Hệ thống công nghệ đường thủy nhiều trục trặc, giải quyết thế nào?

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Ứng dụng 27/09/2022 11:15

Giai đoạn 2015-2016, Cục Đường thủy nội địa VN linh hoạt đầu tư hệ thống công nghệ, nhưng hầu hết hệ thống máy tính (máy chủ) bị hư hỏng, vận hành giám sát tự động phao bị gián đoạn.

Hệ thống công nghệ đường thủy nhiều trục trặc, giải quyết thế nào? - Ảnh 1.

Trên các tuyến đường thủy quốc gia hiện có 63 trạm đo mực nước tự động, song gặp trục trặc phần mềm nên bị gián đoạn việc truyền dữ liệu về máy chủ để phục vụ quản lý (ảnh: khu vực đặt thiết bị đo mực nước tự động, camera giám sát đường thủy trên sông Lô tại Việt Trì, Phú Thọ).

Một số tín hiệu chuyển biến

Mới đây, một doanh nghiệp khu vực phía Nam làm thủ tục xin cấp phép vận tải thủy trên tuyến vận tải thủy qua biên giới Việt Nam – Campuchia. Thay vì phải làm thủ tục giấy và gửi qua bưu điện đến Cục Đường thủy nội địa VN như trước, doanh nghiệp trên làm thủ tục trực tuyến qua mạng internet và nhanh chóng nhận được giấy phép trực tuyến. Phương thức này giúp đơn vị xin phép và cơ quan cấp phép đều thuận lợi, nhanh chóng nhất.

Bà Khúc Thị Nguyệt Hảo, Trưởng phòng Khoa học công nghệ, Hợp tác quốc tế và môi trường, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, thủ tục trên chỉ là 1 trong số 37 thủ tục hành chính lĩnh vực đường thủy (thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục) đã được chuyển đổi từ phương thức giải quyết thủ công sang điện tử trực tuyến qua mạng internet.

"Sau khi Bộ GTVT công bố các thủ tục, đến nay, Cục Đường thủy nội địa VN đã hoàn thành quy trình nội bộ, quy trình điện tử và đảm bảo hạ tầng kỹ thuật thực hiện trên Cổng một cửa điện tử cho 37 thủ tục hành chính, đạt 100% (trong tổng số 58 thủ tục hành chính lĩnh vực đường thủy, số thủ tục còn lại thuộc Sở GTVT và cơ sở đào tạo) và và 10 thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4, đạt 27%", bà Hảo cho biết.

Kết quả cụ thể, đến đầu tháng 9/2022, có hơn 1.900 bộ hồ sơ đã được giải quyết trực tuyến trên hệ thống một cửa điện tử liên thông và dịch vụ công trực tuyến (gồm hồ sơ lĩnh vực cấp phép vận tải thủy qua biên giới; lĩnh vực kết cấu hạ tầng, cấp và cấp lại giấy chứng nhận khả năng chuyên môn; lĩnh vực cảng, bến thủy nội địa).

Có thể thấy, giá trị mang lại cho doanh nghiệp, người dân đằng sau mỗi bộ hồ sơ được giải quyết trực tuyến là giảm chi phí về thời gian chờ đợi, công sức và chi phí đi lại để thực hiện thủ tục.

Hệ thống công nghệ đường thủy nhiều trục trặc, giải quyết thế nào? - Ảnh 2.

Hơn 2.500 phao, đèn tín hiệu đường thủy được gắn định vị GPS và giám sát trạng thái hoạt động của đèn cũng bị gián đoạn kết nối với Trung tâm giám sát ATGT đường thủy do thiếu phần mềm vận hành.

Khắc phục hư hỏng, tái cấu trúc tổng thể hệ thống

Tìm hiểu thêm của PV Tạp chí GTVT cho thấy, bên cạnh ứng dụng công nghệ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, hiện Cục Đường thủy nội địa VN có sự chuyển động tích cực trong công tác ứng dụng công nghệ vào điều hành, quản lý chuyên ngành.

Có thể kể đến, từ tháng 8/2021, liên thông phần mềm quản lý văn bản của Cục với trục văn bản Bộ GTVT, kết nối với các Sở GTVT địa phương, đơn vị trực thuộc, sử dụng chữ ký số cá nhân trong phê duyệt hồ sơ công việc.

Đầu tư hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đạt chuẩn từ Văn phòng Cục đến các 5 điểm cầu khác; hoàn thành hệ thống thông tin báo cáo trực tuyến (cập nhật báo cáo định kỳ; cập nhật nhiệm vụ lãnh đạo Bộ GTVT giao và kết quả thực hiện trên hệ thống phần mềm của Bộ GTVT).

Về ứng dụng công nghệ phục vụ quản lý chuyên ngành, năm 2021, Cục tích cực khắc phục, sửa chữa 2 phần mềm, ứng dụng công nghệ trong quản lý hạ tầng đường thủy (thu nhập dữ liệu từ các trạm đo mực nước tự động; quản lý và cập nhật dữ liệu các báo hiệu, đèn tín hiệu đường thủy lắp định vị GPS để giám sát vị trí, trạng thái hoạt động của đèn).

