Hồn Việt trong chữ trong tranh

Xã hội 22/02/2015 11:06

Người Việt có câu “nhất chữ, nhì tranh”. Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, dân ta thường có phong tục tặng nhau tranh hay chữ viết.


Chữ nôm, chữ quốc ngữ (viết theo lối thư pháp) viết bằng mực đen nhánh hay bằng kim nhũ vàng óng trên giấy phẩm hồng điều, hay trên giấy màu cánh sen, càng ngắm càng thích. Có thể xin chữ của ông đồ, nếu được chữ của ông nghè (tiến sỹ) thì quí biết bao. Chữ nghĩa của ông nghè bao giờ cũng hơn chữ nghĩa của ông đồ, các cụ bảo thế!? Song, ông đồ nhiều người viết chữ cũng đẹp lắm, bởi các ông ấy thường là ông tú, ông cử cả, học hành công phu nấu sử sôi kinh, lao tâm khổ tứ lắm. Chữ của nhà thư pháp thì chẳng chê vào đâu được, bút pháp tài hoa rồng bay phượng múa.

tranh-theu-chu-thap-phuc-loc-tho-00

Có khi chỉ cần một chữ duy nhất. Chẳng hạnchữ PHÚC, theo quan niệm của cha ông ta thì chữ PHÚC đứng đầu. Ăn ở có PHÚC sẽ có tất cả: Tài, lộc, thọ, khang, ninh là 5 thứ hạnh phúc nhất trên đời. Hay chữ ĐỨC, nghĩa là sống sao cho có đức, có độ để phúc lộc lại cho con, cho cháu… Bởi thế, người đời có câu “trồng cây đức để cho con ăn”. Hoặc chữ LỘC, nghĩa là tài lộc, tiền của dồi dào.

Không ít người lại yêu thích những câu 4 chữ. Người Việt cho rằng, số 4 là số chẵn đôi, có “âm” lại có “dương”, có sự sinh sôi nảy nở bất tuyệt, keo sơn gắn bó. Ngày nay, số 4 gợi cho ta liên tưởng tới một gia đình ấm no hạnh phúc với qui mô vừa phải, với đôi vợ chồng hai đứa con ngoan ngoãn khỏe mạnh, học giỏi. Những câu 4 chữ thì vô vàn, nên phải kén chọn sao cho vừa mang ý tứ của bản thân mà lại hợp với mong muốn của người mình trao tặng. Đây mới là cái khó của việc tặng nhau chữ nghĩa, không khéo sẽ có tình trạng hiểu nhầm. Nhưng chẳng sao, nếu ta có tình và người có tâm thì sẽ viên mãn đôi bên.

Khi chúc mừng cha, mẹ hay người thân năm nay lên lão, thượng thọ thì không gì quí hơn bốn chữ: PHÚC THỌ SONG TOÀN; hay muốn chúc mừng đất nước thái bình thịnh trị thì chẳng câu nào tốt đẹp bằng: QUỐC THÁI DÂN AN. Chọn 4 chữ: ĐẠI NGHIỆP HƯNG LONG cho nhà đầu tư, chúc công việc kinh doanh ngày càng bền vững thì đắc ý vô cùng. Chúc tụng nhà nông bốn chữ: PHONG ĐĂNG HÒA CỐC (mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu) thì thật là sâu sắc.

Đấy là nói về tặng chữ nghĩa thuần túy.

Nếu việc cho chữ chúc nhau năm mới hạnh phúc và thành đạt là một thú chơi thanh tao, lịch lãm thì việc sử dụng tranh vẽ để chúc tụng cũng không kém công phu và độc đáo.
Mỗi tranh dân gian chúc mừng năm mới thể hiện một ý nghĩa bên trong. Tranh vẽ phổ biến có hai loại: Tranh không có chữ và tranh có chữ kèm theo. Mỗi loại đều có nét độc đáo và ý nhị mang bản sắc riêng.

Đối với tranh không đề chữ, người vẽ gửi gắm ý tứ của mình ngay trong nét vẽ và màu mực. Tranh loại này thường giản đơn nhưng dung dị, thể hiện vẻ đẹp hàm súc và ý tứ sâu xa, không cần lời minh họa nhưng vẫn có ấn tượng đẹp trong lòng người. Chẳng hạn, tranh vẽ CON CÔNG thể hiện lời chúc mừng năm mới bình an. Tranh vẽ ĐÀN GÀ CON là cầu mong gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Khi cầu chúc cho người già sống lâu là tặng bức tranh CON HẠC. Muốn mừng cho con trẻ học hành, công tác thành đạt, có công danh phú quí thì có tranh CÁ VƯỢT VŨ MÔN hay CÁ HÓA LONG hoặc LÝ NGƯ VỌNG NGUYỆT.

