Hội nghị cấp cao chống biến đổi khí hậu chính thức khai mạc tại Pháp

Diễn đàn khoa học 01/12/2015 11:27

Vào hồi 11 giờ (17 giờ Hà Nội) ngày 30-11 tại Trung tâm Hội nghị Bourget ở phía bắc Paris, Hội nghị cấp cao lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-21) chính thức được khai mạc với sự tham gia của khoảng 150 nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ các quốc gia trên thế giới và các tổ chức, định chế tài chính quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam sẽ có bài phát biểu quan trọng.

 

Hội nghị cấp cao chống biến đổi khí hậu chính thức
Tổng thống Pháp François Hollande.

Trước lễ khai mạc, khoảng 1.300 đại biểu dành một phút tưởng niệm những nạn nhân của các vụ khủng bố xảy ra ngày 13-11 tại thủ đô Paris, Pháp.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng thống Pháp François Hollande nói: Hôm này là một ngày lịch sử. Chưa bao giờ có một hội nghị quốc nào có sự tham gia đông đảo của lãnh đạo các nước như COP21 và cũng chưa bao giờ vấn đề biến đổi khí hậu lại cấp bách như bây giờ vì đây là tương lai của hành tinh của chúng ta.

Cảm ơn sự chia sẻ và tình đoàn kết của cộng đồng quốc tế dành cho nhân dân Pháp kể từ khi xảy ra các vụ tiến công khủng bố ngày 13-11, Tổng thống Pháp cho rằng thế giới của loài người đang phải đối mặt với hai thách thức sống còn là chủ nghĩa khủng bố và biến đổi khí hậu.

Tổng thống Pháp nhấn mạnh: chúng ta cần phải làm hết khả năng để xây dựng một thế giới ổn định, bền vững cho con cháu của chúng ta. Trong một năm vừa qua, thế giới đã trải qua những vấn đề nghiêm trọng chưa từng có, đó là nhiệt độ nóng lên, lượng khí thải CO2 tăng, lũ lụt liên tục, băng tan tiếp tục tan, mực nước biển dâng... Hàng triệu người bị ảnh hưởng và thiệt hại lên tới hàng tỷ đô-la. Không có nước nào, vùng nào không bị ảnh hưởng bởi biển đổi khí hậu. Thực tế cho thấy những nước nghèo dễ bị ảnh hưởng nhất. Chính vì vậy, chúng ta cần nhận thức rõ về những mối đe dọa của biến đổi khí hậu, gây ra sự mất cân bằng cho thế giới.

Ông François Hollande cho rằng các nước và cả thế giới cần hành động ngay, cùng có quyết tâm cao, sự đồng lòng, chung sức thì mới có thể đạt được mục tiêu quan trọng nhất của COP21 là thông qua một thỏa thuận mới vào ngày 12-12.

Tổng thống Pháp nói: "Có ba điều kiện để đạt được thành công cho COP21. Đó là xác định lộ trình cụ thể để giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C, thậm chí 1,5 độ C; xây dựng cơ chế giám sát thực hiện cam kết của mỗi nước, đồng thời tiến hành tổng kết năm năm một lần.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon nhấn mạnh nhiệm vụ của hội nghị lần này là phác thảo một thỏa thuận cho tương lai, đồng thời kêu gọi các nước phải hành động nhanh hơn và mạnh hơn nếu muốn đạt được mục tiêu đã đặt ra là ngăn chặn sự nóng lên của trái đất dưới 2 độ C.

Dù có hai tuần làm việc, chương trình làm việc của COP21 được đẩy lên sớm hơn một ngày nhằm tận dụng tối đa thời gian để các đại biểu thảo luận và hoàn tất bản dự thảo thảo thuận của COP21. Một giờ trước lễ khai mạc chính thức của COP21, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius tiếp nhận chức Chủ tịch COP21 và tái khẳng định rằng ưu tiên hàng đầu tại hội nghị này là đạt được một thỏa thuận mới với những mục tiêu cụ thể và đầy tham vọng để thế giới chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông nói: “Mục tiêu của COP21 rất rõ ràng, để giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C là một thách thức nhưng rất cần thiết và để thực hiện được mục tiêu này cần có sự đồng thuận của 196 thành viên của công ước.

Phiên khai mạc của COP21 được truyền hình trực tiếp khắp thế giới vì vậy bà Christiana Figueres, Thư ký điều hành của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), cho rằng các bên tham gia có cơ hội, trách nhiệm và hoàn tất thỏa thuận mới để tạo điều kiện cho các nước đạt được các mục tiêu quốc gia về chống biến đổi khí hậu, đồng thời hỗ trợ các nước đang phát triển. Bà cho rằng đây là thời điểm lịch sử, là bước ngoặt để hành động vì nhiệm vụ chung vẫn chưa xong.

Bà Christiana Figueres cũng cho biết, một trong những tín hiệu tích cực ngay trước giờ chính thức khai mạc của COP21 là có tới 184 nước, chiếm khoảng 95% lượng khí thải do hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu, đã gửi kế hoạch hành động quốc gia tới UNFCCC. Đây là một cơ sở tốt nhưng chưa đủ để có thể giữ mức nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C. Vì vậy một thỏa thuận mới tại COP21 là mục tiêu quan trọng nhất trong những ngày diễn ra hội nghị.

Ý kiến của bạn

Bình luận