Kéo giảm TNGT bằng đèn pha tự động cho xe máy

Tác giả: Thuỳ Dương

saosaosaosaosao
Pháp luật giao thông 12/12/2015 15:56

Nếu áp dụng công nghệ đèn pha tự động cho xe hai bánh sẽ giảm từ 20 đến 25% TNGT, đây là khuyến cáo của Quỹ An toàn đường bộ toàn cầu.


DSC_5156
Ông Khuất Việt Hùng cho rằng nếu Việt Nam giảm được 10% số vụ tai nạn xe máy thì chắc chắn là số người chết và số người bị thương sẽ giảm đi rất nhiều.

Đèn pha tự động – Giải pháp tối ưu kéo giảm TNGT

Phát biểu tại Hội thảo với chủ đề kinh nghiệm quốc tế về bảo đảm ATGT cho người đi xe máy và khả năng áp dụng tại Việt Nam, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia - cho biết, Quỹ an toàn đường bộ SRF là một cơ quan có rất nhiều sáng kiến hỗ trợ cho ATGT các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là những quốc gia có tỉ lệ sử dụng mô tô xe máy nhiều như Việt Nam. 

Theo ông Khuất Việt Hùng, các quốc gia trên thế giới có sử dụng nhiều xe máy đánh giá rất cao Quỹ an toàn đường bộ SRF về sáng kiến đèn pha tự động cho xe cơ giới hai bánh để đảm bảo khả năng nhận biết của những người điều khiển phương tiện khác với xe máy khi tham gia giao thông, đặc biệt là trong điều kiện ánh sáng, tầm nhìn hạn chế. Theo đó, đèn pha sẽ tự bật khi khởi động xe máy.

“Theo nghiên cứu, tỷ lệ giảm TNGT sau khi áp dụng chính sách này ở một số quốc gia lên đến 20%. Đây là một con số rất ấn tượng. Nếu Việt Nam giảm được 10% số vụ tai nạn xe máy thì chắc chắn là số người chết và số người bị thương sẽ giảm đi rất nhiều”, ông Khuất Việt Hùng cho biết thêm.

DSC_5164
Ông Micheal Woodford, Chủ tịch Quỹ ATGT đường bộ SRF trao đổi về các hoạt động toàn cầu của Quỹ An toàn đường bộ SRF.

Theo Quỹ an toàn đường bộ SRF, khi TNGT xảy ra thì người tham gia giao thông bị tổn thương nặng nhất là những người điều khiển xe gắn máy và 1/3 TNGT xe máy có liên quan trực tiếp đến việc lái xe không nhìn thấy, bị hạn chế tầm nhìn. Do đó, giải pháp đèn pha tự động cho xe cơ giới hai bánh đóng vai trò rất quan trọng trong việc kéo giảm TNGT đối với xe máy.

Ông Micheal Woodford, Chủ tịch Quỹ ATGT đường bộ SRF cho biết giải pháp này đã được thực hiện ở rất nhiều nước Châu Âu như Anh, Thuỵ Điển, Phần Lan và ở Đông Nam Á thì hầu hết các quốc gia đã áp dụng giải pháp này chỉ trừ Việt Nam, Lào và Campuchia. Đây là một giải pháp đơn giản nhưng có hiệu quả rất tốt và có thể kéo giảm 20-25% TNGT.

Trao đổi kinh nghiệm thực tiễn của Thái Lan khi áp dụng công nghệ này, GS Pichai Taneerananon đến từ Trung tâm nghiên cứu ATGT đường bộ Á Âu, Đại học Prince of Songkla Thái Lan chia sẻ, tại Thái Lan, công nghệ này được thí điểm từ năm 2003 và đến 1/1/2005 chính thức được đưa vào luật. Việc áp dụng công nghệ bật đèn pha tự động không mất chi phí mà lại có thể kéo giảm được nguy cơ gây TNGT.

“Hiện nay 80% xe đã bật đèn pha tại Thái Lan. So với việc đội mũ bảo hiểm thì đèn pha tự động dễ áp dụng hơn vì nó là cam kết tự nguyện. Khi bật đèn pha không tốn kém và không bất tiện như mũ bảo hiểm vì khi người dân mua xe đã có sẵn công nghệ này trên phương tiện”, GS Pichai Taneerananon nhấn mạnh.

