Khẩn trương làm rõ tính khả thi sử dụng cát biển đắp nền đường

Đường bộ 13/09/2023 15:11

Bộ GTVT yêu cầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, đánh giá khai thác thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng.

Thi công đắp nền đường cao tốc QL45 - Nghi Sơn

Thi công đắp nền đường cao tốc QL45 - Nghi Sơn

Bộ GTVT vừa ban hành Thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tại cuộc họp về các nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá khai thác thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng.

Theo đó, Bộ GTVT ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các thành viên tổ công tác trong việc triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá khai thác thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng.

"Đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm và quyết liệt chỉ đạo, trong đó Bộ GTVT được giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện. Mục tiêu của việc nghiên cứu nhằm làm rõ tính khả thi sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng; phạm vi và mức độ áp dụng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá.

Để triển khai nhiệm vụ đáp ứng tiến độ yêu cầu, Bộ GTVT đề nghị các thành viên tổ công tác, các chuyên gia, nhà khoa học và yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phối hợp, khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ. Trong đó, về thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận khẩn trương trình Bộ GTVT các định mức thi công và vận chuyển cát biển, chỉ dẫn kỹ thuật của đoạn thí điểm. Đồng thời hoàn thiện hồ sơ, báo cáo hội đồng đánh giá kết quả thí điểm.

Trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá của hội đồng, Bộ GTVT giao Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường tham mưu Bộ GTVT báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng.

Đối với nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá khai thác thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng, Bộ GTVT yêu cầu Viện Khoa học công nghệ GTVT chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Tập đoàn Geleximco - thành viên tổ công tác và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện đề cương lấy mẫu bổ sung, thí nghiệm mẫu cát biển của từng vùng để hoàn thiện nhiệm vụ, trình Bộ GTVT.

Trên cơ sở đề cương do Viện Khoa học công nghệ GTVT trình, Bộ GTVT giao Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường rà soát, lấy ý kiến các thành viên tổ công tác và hoàn thiện trình Bộ GTVT xem xét, phê duyệt.

Mốc thời gian triển khai thực hiện theo yêu cầu của Bộ GTVT:
- Thí nghiệm vật liệu trong tháng 10/2023;
- Thí điểm hiện trường và báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 11/2023.
Khẩn trương làm rõ tính khả thi sử dụng cát biển đắp nền đường - Ảnh 3.

Thi công cao tốc Mai Sơn - QL45

Cùng với đó, Bộ GTVT đề nghị các thành viên tổ công tác thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có báo cáo tổng hợp chung đến thời điểm hiện nay về các nội dung: Căn cứ pháp lý, hướng dẫn thủ tục điều tra, thăm dò, khai thác, đánh giá trữ lượng, kết quả đánh giá tác động môi trường đối với các khu vực thăm dò khai thác cát biển; hỗ trợ Tập đoàn Geleximco và Viện Khoa học công nghệ GTVT các thủ tục cần thiết để triển khai công tác lấy mẫu thí nghiệm bổ sung.

Đối với thành viên thuộc Bộ Xây dựng, Bộ GTVT đề nghị xây dựng báo cáo tổng hợp chung về rà soát tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật việc dùng cát biển làm vật liệu xây dựng, san lấp.

Bộ GTVT đề nghị thành viên thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng báo cáo chung về kết quả nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ xử lý cát biển, tiêu chuẩn về cát biển, cát nhiễm mặn sử dụng làm vật liệu trong công trình xây dựng và san lấp.

Đồng thời, Bộ GTVT đề nghị thành viên thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông (NN&PTNT) xây dựng báo cáo về các quy chuẩn, tiêu chuẩn về nông nghiệp, ngư nghiệp có quy định độ mặn trong nước tưới tiêu, nước mặt, đất trồng để làm cơ sở đánh giá mức độ tác động của độ mặn khi sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường hoặc san nền; kết quả các nghiên cứu đánh giá về mức độ mặn của khu vực ven biển; mức độ tác động của độ mặn đến cây trồng, vật nuôi tại các khu vực khác nhau.

Đối với các thành viên thuộc các Trường Đại học xây dựng, Trường Đại học GTVT Hà Nội, Đại học Công nghệ GTVT và các chuyên gia, nhà nghiên cứu, Bộ GTVT đề nghị khẩn trương có ý kiến chi tiết về các vấn đề khi sử dụng cát biển, đặc biệt là các vấn đề về tác động môi trường, xói lở của việc khai thác cát biển, các vấn đề về sử dụng cát biển, cát nhiễm mặn làm vật liệu xây dựng, phạm vi sử dụng và các điều kiện, hướng dẫn sử dụng cát biển.

Bộ GTVT giao Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cung cấp kịp thời và lấy ý kiến góp ý đối với các báo cáo liên quan đến nhiệm vụ được giao. Đồng thời chủ động thu thập các thông tin của các nước, các tổ chức quốc tế của Singapore, Nhật Bản... về việc nghiên cứu, ứng dụng cát biển cho xây dựng công trình giao thông để làm rõ sâu sắc thêm nội dung báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Các cục, vụ, viện, trường có liên quan thuộc Bộ GTVT cần chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, góp ý kiến về việc thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng gửi tổ công tác để tổng hợp, báo cáo Bộ GTVT.

Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam phải chủ động nghiên cứu, tham mưu Bộ GTVT xem xét xây dựng, công bố tiêu chuẩn cơ sở về việc sử dụng vật liệu cát biển làm vật liệu đắp cho công trình giao thông. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giao Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường chủ trì tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học sau khi có kết quả lấy mẫu bổ sung và dự thảo báo cáo đầu kỳ, hoàn thành trong tháng 11/2023.

Ý kiến của bạn

Bình luận