Hương xuân bên bờ rào xanh

Tác giả: minh lê

saosaosaosaosao
Xã hội 30/01/2017 05:55

Không biết từ thuở nào, những bờ rào, bờ giậu bằng cây duối, ô-rô, râm bụt... đã trở thành một nét đẹp thân quen của làng quê Việt. Trong ký ức của nhiều người Việt Nam, mỗi độ xuân về bên những bờ rào, bờ giậu ấy là cả một miền thương nhớ.

Ảnh 4

Ông Trịnh Nhân Kỳ cắt tỉa, chăm chút cho bờ rào xanh của gia đình

Nhớ về bờ rào, bờ giậu

Tiết trời những ngày đầu xuân vẫn se lạnh, thi thoảng vài cơn mưa bụi, lấm tấm từng giọt không làm ướt nổi vai áo, nhưng đường phố Hà Nội lại mềm mại đi trông thấy. Dòng người vẫn vội vã theo nhịp sống mưu sinh, chẳng mấy ai để ý đến khoảng lặng ngay cạnh tường rào của khu di tích Quốc Tử Giám, những nhành ô-rô non đang vươn mình sánh vai bên hàng rào thép vừa được tô sơn mới. Có lẽ, giữa thành phố đang chuyển mình hiện đại hóa mọi thứ, thì màu xanh cũng dần bị thu hẹp, thay vào đó là gam màu xám của bê tông hay những ánh đèn nê-ông rực rỡ. Trước tạo cảnh đó, nhiều nhân sĩ có tâm hồn nhạy cảm liền xoay mình “rọi đuốc” vào quá khứ mà nắm giữ lấy chút hồn Việt đã đi qua.

Có một thời, những hàng rào xanh ấy là biểu tượng cho thôn quê Bắc bộ. Nhớ về mùa xuân thôn quê sao thiếu được mùi nồng của bức tường vừa quét vôi mới, những con ngõ xanh chỉn chu, bởi hàng ô-rô, râm bụt vừa được cắt tỉa gọn gàng để đón mùa xuân trở về. Thuở ấu thơ, tôi vẫn thường dạo chơi bên những hàng rào được kết bằng cây ô-rô, râm bụt. Những bông hoa mọc từ hàng rào ấy chẳng có hương thơm quyến rũ, chẳng vẻ đẹp gọi mời nhưng cứ mọc lên một cách vô tư như cô gái quê hồn hậu, chất phác.

Đôi khi, lối vào hàng rào xanh ấy là một cánh cửa bằng gỗ mộc mạc luôn luôn khép hờ và không bao giờ khóa. Chỉ cần nghiêng đầu qua hàng rào là có thể cầm một lá thư trao vội, là có thể mượn vội láng giềng cái chổi quét sân hoặc vài chục đồng lúc cần. Chỉ cần có tiếng cãi vã bên nhà này là đã thấy người hàng xóm bên nhà chạy sang can gián, khuyên giải… Hàng rào xưa không hoàn toàn là sự cách ngăn mà nó còn chứa chan nghĩa xóm tình làng. Nó phá vỡ cái nghiêm chỉnh, tù túng mà bản thân con người gán tên cho nó.

Nói về chuyện những hàng rào, không thể không nhắc đến lối vào nhà Bác Hồ ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Là người đã được đi nhiều nơi, nhưng mỗi lần trở lại thăm nhà Bác, trong tôi lại có một cảm xúc khó tả. Tôi nhớ lối vào gian nhà tranh ấy vẫn nguyên sơ với rặng râm bụt. Mùa xuân về, rặng râm bụt đơm những bông hoa đỏ thắm như giọt máu linh thiêng mà dân gian vẫn truyền tụng. Đó là giọt máu của Phật tổ Như Lai nhỏ xuống trần gian mà sinh thành nên loài cây “ông bụt” hay còn gọi là râm bụt.

Người làng Sen (Kim Liên) vẫn thường nhắc nhau về câu chuyện: Năm 1957, sau gần 50 xa quê hương Bác mới có dịp trở lại nhưng Bác vẫn nhớ cặn kẽ từng người, từng cảnh, từng nếp sống sinh hoạt và Người cũng không quên hàng râm bụt dẫn lối vào nhà, nhất là nơi góc vườn sau nhà, ngay bên hàng râm bụt là nơi “chôn nhau cắt rốn” của cả 3 chị em Bác. Từ đó, rặng râm bụt ở quê Bác đã được trồng lại theo ý nguyện của Người.

Ngay ở nếp nhà sàn giữa Thủ đô, những năm tháng còn sống và làm việc Bác đã trồng một rặng râm bụt. Giờ đây khi Bác đã đi xa, vẻ đẹp của rặng râm bụt quanh vườn cây ao cá tạo nên sự yên tĩnh, thanh bình hài hòa với phong thái ung dung tự tại của Người. Rặng râm bụt ấy sẽ trường tồn mãi với thời gian, bởi những giá trị của tình yêu quê hương mà Bác gửi gắm trên từng gốc cây, ngọn cỏ được người dân chăm nom, vun xới hàng ngày.

