đẩy nhanh GPMB sẽ ảnh hưởng tiến độ Dự án cầu Rạch Miễu 2   - Ảnh 4.

Các phương tiện máy móc được tập trung về dự án để đẩy nhanh thi công

Ông Nguyễn Thế Minh, Cục phó Cục Quản lý Đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cũng lo ngại khi công tác GPMB ở Tiền Giang còn chậm, tổng mức đầu tư về GPMB tăng. Đánh giá chung, trên công trường nhà thầu tổ chức thi công gọn gàng, nhân công và máy móc tại mỗi gói thầu đều có nhiều tiến triển. Ông Minh đề nghị Ban QLDA Mỹ Thuận cần luân chuyển nguồn vốn một cách hợp lý để đẩy nhanh công tác GPMB, nhất là đoạn 100m đầu cầu của gói 1. Đồng thời tập trung hỗ trợ và làm việc với các địa phương để sớm phê duyệt các phương án đền bù GPMB cho các gói còn lại. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho rằng, qua kiểm tra hiện trường, vấn đề trọng yếu của dự án chính là khâu GPMB. "Tôi thấy việc điều phối vốn cho từng hạng mục xây lắp và GPMB đang thể hiện rõ sự bất hợp lý. Đồng thời, việc hướng dẫn trình tự cách thức cho các nhà thầu về thanh toán vẫn còn nhiều bất cập. Do đó, Ban QLDA Mỹ Thuận cần tập trung chỉ đạo điều phối sắp xếp các phương án tại dự án cầu Rạch Miễu 2".

Thứ trưởng chỉ rõ hai phương án, trong đó phải đẩy nhanh các thủ tục để đến đầu tháng 7/2023 có được điều chỉnh chủ trương đầu tư. Song song đó là việc cân đối điều chỉnh từ nguồn vốn của dự án, để sớm có nguồn tiền bổ sung cho việc GPMB. 

Về thi công, lãnh đạo Bộ GTVT lưu ý các đơn vị phải đặc biệt chú trọng công tác đảm bảo ATGT tại công trường, nhất là gói thầu số 1. Đây là gói thầu thực hiện trên đường tỉnh hiện hữu, người dân sinh sống hai bên đông đúc. Trong khi đó, thời gian thi công dài ngày, do vậy nhà thầu phải tránh các trường hợp rủi ro, dẫn đến các tai nạn không đáng tiếc. 

Đồng thời, phải tăng cường cọc tiêu, biển báo, khơi thông đường, đảm bảo sinh hoạt đi lại của người dân và vệ sinh môi trường. Ngoài những vấn đề trên, nhà thầu phải luôn đặt yêu cầu bảo đảm an toàn lao động, đáp ứng tiến độ và chất lượng của công trình.

Ý kiến của bạn

Bình luận