Trong truyền thống, mỗi khi Tết đến Xuân về, từ kẻ chợ đến thôn quê, từ đồng bằng đến miền núi, dân ta thường mua tranh LỢN MẸ VÀ ĐÀN LỢN CON để treo tường, cầu mong sung túc, ấm no cho gia đình trong năm mới… Nét đặc sắc của tranh Tết (tranh dân gian) là hình tượng của loài vật với các con vật biểu tượng cho 12 con giáp, hoặc những con vật khác gần gũi với đời sống văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần thường nhật của con người, ở trong đó thường không đòi hỏi phải có hình ảnh của con người.
Đối với những tranh có kèm theo chữ viết, người vẽ còn muốn đưa thêm vào giá trị nghệ thuật và nội dung sâu sắc của tranh vài chữ tài hoa, bay bướm hoặc chất phác, giản dị nhưng mang nội dung chúc mừng trong sáng mà ý nhị, giản dị mà sâu sắc. Chữ viết bên tranh thường là những thành ngữ bất hủ về ý nghĩa, hoặc đôi câu đối hay. Phần chữ viết thường ở một góc nào đó bên bức tranh, đắc địa nhất là ở đầu trên của bức tranh. Ví dụ trong bức vẽ CỤ GIÀ CẦM TRÁI ĐÀO, viết bốn chữ “đào hiến thiên xuân”. Nghĩa là đào đem hiến dâng người khỏe mạnh sống lâu nghìn tuổi, muôn xuân. Hay tranh vẽ CỤ GIÀ ĐANG BÓC QUẢ LỰU CHÍN lại có bốn chữ “lựu khai bách tử”. Nghĩa là: Lựu nở, trăm hạt tươi tốt. Ngụ ý chúc cho dòng họ, gia đình con cháu đông đúc, thành đạt.

Mới hay người nghệ sĩ dân gian Việt đồng thời cũng là nhà tư tưởng, nhà tâm lý, nhà văn hóa vô danh nhưng trong chữ, trong tranh của họ phản ánh sâu sắc tâm hồn người Việt. Sự vô danh bất hủ luôn luôn đồng hành cùng mùa xuân của dân tộc trường tồn bất tận.

Năm Ất Mùi – 2015 sắp đến, tôi thu xếp thời gian thăm anh bạn họa sỹ. Anh cho xem một số tranh dân gian, có tranh vẽ và chữ viết chúc tụng một giáp (mười hai năm âm lịch). Anh có ý định sưu tầm mảng đề tài “con người, mùa xuân, vũ trụ”. Vũ trụ và con người phát triển, anh bảo thế. Câu chuyện của chúng tôi xuay quanh những vấn đề, với bao vấn vương kim cổ. Trong đó, có vấn đề không hẹn mà gặp và cả hai đều tâm đắc, khi luận bàn về bức tranh TAM DƯƠNG KHAI THÁI. Hẳn là người xưa đã gửi gắm tâm tình và ước nguyện của mình trong tranh in ba con dê đang ngon lành ăn cỏ. Bãi cỏ non xanh, vầng mặt trời đỏ thắm trên cao. Bốn chữ “tam dương khai thái” được ghi ở bên trái bức tranh, có nghĩa: Thái bình, thịnh trị, hòa hợp, phồn vinh. Bức tranh phản ánh ước nguyện của mọi người về cuộc sống ấm no, thanh bình, hạnh phúc. Bức tranh cũng gửi gắm ý nguyện của nhân dân đối với những người cầm quyền, mong quyền bính trong tay người tốt. Người cầm quyền tốt luôn duy trì hành động quang minh chính đại như ánh dương, thái độ khiêm nhường, mềm dẻo, thấu hiểu và cảm thông sâu sắc với quyền lợi của nhân dân. Xét về chữ nghĩa, người xưa đã khéo chơi chữ từ hiện tượng đồng “âm” nhưng khác “nghĩa”. Chữ “dương” ở đây vừa có nghĩa con “dê” (sơn dương – dê núi); vừa có nghĩa là “mặt trời” (như khi ta viết: Vầng thái dương).

Chúng ta đang lưu luyến tiễn đưa năm Giáp Ngọ, hồi hộp, chào đón năm Ất Mùi – 2015, chào đón thời điểm thăng hoa và hào quang của nhật nguyệt, mong cho dân giàu nước mạnh, nhà nhà phúc lộc dồi dào. Xin mượn ý của tác giả bức tranh dân gian, cầu chúc cho đất nước ta và mỗi gia đình người Việt một năm an khang, thịnh vượng, PHÚC LỘC ĐẦY NHÀ.

Thanh Nga

Ý kiến của bạn

Bình luận