Hiểm họa từ những cây cầu tạm

Ý kiến 31/07/2017 14:06

Trung tuần tháng 6 vừa qua, trên cầu phao làng Cóc (xã Tượng Văn, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) lại xảy ra một vụ tai nạn thương tâm.

Hiểm họa từ những cây cầu tạm
Cây cầu do dân tự làm đã xuống cấp, khiến việc đi lại gặp khó khăn và nguy hiểm

Theo người dân bên cầu kể lại, anh Minh (37 tuổi, ở xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia) điều khiển xe máy chở theo con trai 9 tuổi chạy qua cầu, nhưng khi mới đến đầu cầu, xe anh Minh bị trượt ngã, cả xe máy và 2 cha con cùng rơi xuống sông. “Ban đêm đi qua chiếc cầu này rất nguy hiểm. Có thể anh Minh không phải là người địa phương, đi qua cầu không quen nên mới xảy ra tai nạn như thế”, một người dân chứng kiến nói. Cho đến khuya cùng ngày, lực lượng cứu hộ và chính quyền địa phương mới tìm thấy thi thể 2 cha con. 

Làng Cóc (xã Tượng Văn) nằm biệt lập với các địa phương khác xung quanh. Làng nằm bên kia sông Thị Long (một nhánh sông Yên). Năm 1998, người dân trong làng đã cùng nhau góp tiền làm cầu phao nổi bắc qua sông để thuận tiện cho việc đi lại, sinh hoạt của làng. Cầu có “kết cấu” 5 nhịp phao, dài 100m, rộng 1m. Trải qua gần 20 năm sử dụng, chiếc cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, khiến cho hiểm nguy luôn rình rập người qua lại. Đã có 5 người tử nạn khi qua cầu. Người làng Cóc rất mong ước có một cây cầu đảm bảo an toàn, phục vụ dân sinh. 

Tại huyện miền núi Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An), người dân một số nơi cũng đang liều mình qua sông bằng cầu tạm. Một trong số những cây cầu tạm như thế là cầu bắc qua sông Dinh đến xóm Sơn Tiến (xã Thọ Hợp). Mỗi khi đi qua cầu này, dù không phải mùa mưa bão, nhưng chỉ gặp một trận gió to là “đứng tim”. Ông Trương Văn Thiêm, Trưởng xóm Sơn Tiến, cho biết, xóm của ông như một “ốc đảo” với 55 hộ dân, trên 250 nhân khẩu. Mọi người già trẻ lớn bé muốn qua trung tâm huyện Quỳ Hợp, muốn giao thương với bên ngoài thì phải qua cầu tạm này. Cây cầu bằng tre nứa bắc qua sông do người dân tự làm, tự kiểm tra và thay thế khi có những thanh tre mục nát hoặc gãy. Mặc dù vậy, cầu vẫn thường xuyên hư hỏng và nguy cơ mất an toàn luôn hiện hữu. Nỗi lo nhất của người dân nơi đây là mùa mưa bão về, đặc biệt lo cho các cháu nhỏ đi học phải qua cầu hàng ngày. 

Ông Trương Văn Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án huyện Quỳ Hợp, cho biết, hiện trên địa bàn vẫn còn 3 nơi người dân phải đi qua sông Dinh bằng cầu tạm. Đó là Sơn Tiến, Cóc Mậm (xã Thọ Hợp) và Đồng Chảo (xã Tam Hợp). Người dân và các xã cũng đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị lên huyện để làm cầu cho dân, nhưng vì kinh phí hạn hẹp và một số lý do khác nên vẫn chưa triển khai được. Huyện cũng đã báo cáo lên tỉnh về việc này. Hiện mới có cầu Cóc Mậm được cấp kinh phí 17 tỷ đồng và đã hoàn thành hơn 50% khối lượng tiến độ công trình, hy vọng trước mùa mưa bão người dân sẽ có cầu để đi.

Ý kiến của bạn

Bình luận