Tuy vậy, đằng sau dấu hiệu tích cực trên, ít người biết rằng, giai đoạn năm 2015-2016, do đầu tư chắp vá nên hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của Cục Đường thủy nội địa VN hiện trong tình trạng "lỗi hệ thống" nên đang phải cải tạo, tái cấu trúc lại hệ thống tổng thể phần cứng công nghệ, khung kiến trúc tổng thể hệ thống để cài đặt các phầm mềm phục vụ quản lý.

Đó là phải giải quyết tình trạng: hệ thống thiết bị, phần cứng (dây dẫn điện, điều hòa, đường truyền mạng internet, hệ thống phòng chữa cháy…) hỏng hóc; hầu hết trong số 17 máy tính chủ lỗi thời, hư hỏng và không cài đặt phần mềm chính thức nào.

Điều này dẫn đến một trong những hệ quả là hệ thống trung tâm giám sát an toàn giao thông đường thủy bằng hình ảnh, tín hiệu (đặt tại Cục Đường thủy nội địa VN) không hoạt động, gián đoạn việc giám sát trực tuyến từ xa đối với hệ thống hơn 2.500 phao, đèn tín hiệu đường thủy gắn định vị GPS và không thu thập được dữ liệu từ 63 trạm đọc mực nước tự động…

Đây cũng là nguyên nhân khiến vài năm trước đây, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin của Cục Đường thủy nội địa VN khá thấp so với các đơn vị khác trong ngành GTVT.

"Cục đã lập phương án sửa chữa, nâng cấp và dự kiến triển khai cuối năm 2022 làm tiền đề để có thể cài đặt các phần mềm đã, đang được xây dựng và cài đặt trong năm 2023", theo Cục Đường thủy nội địa VN.

Hệ thống công nghệ đường thủy nhiều trục trặc, giải quyết thế nào? - Ảnh 3.

Cục Đường thủy nội địa VN đang tích cực sửa chữa, tái cấu trúc hệ thống công nghệ và lập kho dữ liệu số GTVT đường thủy để phục vụ quản lý chuyên ngành bằng công nghệ.

Cuối năm 2023 hoàn thành bộ cơ sở dữ liệu lớn

Thời gian qua, Cục Đường thủy nội địa VN được Bộ GTVT giao nhiệm vụ xây dựng các bộ cơ sở thông tin dữ liệu đường thủy làm "đầu vào" cho hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ GTVT.

Bà Khúc Thị Nguyệt Hảo, Trưởng phòng Khoa học công nghệ, Hợp tác quốc tế và môi trường cho biết thêm, cơ sở dữ liệu lĩnh vực đường thủy gồm 3 bộ phận chính: dữ liệu về kết cấu hạ tầng đường thủy, quản lý phương tiện thủy và người điều khiển phương tiện thủy.

Hiện Cục đang tích cực triển khai công việc trên và theo đó sẽ số hóa toàn bộ dữ liệu kết cấu hạ tầng của 55 tuyến đường thủy quốc gia, các dữ liệu về vận tải, an toàn giao thông; các kho dữ liệu văn bản, quản lý cán bộ, các tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành đường thuỷ; quy trình xử lý nghiệp vụ quản lý văn bản được tin học hoá...

"Dự kiến đến tháng 12/2023, Cục Đường thủy nội địa VN sẽ hoàn thiện một bộ cơ sở dữ liệu lớn được số hóa, gồm toàn bộ các dữ liệu cơ sở về tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy, bảo trì, thống kê tai nạn, xử phạt hành chính, lưu lượng vận tải hành khách, hàng hóa đường thủy.

Và với các phần mềm quản lý đang được xây dựng, cập nhật, công tác quản lý GTVT đường thủy và phục vụ doanh nghiệp, người dân bằng phương thức điện tử trực tuyến, số hóa được áp dụng mạnh mẽ", bà Hảo thông tin.

Nguồn lực đầu tư hơn 67 tỷ đồng

Theo Cục Đường thủy nội địa VN, giai đoạn năm 2015-2016, Cục linh hoạt vận dụng đầu tư 12 hệ thống phần mềm nghiệp vụ để ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý văn phòng, quản lý chuyên ngành. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm và định hướng tổng thể nên kém hiệu quả.

Hiện lĩnh vực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số của Cục đang được đầu tư từ thông qua Dự án IW-MIS dự án chính và giai đoạn mở rộng là 1,5 triệu AUS (khoảng hơn 23,1 tỷ đồng, do Chính phủ Úc tài trợ) thực hiện từ tháng 10/2020 đến 12/2023; và Dự án đầu tư công trung hạn (được phê duyệt tháng 11/2021, 43,9 tỷ đồng) thời gian thực hiện dự kiến đến tháng 12/2023.

Sau khi hoàn thành các dự án trên, đến cuối năm 2023 Cục Đường thủy nội địa VN sẽ có được một hệ thống thông tin tổng thể đảm bảo số hóa toàn bộ hoạt động của mình.