Bảo lưu ký ức

Có lẽ vì muốn giao hòa với thiên nhiên mà người xưa đã tìm và đưa những loài cây hữu ích về sống xung quanh mình. Giờ đây, nhịp sống đô thị đang lan tỏa mạnh mẽ, những mảnh đất chia năm xẻ bảy, những mái nhà ngói rêu phong bị rỡ bỏ… thì tất cả những giá trị văn hóa được nén lại trong một gian phòng nhỏ bé - nhà văn hóa. Nhưng may thay, vẫn còn có những con người lặng lẽ, cố gắng lữu giữ chút “hồn việt” còn sót lại cho con cháu mai sau.

Cách trung tâm TP. Hà Nội hơn 60km, chúng tôi tìm về làng cổ Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam với mong mỏi được nhìn thấy những bờ rào, bờ giậu đậm hồn Việt. Nhưng làng Nha Xá giờ cũng đã đổi thay nhiều, những ngôi biệt thự cổ thời Pháp thuộc đã biến mất dần và những con ngõ sâu hun hút với hàng râm bụt, duối hay ô-rô quây hàng rào cũng chung hoàn cảnh đó.

Ảnh 1

Nhìn từ xa bờ rào bằng cây ô-rô của ông Trịnh Nhân Kỳ như một cổng thành nguy nga, xanh biếc, rất nhiều du khách và thiếu nữ tìm về bờ rào xanh của ông Trịnh Nhân Kỳ để chụp ảnh lưu niệm

Hiếm hoi lắm chúng tôi mới thấy một bờ rào ô-rô xen lẫn râm bụt còn nguyên vẹn. Hỏi ra, chúng tôi mới biết đó là bờ rào của gia đình ông Phan Văn Thịnh. Trò truyện với ông Thịnh, chúng tôi được biết hàng rào này ông đã trồng gần 20 năm và là hàng rào duy nhất còn sót lại ở làng cổ Nha Xá. Ông Thịnh bày tỏ: “Tôi nhớ ngày xưa những con ngõ sâu, những bờ rào dài trồng ô-rô và râm bụt là nét riêng khó lẫn của làng tôi, nhưng 10 năm trở lại đây thì không còn nữa. Giờ gạch ngói sẵn quá, người ta xây nhà, làm tường bê tông, cửa sắt hết, chỉ còn thưa thớt có một vài đoạn bờ rào ngắn ngủi của các hộ dân chẳng đủ sức lưu dấu trong cuộc sống. Chính vì tôi còn lưu luyến vẻ đẹp xưa nên mới cố gắng giữ gìn lại bờ rào bằng cây ô-rô này…”.

Còn ông Trịnh Nhân Kỳ ở thôn Yên Trường, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội lại được người dân trong làng suy tôn là nghệ nhân của bờ rào, bờ giậu. Hơn 20 năm qua, ông Kỳ luôn cố gắng lưu giữ một cái bờ mà người đời đang muốn phá bỏ để xây tường cao, rào kín, dây thép gai chằng chịt. Ông Kỳ đang cố gắng gìn giữ bờ rào bằng một công trình nghệ thuật ô-rô kỳ vĩ khiến ai đi qua cũng ngỡ ngàng.

Kể về việc thực hiện ý tưởng “trình làng” tác phẩm nghệ thuật của mình, ông Kỳ cho biết: “Khi thấy những nhà xung quanh phá bỏ những bờ rào ô-rô, tôi thấy tiếc vô cùng. Tôi tiếc vì những hàng rào ấy đã gắn bó với tuổi thơ, với những nét văn hóa sinh hoạt của làng tôi. Vậy là tôi cố gắng gìn giữ và phát triển hàng cây ô-rô quanh nhà”.

Mặc dù giữ gìn được hàng rào ô-rô xanh mướt nhưng ông Kỳ vẫn lo lắng một mai khi ông không còn nữa, thế hệ sau sẽ không thay ông làm công việc đó. Vậy là, ông Kỳ suy tính và cố gắng biến bờ rào ô-rô của mình thành một công trình nghệ thuật. Để thực hiện điều đó, ông Kỳ bỏ ra hơn 10 năm để vun vén, tạo hình cho bờ rào ô-rô thành một chiếc cổng thành nguy nga, tráng lệ.

Với sự kiên định và hơn hết là tấm lòng yêu hồn quê Việt, công trình của ông Kỳ đã được gia đình ủng hộ. Các con của ông thấy tự hào về sự tỉ mỉ của cha mình và tự hứa sẽ giữ gìn công trình đó. Còn những người hàng xóm, những du khách khi thấy công trình của ông chỉ biết thán phục.

Tạm biệt những con người bảo lưu vẻ đẹp làng quê, chúng tôi ra về trong niềm vui hân hoan. Ở đâu đó, trên dải đất hình chữ S vẫn còn những con người vì nét văn hóa, vì giá trị cội nguồn mà sắn tay gìn giữ, bảo vệ và tái hiện lại vẻ đẹp hồn hậu của làng quê. Dù chỉ là một chút nhưng cũng đủ làm một nét chấm phá cho mùa xuân đượm hồn Việt.

Ý kiến của bạn

Bình luận