Khởi công xây dựng cầu vượt sông Đuống hơn 1.800 tỷ đồng

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 22/07/2023 11:39

Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) gồm cầu đường sắt và cầu đường bộ đã chính thức khởi công vào sáng nay (22/7).

Lễ triển khai thi công dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống

Cầu đường sắt và cầu đường bộ thay thế cầu Đuống hiện hữu

Sáng nay (22/7), Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ triển khai thi công Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống). Dự án do Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy biểu dương sự cố gắng nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của Ban QLDA Đường sắt, các cơ quan chuyên môn, các đơn vị tư vấn; đặc biệt là các địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai dự án.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, khu vực phía Bắc hiện nay có 3 hành lang vận tải thủy nội địa chính, trong đó hành lang số 1 qua sông Đuống từ khu vực cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng đến cảng Việt Trì đã được đầu tư nâng cấp, luồng tàu đạt cấp II, các cầu vượt sông cơ bản đã được đầu tư bảo đảm tĩnh không đường thủy nội địa.

Khởi công 2 cầu Đuống giá trị hơn 1.800 tỷ đồng - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy phát lệnh khởi công dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống

"Điểm nghẽn lớn nhất trên hành lang này là cầu Đuống do tĩnh không thông thuyền thấp, gây tắc nghẽn, làm tăng thời gian, chi phí vận tải, trong khi phương thức vận tải thủy nội địa là phương thức vận tải rẻ và an toàn", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nói.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống bao gồm một cầu dành riêng cho đường sắt ở phía thượng lưu và một cầu dành riêng cho đường bộ ở phía hạ lưu để thay thế cầu Đuống hiện hữu. Sau khi dự án hoàn thành sẽ cải thiện rất lớn điều kiện kết nối qua sông Đuống trên tuyến giao thông huyết mạch phía Bắc TP. Hà Nội.

Khởi công 2 cầu Đuống giá trị hơn 1.800 tỷ đồng - Ảnh 3.

Lãnh đạo Bộ GTVT, UBND TP. Hà Nội và các cơ quan, đơn vị thực hiện nghi thức khởi công dự án

Phát lệnh khởi công dự án, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy yêu cầu Ban QLDA Đường sắt với vai trò chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn giám sát và các nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng thi công và đảm bảo tuyệt đối an toàn đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy yêu cầu Ban QLDA Đường sắt huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công; Tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy
Chủ đầu tư cần bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu.

Trước đó, báo cáo tại buổi lễ, ông Vũ Hồng Phương - Giám đốc Ban QLDA Đường sắt cho biết, sau thời gian khẩn trương triển khai các thủ tục theo quy định, Ban Quản lý dự án Đường sắt đã tiến hành ký hợp đồng xây lắp Gói thầu XL-CĐ-02 ngày 27/6/2023. Theo đó, nhà thầu thi công gói thầu XL-CĐ-02 là liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương - Công ty cổ phần cầu 14 - Công ty TNHH thiết bị xây dựng Nam Anh. Gói thầu XL-CĐ-01 dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, ký kết Hợp đồng trong quý III/2023.

Khởi công 2 cầu Đuống giá trị hơn 1.800 tỷ đồng - Ảnh 5.

Ông Vũ Hồng Phương - Giám đốc Ban QLDA Đường sắt

Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) khi hoàn thành sẽ từng bước tăng cường năng lực vận tải đường thủy trên hành lang đường thủy số 1, đảm bảo an toàn cho các phương tiện đường thủy; đảm bảo đường sắt lưu thông thông suốt, giảm thiểu ảnh hưởng đến vận hành, khai thác; tách cầu đường bộ ra khỏi cầu đường sắt để cải thiện điều kiện giao thông kết nối qua sông Đuống trên tuyến giao thông huyết mạch phía Bắc TP. Hà Nội, đảm bảo an toàn giao thông và tránh ùn tắc.

Bên cạnh đó, công trình còn góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực, phân bổ luồng giao thông hợp lý giữa phía Bắc và Nam sông Đuống, thúc đẩy phát triển đô thị phía Bắc sông Hồng theo quy hoạch, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông của Thủ đô theo định hướng trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Tăng cường năng lực vận tải đường thủy trên hành lang đường thủy số 1

Theo Ban QLDA Đường sắt, dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống được Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư tháng 7/2022, tổng mức đầu tư 1.848,62 tỉ đồng (chi phí GPMB giai đoạn 1 là 650,82 tỉ đồng), vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Dự án được chia làm hai gói thầu, gồm: Gói thầu cầu đường sắt Đuống và đường dẫn hai đầu cầu (XL-CĐ-01); Gói thầu cầu đường bộ Đuống và đường dẫn hai đầu cầu (XL-CĐ-02).

Vị trí, hướng tuyến và phối cảnh dự án (Cầu Đuống hiện hữu sẽ được dỡ bỏ)

Dự án được triển khai trên địa bàn các phường Thượng Thanh, Đức Giang (quận Long Biên) và thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội), bao gồm 2 hạng mục: Cầu đường sắt và đường dẫn; cầu đường bộ và đường dẫn.

Hạng mục cầu đường sắt và đường dẫn có điểm đầu khoảng km9+075, điểm cuối khoảng km10+075 (lý trình đường sắt hiện hữu); tổng chiều dài 1.000m; tim cầu cách tim cầu Đuống cũ về phía thượng lưu khoảng 16,5m, trùng vị trí dự kiến đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1.