DSC_5175
Các vị đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Cần tuyên truyền rộng rãi đến người dân

Chia sẻ ý kiến tại Hội thảo, ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Honda Việt Nam đánh giá cao những ưu điểm của đèn pha tự động trong công tác kéo giảm TNGT; tuy nhiên các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu kỹ về vấn đề môi trường và điều kiện thực tế tại Việt Nam. Theo ông Tuấn, với điều kiện khí hậu nhiệt đới như ở nước ta, việc bật đèn phương tiện liên tục cả ngày lẫn đêm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề gia tăng nhiệt độ môi trường đô thị, đặc biệt là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, làm gia tăng biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Trước ý kiến của ông Tuấn, từ những kinh nghiệm ở Thái Lan, GS Pichai Taneerananon cho rằng hiện nay đã có 7 nước Đông Nam Á sử dụng công nghệ này và khi đi vào sử dụng, nhiệt độ chỉ tăng lên 1%. Đây là con số rất nhỏ trong khi chúng ta có thể giữ được tính mạng cho nhiều người thì đó cũng là sự đánh đổi đáng giá.

Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Khang, trưởng phòng nghiên cứu phát triển Công ty TNHH Piaggio chia sẻ, đối với những xe nhập khẩu của Piaggio đều áp dụng công nghệ đèn pha tự động này, tuy nhiên khi về Việt Nam, khách hàng sử dụng không thích và tự thay đổi kết cấu bằng cách lắp thêm công tắc để tắt. Điều này rất nguy hiểm vì nó không chỉ ảnh hưởng đến nguồn điện mà còn dễ dàng gây cháy nổ vì không thích hợp với kết cấu được thiết kế ban đầu.

Về ý kiến này, ông Đặng Việt Hà - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN - không đồng tình và nhấn mạnh rằng, không thể nói là người Việt Nam không thích sử dụng công nghệ này, mà họ chưa được tiếp cận và không hiểu được ý nghĩa của nó. Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị nên phối hợp chặt chẽ với nhau để đưa công nghệ này vào đời sống, đồng thời nên cân nhắc đưa vào luật.

DSC_5189
Các đại biểu đi thăm dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý vi phạm trên cao tốc Nội Bài- Lào Cai.

Kết luận buổi Hội thảo, ông Khuất Việt Hùng đồng tình với ý kiến của các nhà sản xuất là cần có thời gian đủ để có chuyển đổi mới về mặt thiết kế và cần xây dựng lộ trình để triển khai. Ông Khuất Việt Hùng đề nghị Quỹ An toàn đường bộ SRF hỗ trợ Uỷ ban phối hợp với các nhà sản xuất xe máy và các cơ quan nhà nước trong năm nay để tổ chức một cuộc vận động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của đèn pha tự động.

Đồng thời, ông Khuất Việt Hùng đề nghị Quỹ An toàn đường bộ SRF, Hội đồng ATGT Châu Âu, Trung tâm nghiên cứu đường bộ Châu Á phối hợp với Uỷ ban tổ chức diễn đàn trao đổi giữa các nước Châu Âu và các nước ASEAN để chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, đưa các văn bản này vào đời sống giúp giảm TNGT.

“Từ đánh giá tác động của công tác tuyên truyền công nghệ này đến người dân, chúng ta sẽ đưa ra được lộ trình nhanh nhất để áp dụng công nghệ này dưới chính sách là một quy định bắt buộc đối với các phương tiện mô tô, xe máy ở Việt Nam trong thời giam sớm nhất”, ông Khuất Việt Hùng khẳng định.

Cùng ngày, các đại biểu của Quỹ An toàn đường bộ SRF, Hội đồng ATGT Châu Âu, Trung tâm nghiên cứu đường bộ Châu Á đi thăm dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý vi phạm trên cao tốc Nội Bài- Lào Cai.

Ý kiến của bạn

Bình luận