Khó kiểm soát khí thải xe máy

Diễn đàn khoa học 19/12/2015 16:16

Ô nhiễm không khí là một vấn đề nổi cộm tại các đô thị ở nước ta, có nguyên nhân chính từ lượng phát thải của các phương tiện cơ giới.

Không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông, mà những chiếc xe cà tàng còn gây ô nhiễm môi trường hằng ngày hàng giờ

Mỗi khi lưu thông trên đường phố, không khó để chúng ta bắt gặp những chiếc xe máy có thời gian sử dụng cả chục năm, trên xe chỉ còn trơ khung và động cơ, không yếm, không chắn bùn hay hệ thống đèn xi-nhan… Cũng do thời gian sử dụng quá lâu, kết hợp với việc không được bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ, những chiếc xe cũ nát, nhả khói bụi đen kịt vẫn thoải mái lưu hành trên đường. Không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông, mà những chiếc xe cà tàng đó còn gây ô nhiễm môi trường hằng ngày hàng giờ.

Theo số liệu của Cục CSGT, hiện tại nước ta có trên 42 triệu xe máy, trong đó có khoảng 30% là xe có thời gian sử dụng trên 10 năm. Do từ trước đến nay không có một quy định nào bắt buộc chủ phương tiện phải duy tu, bảo dưỡng động cơ, cộng với việc không có một cơ quan ban ngành nào thực hiện kiểm định về chất lượng khí thải nên chuyện xe máy thải ra khí độc hại là điều dễ hiểu. Nói về tác hại của khí thải gây ra, ông Đỗ Tràng Hưng, Phó Giám đốc trung tâm đăng kiểm 29 – 03V, Tp. Hà Nội cho rằng đây là nhân tố rất độc hại cho người đi đường.

Ông Đỗ Tràng Hưng cho biết: "Khí xả không đạt chuẩn sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới con người, ví dụ như khí CO sẽ gây độc, và xả ra môi trường sẽ ảnh hưởng đến người đi đường, và khí thải diesel sẽ gây bụi trên đường,.."

Ông Chu Mạnh Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ GTVT cũng cho rằng giai đoạn 2008-2010, Bộ GTVT đã giao cho Cục Y tế GTVT thực hiện đề tài nghiên cứu tác động của ô nhiễm không khí do nguồn khí thải phương tiện gây ra đối với sức khỏe cộng đồng. Báo cáo mới nhất của Bộ Y tế cũng cho thấy, mỗi năm nước ta có khoảng 34 nghìn người mắc ung thư phổi, trong đó bụi và khí thải từ phương tiện cơ giới đóng vai trò tác nhân không nhỏ. Đây là con số rất đáng lo ngại.

Ông Chu Mạnh Hùng cho biết: "Theo một nghiên cứu của ngành y tế, nồng độ phát tán bụi trong động cơ diesel có muội than, đây cũng là một trong những tác nhân chính gây ra bệnh ung thư phổi. Tôi tin Bộ Y tế có đủ con số cung cấp tác hại của ô nhiễm không khí, nhất là nguồn của phương tiện cơ giới trong đô thị, đặc biệt là khu vực lõi đô thị của Hà Nội, Tp. HCM và của các thành phố lớn khác".

Để kiểm soát chất lượng khí thải xe máy, cần giải pháp đồng bộ, trong đó ngành giao thông là chủ đạo

Cũng theo ông Hùng, đối với ô tô, việc kiểm soát khí thải đã được thực hiện khá tốt, tuy nhiên, với xe máy hiện nay mới kiểm soát được đầu vào, có nghĩa là kiểm soát chất lượng đối với phương tiện được nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp mới. Còn với xe máy đang lưu hành thì chưa kiểm soát được. Do vậy, theo ông Hùng, để kiểm soát chất lượng khí thải xe máy, cần giải pháp đồng bộ, trong đó ngành giao thông là chủ đạo, phối hợp với các bộ ngành khác để hình thành các hệ thống trạm bảo dưỡng tại các địa phương, nhất là các khu vực đô thị.

Ông Hùng cho biết thêm: "Trước hết là phải kiểm soát được chất lượng phương tiện, kiểm soát được chất lượng động cơ. Do vậy phải hình thành được hệ thống các trạm bảo dưỡng, sửa chữa, trong đó có việc sửa chữa, bảo dưỡng động cơ để việc trộn, đốt nhiên liệu can kiệt thì vừa tiết kiệm nhiên liệu, vừa giảm phát tán ra môi trường".

Đại diện Cục đăng kiểm Việt Nam cũng thừa nhận, trong nhiều năm qua, việc kiểm soát khí thải xe máy, ngành giao thông cũng đã tính đến, tuy nhiên chưa thể thực hiện. Lý giải điều này Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, cơ sở vật chất của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Chưa kể đến chuyện nếu kiểm soát chặt khí thải xe máy thì sẽ có rất nhiều xe không đạt tiêu chuẩn để lưu hành, và ảnh hưởng cuộc sống người dân.

Ông Nguyễn Hữu Trí cho biết: "Xe máy hàng năm đều phải đi bảo dưỡng thì hệ thống bảo dưỡng này mình phân cấp thì người ta cũng có thể kiểm tra được. Tuy nhiên những xe có tuổi đời cao công nghệ cũ đa phần là của người dân lao động nghèo ở các vùng nông thôn, cho nên là quy định niên hạn đối tượng ảnh hưởng trực tiếp".

Với hơn 40 triệu xe máy đang ngày đêm xả khí thải ô nhiễm ra môi trường, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào có thể kiểm soát chất lượng khí thải. Con số 34 nghìn người mắc ung thư phổi hàng năm, trong đó có tác nhân từ khí thải và bụi của xe cơ giới chính là hậu quả nhãn tiền. Con số này chắc chắn còn cao hơn nhiều khi lượng xe máy ngày càng gia tăng, nhưng không bị kiểm soát khí thải. Do vậy, việc kiểm soát chất lượng khí thải đối với xe mày ngày càng trở thành như cầu bức thiết.

Ý kiến của bạn

Bình luận