Ngay sau khi phát lệnh khởi công, phương tiện, thiết bị triển khai thi công dự án

Cầu đường sắt gồm 6 nhịp dầm thép và dàn thép dài 280m, được xây dựng đảm bảo cho đường sắt đơn khổ lồng 1.000mm và 1.435mm; tốc độ thiết kế Vmax = 80km/h. Khổ giới hạn thông thuyền được phân kỳ đầu tư với tĩnh không thông thuyền H=7m, giai đoạn hoàn thiện H=9,5m; bề rộng khoang thông thuyền B>50m; tĩnh không đường chui dưới cầu đảm bảo H≥4,75m. Cầu có bố trí đường người đi bộ một bên phải tuyến (phía hạ lưu cầu).

Đường hai đầu cầu đường sắt dài 720m là đường sắt cấp 2 - đường sắt lồng đường đơn khổ lồng 1.000mm và 1.435mm; tốc độ thiết kế Vmax=80 km/h.

Một số hình ảnh tại lễ khởi công dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống

Hạng mục cầu đường bộ và đường dẫn có điểm đầu tại nút giao đầu cầu Đuống cũ trên đường Ngô Gia Tự, thuộc địa phận quận Long Biên; điểm cuối tại nút giao giữa đường Hà Huy Tập với đường Phan Đăng Lưu, thuộc địa phận huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội. Hạng mục cầu đường bộ và đường dẫn có phạm vi đầu tư bao gồm tuyến chính chiều dài khoảng 700m và nút giao hai đầu cầu; tim cầu cách tim cầu Đuống cũ khoảng 100m về phía hạ lưu (phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt).

Cầu đường bộ vượt sông Đuống dài 382m, được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, kết hợp hệ dây văng; phân kỳ xây dựng một đơn nguyên theo quy hoạch, bề rộng cầu dẫn Bcầu=16m, bề rộng cầu chính Bcầu=18,5m (bao gồm phần neo); tĩnh không đường chui dưới cầu đảm bảo H≥ 4,75m.

Phần đường dẫn cầu đường bộ dài 318m, trong giai đoạn hoàn chỉnh là đường chính đô thị, vận tốc thiết kế Vtk=80km/h, đảm bảo chiều rộng 6 làn xe cơ giới, hai làn xe hỗn hợp; giai đoạn phân kỳ có các yếu tố hình học (bình đồ, trắc dọc...) đạt tiêu chuẩn đường chính đô thị, vận tốc thiết kế Vtk=80km/h, quy mô bốn làn xe cơ giới.

Khu vực cầu Đuống hiện hữu nhìn từ trên cao

Được biết, tuyến hành lang đường thủy số 1 qua sông Đuống là một trong ba tuyến vận tải thủy nội địa chủ yếu của khu vực đồng bằng Bắc bộ. Đây là tuyến vận tải thủy đã được đầu tư, nâng cấp, luồng tàu cơ bản đạt cấp II cho tàu đến 800 tấn tận dụng thủy triều để hành thủy, có vai trò quan trọng trong lưu thông hàng hóa, đặc biệt là hàng container, các loại hàng rời từ khu vực cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng đến cảng Việt Trì, tỉnh Phú Thọ cùng các tỉnh lân cận và ngược lại.

Trên hành lang này, hiện có cầu Đuống được xây dựng từ năm 1902 với công năng kết hợp giao thông đường bộ thuộc QL1A cũ và tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng. Cầu Đuống từng bị đánh sập trong cuộc chiến tranh chống Mỹ và được xây dựng lại vào năm 1981 đang xuống cấp nghiêm trọng.

Cầu Đuống có tĩnh không thấp, chỉ đạt 2,8m tại thời điểm nước cao, bề rộng khoang thông thuyền khoảng 26m, không bảo đảm tiêu chuẩn phân cấp đường thủy nội địa.

Do vậy, tàu trọng tải đến 600 tấn hoặc sà lan chở container sức chở 24TEU chỉ có thể lưu thông được qua cầu với điều kiện phải chờ nước xuống, gây ùn ứ, tắc nghẽn, làm tăng thời gian, chi phí vận tải và hạn chế nghiêm trọng đến khả năng vận tải container bằng đường thủy, nguy cơ cao xảy ra va chạm giữa tàu và trụ cầu, tiềm ẩn mất an toàn giao thông.

Mặt khác, do cầu Đuống được xây dựng đã lâu, qua nhiều năm khai thác với lưu lượng giao thông lớn, hiện đã xuống cấp. Năm 2010, UBND TP Hà Nội đã đề nghị Bộ Quốc phòng bắc cầu phao qua sông Đuống nhằm bảo đảm giao thông đường bộ trong thời gian sửa chữa cầu.

Ghi nhận của Tạp chí GTVT về thực trạng cầu Đuống hiện hữu xuống cấp sau hơn 40 năm khai thác

Với thực trạng này, việc đầu tư để nâng tĩnh không cầu Đuống là rất cần thiết, góp phần nâng cao năng lực khai thác của tuyến đường thủy số 1, đảm bảo an toàn cho các phương tiện đường thủy, đường bộ, đường sắt; tăng cường kết nối qua sông Đuống trên tuyến giao thông huyết mạch phía bắc TP Hà Nội, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị phía Bắc sông Hồng và từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050.

Dự án Nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) khi hoàn thành sẽ từng bước tăng cường năng lực vận tải đường thủy trên hành lang đường thủy số 1, đảm bảo an toàn cho các phương tiện đường thủy; đảm bảo đường sắt lưu thông thông suốt, giảm thiểu ảnh hưởng đến vận hành, khai thác; tách cầu đường bộ ra khỏi cầu đường sắt để cải thiện điều kiện giao thông kết nối qua sông Đuống trên tuyến giao thông huyết mạch phía bắc TP.Hà Nội, đảm bảo an toàn giao thông và tránh ùn tắc.