Khoa học công nghệ là động lực cho phát triển hạ tầng giao thông

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Khoa học - Công nghệ 21/06/2016 15:16

Sáng ngày 21/6, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) ngành GTVT giai đoạn 2011 - 2015 và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020. Hội nghị là dịp để đánh giá hiệu quả hoạt động ngành GTVT, nhìn nhận lại những thành tựu, cũng như những khó khăn, đề ra phương hướng về KHCN của Ngành trong giai đoạn tới.

1
Các đại biểu tại Hội nghị

Giao thông vận tải (GTVT) là một bộ phận đặc biệt quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cần được ưu tiên đầu tư phát triển đi trước một bước theo hướng hiện đại với tốc độ nhanh, bền vững, thân thiện với môi trường, nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Trong giai đoạn 2011 - 2015 vừa qua, ngành GTVT đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao phó và đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị có tầm chiến lược rất quan trọng này, cần có quyết tâm cao, huy động đồng bộ mọi tiềm lực của toàn ngành GTVT, trong đó có phần đóng góp quan trọng của công tác KHCN.

Theo PGS.TS. Hoàng Hà - Vụ trưởng Vụ KHCN, thời gian qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo xây dựng chiến lược, triển khai thực hiện nhiều giải pháp, chương trình hành động, kế hoạch, lộ trình đổi mới công nghệ cụ thể để phát triển mạnh mẽ, có hiệu quả công tác KHCN, ứng dụng vào thực tế sản xuất trong tất cả các lĩnh vực của Ngành nhằm mục tiêu: “Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN; lựa chọn nghiên cứu phát triển các công nghệ tiên tiến, phù hợp áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo được sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh trong thị trường và hội nhập quốc tế; góp phần quyết định vào tốc độ tăng trưởng bền vững của Ngành...

Đánh giá hiệu quả hoạt động KHCN thời gian qua, PGS.TS. Hoàng Hà nhấn mạnh, trong 5 năm qua, Ngành GTVT đã làm chủ, triển khai ứng dụng thành công nhiều công nghệ tiên tiến phục vụ các lĩnh vực của Ngành; biến kết quả hợp tác, chuyển giao, tiếp nhận công nghệ tiến tiến của thế giới trước đó thành các công nghệ mang hoàn toàn thuơng hiệu Việt Nam trong các lĩnh vực GTVT, đóng góp có hiệu quả vào việc tăng giá trị, tăng năng suất, quản lý chất lượng, an toàn khai thác các công trình, sản phẩm của Ngành.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện, cập nhật, chuyển đổi, áp dụng hệ thống Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn; công tác đề xuất, tuyển chọn, triển khai các đề tài, nhiệm vụ KHCN được đổi mới hoàn thiện thêm một bước; đã thực hiện một bước đổi mới hoạt động KHCN theo cơ chế doanh nghiệp; tạo lập thị trường công nghệ theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công; đồng thời phối hợp liên ngành tập trung giải quyết những vấn đề kỹ thuật công nghệ bức thiết...

2
Hội nghị đã thu hút được đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài ngành GTVT

Đánh giá về hoạt động KHCN của Ngành thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hoạt động KHCN đã tập trung nghiên cứu, xây dựng hệ thống giao thông thông minh, thân thiện môi trường; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ công tác quy hoạch, khảo sát thiết kế; làm chủ công nghệ thi công, công nghệ quản lý, bảo trì khai thác công trình giao thông tiên tiến, ứng dụng vật liệu mới trong xây dựng các công trình hiện đại như: Đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị, cầu bê tông cốt thép dự ứng lực khẩu độ lớn, cầu dây văng, đường hầm, cảng hàng không...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì vẫn còn những tồn tại và thách thức; đó là tỷ trọng đóng góp của các hoạt động KHCN trong việc nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm của ngành GTVT chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển của Ngành và chưa tương xứng với tiềm năng của KHCN; phát triển hoạt động KHCN chưa đồng đều và còn thiếu tính đồng bộ; năng lực và trình độ quản lý, nghiên cứu KHCN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; việc đưa kết quả nghiên cứu KHCN vào thực tế còn gặp khó khăn; những khó khăn về công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn...

Về nhiệm vụ chủ yếu phát triển KHCN giai đoạn 2016 - 2020,  ngành GTVT sẽ bám sát định hướng phát triển KHCN; bám sát nhu cầu thực tế sản xuất, hoạt động của ngành, tập trung giải quyết những vấn đề thiết thực có hiệu quả góp phần phục vụ sự phát triển ngành giao thông vận tải đồng thời tiếp tục chủ động tiếp cận những công nghệ mới phục vụ phát triển giao thông vận tải hiện đại trong tương lai; đồng thời gắn kết chặt chẽ hơn giữa lực lượng nghiên cứu, đội ngũ cán bộ KHCN với các doanh nghiệp trong và ngoài Ngành GTVT.

Đồng thời tiếp tục ứng dụng tiến bộ KHCN phục vụ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, tốc độ phát triển nhanh, bền vững, thân thiện môi trường; đẩy mạnh ứng dụng KHCN phục vụ quản lý khai thác có hiệu quả, an toàn, bền vững hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, giảm thiểu tai nạn; ưu tiên phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ điều hành, tổ chức giao thông chống ùn tắc giao thông; ứng dụng KHCN phục vụ phát triển công nghiệp, điện tử trong GTVT; tăng cường ứng dụng KHCN trong phát triển vận tải.

3
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị tổng kết, Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đánh giá cao những thành tựu đạt được của công tác KHCN ngành GTVT đoạn 2011 - 2015 vừa qua là cơ bản và rất đáng ghi nhận. Đồng thời, qua Hội nghị này cũng đã chỉ ra được những bài học kinh nghiệm quý báu để khắc phục những tồn tại, vượt qua những thách thức để tiếp tục đẩy mạnh phát triển KHCN của Ngành. Để đáp ứng nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và phát triển ngành GTVT hiện đại, đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, bền vững, an toàn, thân thiện môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của đất nước, hội nhập khu vực và quốc tế.

Để KHCN đóng góp vai trò quan trọng hơn nữa trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề nghị hoạt động nghiên cứu KHCN cần tập trung nghiên cứu, xây dựng hệ thống giao thông thông minh, thân thiện môi trường; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ công tác quy hoạch, khảo sát thiết kế; làm chủ công nghệ thi công, công nghệ quản lý, bảo trì khai thác công trình giao thông tiên tiến, ứng dụng vật liệu mới trong xây dựng các công trình hiện đại như: Đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị, cầu bê tông cốt thép dự ứng lực khẩu độ lớn, cầu dây văng, đường hầm, cảng hàng không.

Bên cạnh đó, cần bám sát nhu cầu thực tế sản xuất, hoạt động của Ngành, tập trung giải quyết những vấn đề thiết thực có hiệu quả góp phần phục vụ sự phát triển ngành giao thông vận tải đồng thời tiếp tục chủ động tiếp cận những công nghệ mới phục vụ phát triển hệ thống giao thông vận tải hiện đại trong tương lai. Gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học với doanh nghiệp trong và ngoài ngành GTVT để đảm bảo hiệu quả, khả năng triển khai kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế sản xuất, Bộ trưởng nhấn mạnh.

4
Bộ GTVT tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học công nghệ

 

Ý kiến của bạn

Bình luận