Hoàn thiện hạ tầng giao thông tạo sự đột phá

Tác giả: Hoàng Long

saosaosaosaosao
Thị trường 29/12/2018 18:30

Phát triển hạ tầng giao thông đã mang lại diện mạo mới cho kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình trong những năm qua. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông là điểm đột phá để tỉnh khẳng định là hạt nhân trong phát triển kinh tế vùng.

 

Thi công cầu vượt Mai Sơn

Cầu vượt Mai Sơn kết nối tuyến cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóatrong tương lai

 Giao thông luôn đi trước

Khi tách khỏi tỉnh Hà Nam Ninh năm 1992, Ninh Bình chỉ có hai tuyến quốc lộ là QL1 và QL10, kết nối tỉnh với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong khu vực. Trải qua 26 năm, ngành GTVT Ninh Bình đã đầu tư cải tạo, nâng cấp 150km tuyến quốc lộ đạt quy mô cấp III đồng bằng với tổng kinh phí hơn 11 nghìn tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với các dự án trọng điểm như: Nâng cấp, mở rộng QL1, QL10 qua TP. Ninh Bình; nâng cấp QL12B, QL12B kéo dài, QL38B; xây dựng mới đường kết nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với QL1, QL1 đoạn tránh TP. Ninh Bình, QL10 đoạn tránh thị trấn Yên Ninh và thị trấn Phát Diệm, đường nối QL1 với cảng Ninh Phúc... Đối với đường tỉnh, thực hiện nhiều dự án với nhiều nguồn kinh phí khác như dự án nâng cấp, cải tạo ĐT.477C, ĐT.477B và cầu Trường Yên, ĐT.479, ĐT.480, ĐT.480B, ĐT.480D...  với tổng chiều dài khoảng 141km. Đồng thời, ngành GTVT Ninh Bình cũng tham mưu để UBND tỉnh chuyển một số tuyến đường địa phương, đường đê kết hợp giao thông đã được đầu tư xây dựng thành đường tỉnh, phục vụ hoàn thiện mạng lưới giao thông, kết nối khu vực.

Ông Lê Trọng Thành - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Ninh Bình cho biết, đến nay có tổng cộng 2.823km đường được phân cấp, phân loại, bao gồm 8 tuyến quốc lộ dài 221km, 19 tuyến đường tỉnh dài 261,4km, đường huyện 349,5km, đường đô thị 374km, đường xã 1.378km, đường chuyên dùng 118km, đường đê kết hợp giao thông 219km. Nhiều cây cầu lớn như cầu Nam Bình (1.637m), cầu Gián Khẩu (210m), cầu Hoàng Long (850m)... được đầu tư xây dựng. Đường cao tốc qua Ninh Bình gồm hai tuyến cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa (tuyến cao tốc Bắc - Nam) và tuyến Ninh Bình - Hải Phòng đang được nghiên cứu đầu tư xây dựng sẽ góp phần nâng cao tốc độ lưu thông, mức độ kết nối với giao thông khu vực. Trên địa bàn tỉnh có hơn 300km đường cấp III, gần 60km đạt tiêu chuẩn đường cấp II đô thị; 100% tuyến quốc lộ, đường tỉnh đã được cứng hóa bằng bê tông xi măng, bê tông nhựa, đá dăm láng nhựa, trong đó hơn 50% đã được thảm bê tông nhựa.

Đối với đường giao thông nông thôn, trong công tác thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng theo phương châm dân làm là chính, Nhà nước hỗ trợ. Đặc biệt từ sau Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hạ tầng giao thông nông thôn, công trình giao thông WB3 (vốn vay của Ngân hàng Thế giới) được đẩy mạnh; nâng cấp và làm mới được gần 1.800km đường giao thông nông thôn; xây dựng mới 19 cầu bê tông cốt thép (tổng chiều dài là 326m); xây dựng mới 2.068 cống các loại (tổng chiều dài 10.146m), 100% các xã đã có đường ô tô đến tận trung tâm xã, không có xã nào bị gián đoạn giao thông vào mùa mưa lũ. Mật độ đường giao thông trên địa bàn tỉnh đạt hơn 5km đường/km2. Đường giao thông dần dần được cứng hóa từ đường thôn xóm đến đường nội đồng, giao thông nông thôn đã có diện mạo hoàn toàn mới.

Kết nối hài hòa các phương thức vận tải

Bên cạnh giao thông đường bộ đóng vai trò chủ đạo, giao thông đường thủy ngày càng được chú trọng và giữ vai trò quan trọng trong vận tải hàng hóa và khai thác du lịch. Tỉnh Ninh Bình có 16 tuyến đường thủy nội địa với tổng chiều dài 298,8km. Trong đó, tuyến quan trọng nhất là trên sông Đáy - sông cấp đặc biệt có lưu lượng vận tải lớn, kết nối vận tải đường thủy với vận tải đường biển, kết nối vận tải đường thủy với các tỉnh thuộc vùng Đông Bắc bộ từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định tới Ninh Bình, thuận lợi cho giao lưu kinh tế, văn hóa, phát triển du lịch giữa các vùng, miền. Các tuyến sông Hoàng Long, sông Vạc, sông Sào Khê, sông Vân… và hệ thống kênh, vùng ngập nước được khai thác đang có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, định hướng phát triển du lịch bằng đường thủy của tỉnh.

Hệ thống đường sắt có trục đường sắt Bắc - Nam chạy qua dài 21,6km và 02km đường sắt chuyên dùng phục vụ sản xuất của địa phương, kết nối với giao thông đường bộ tại 4 ga là Ninh Bình, Cầu Yên, Ghềnh, Đồng Giao. Hệ thống cầu đường sắt và ga Ninh Bình được xây mới đi vào vận hành từ tháng 6/2015, góp phần đảm bảo ATGT, là điểm nhấn đối với cảnh quan thành phố và quan trọng nhất là phục vụ nhu cầu đi lại bằng đường sắt của nhân dân và du khách.

Kết hợp với hệ thống đường giao thông có 9 bến xe khách với tổng diện tích 34.034m2 (3,4ha) tại 5/8 huyện, thành phố, 01 trạm dừng nghỉ, 4 ga đường sắt, 16 cảng thủy nội địa có quy mô vừa và lớn; cùng với đó là các bến phà, đò ngang, bến đò phục vụ tại các điểm du lịch như Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Vân Long… tạo nên mạng lưới giao thông linh hoạt, đa dạng. Hệ thống bãi đỗ xe tĩnh cũng được quy hoạch xây dựng, điển hình là 3 bãi đỗ xe quy mô lớn tại chùa Bái Đính và Khu du lịch Tràng An được xây dựng là cơ sở hạ tầng quan trọng cho phát triển du lịch.

Về hướng phát triển trong giai đoạn tới, ông Lê Trọng Thành cho biết ngành GTVT Ninh Bình xác định hai nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, tiếp tục huy động tối đa mọi nguồn lực, thu hút nguồn vốn để đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông với các công trình trọng điểm như: Nâng cấp, cải tạo QL12B, QL21B, QL38B đoạn qua tỉnh Ninh Bình đạt quy mô cấp III toàn tuyến; nâng cấp, cải tạo ĐT.477B và cầu Trường Yên kết hợp với Dự án đường du lịch tâm linh Bái Đính - Ba Sao - Mỹ Đình; xây dựng tuyến đường bộ ven biển; xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa, Ninh Bình - Hải Phòng; xây mới các bến xe khách đô thị Ninh Bình theo quy hoạch; nạo vét luồng tuyến đường thủy nội địa... Cùng với xây dựng hạ tầng trọng điểm là phát triển giao thông địa phương, giao thông nông thôn, phối hợp lồng ghép các chương trình, dự án, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để từng bước làm đường đến các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, tiến tới hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Thứ hai, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hạ tầng giao thông: Chỉ đạo các huyện, thành phố, các ngành, đơn vị quản lý đường chuyên dùng cùng với ngành GTVT tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường công tác quản lý bảo trì, kiểm soát tải trọng xe, hành lang an toàn đường bộ, đường thủy, đảm bảo TTATGT, phát huy hiệu quả của kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ hoạt động vận tải, phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng theo ông Thành, đây thực sự là thách thức không nhỏ đối với ngành GTVT tỉnh Ninh Bình. Để đạt được những mục tiêu đó cần có sự chung sức, vào cuộc của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế và người dân trong toàn tỉnh, hướng tới xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, năng động, bền vững, làm tiền đề, tạo động lực cho các ngành kinh tế khác, đóng góp ngày càng hiệu quả hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Ý kiến của bạn

Bình luận