Hành lang PPP của Việt Nam đã sẵn sàng

Bạn đọc 05/05/2015 06:48

Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, ngày 25/02/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 355/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.


Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được thực hiện bằng hình thức BOT

Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được thực hiện bằng hình thức BOT

Để thực hiện được Chiến lược này, theo báo cáo của Bộ GTVT, tổng nhu cầu vốn của toàn Ngành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (gồm đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt và hàng không), giai đoạn 2011 – 2020 khoảng 1.500.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 75 tỷ USD). Đứng trước nhu cầu đầu tư bức thiết và “khổng lồ” này, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng một phần rất hạn chế, việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân vào hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ GTVT là một giải pháp hữu hiệu.

Định hướng và quyết tâm của Chính phủ trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân được thể hiện rõ nét trong những tháng đầu năm 2015 vừa qua bằng việc ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và tiếp theo đó là Nghị định số 30/2015/NĐ-CP về lựa chọn nhà đầu tư. Đây là hai Nghị định quan trọng tạo khung pháp lý rõ ràng về PPP để mở rộng cánh cửa thu hút đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng, dịch vụ công nói chung và lĩnh vực GTVT nói riêng trong thời gian tới.

Minh bạch thông tin là điều kiện tiên quyết

Nghị định 15 yêu cầu công khai hóa, minh bạch hóa thông tin dự án và danh mục dự án sau khi Đề xuất dự án được phê duyệt – đây là yếu tố thuận lợi để các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội đầu tư ngay từ trong giai đoạn dự án đang được chuẩn bị, nghiên cứu (dự án chỉ được tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sau khi hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi – trừ các dự án quy mô nhỏ). Chưa dừng ở đó, bên cạnh việc công bố thông tin theo các quy định đấu thầu thông thường, Nghị định 30 quy định thêm trách nhiệm cho bên mời thầu: “Có trách nhiệm đăng tải thông báo mời sơ tuyển quốc tế lên trang thông tin điện tử hoặc tờ báo quốc tế bằng tiếng Anh được phát hành rộng rãi tại Việt Nam”. Như vậy, trong thời gian tới, các nhà đầu tư trong và ngoài nước (đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài) không phải “tốn sức” đi gõ cửa các bộ, ngành và địa phương để “săn” các dự án PPP tiềm năng nói chung và lĩnh vực GTVT nói riêng.

Mở rộng lĩnh vực và loại hình hợp đồng

Nhìn lại hành lang pháp lý về PPP trước đây, các loại công trình hạ tầng giao thông được liệt kê cụ thể – một số chuyên gia cho rằng, quy định này nhiều nhưng vẫn thiếu và sẽ gây khó khăn trong quá trình triển khai (trường hợp loại dự án chưa được liệt kê). Bằng việc quy định chung cho “công trình kết cấu hạ tầng GTVT và dịch vụ liên quan”, Nghị định 15 đã quy định gọn hơn nhưng đáp ứng đủ nhu cầu thực tiễn triển khai – đặc biệt đối với sự gia tăng nhu cầu thu hút đầu tư đối với các dự án dịch vụ khai thác, vận hành công trình giao thông, dịch vụ vận tải.

Trong thời gian gần đây, dư luận rất quan tâm chủ trương của Chính phủ về việc nhượng quyền khai thác sân bay, cảng biển, nhà ga, đường cao tốc… Điều này cho thấy, việc vận hành, khai thác các công trình giao thông cũng được quan tâm, đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân trong thời gian tới. Cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai chủ trương này là việc mở rộng loại hình hợp đồng PPP trong Nghị định 15, ví dụ hình thức hợp đồng Kinh doanh – Quản lý (O&M). Như vậy, đi cùng với việc mở rộng loại hình dự án PPP trong lĩnh vực giao thông, việc bổ sung loại hình hợp đồng PPP trong Nghị định 15 đã tạo cơ chế thuận lợi hơn cho các cơ quan quản lý Nhà nước, đồng thời tạo sự “yên tâm” cho các nhà đầu tư và mở ra thêm nhiều cơ hội đầu tư trong lĩnh vực quan trọng này.

Nghiên cứu, chuẩn bị dự án trước khi đưa ra thị trường

Năm 2013, Bộ GTVT đã giới thiệu thị trường quốc tế Dự án đầu tư đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết. Kết quả sơ tuyển cho thấy có 12 nhà đầu tư quốc tế quan tâm đăng ký tham dự sơ tuyển Dự án – đây là con số rất ấn tượng cho một dự án giao thông thí điểm theo mô hình PPP và có lưu lượng giao thông chưa thuộc loại “khủng”. Điểm cần nhìn nhận ở đây là dự án đã được tổ chức chuẩn bị, nghiên cứu bài bản đúng thông lệ, yêu cầu quốc tế (do các công ty tư vấn nước ngoài thực hiện) với mô hình tài chính rõ ràng và có phương án phân chia rủi ro hợp lý – khi nhà đầu tư “nhìn rõ” được dự án, chắc chắn họ sẽ quan tâm và tham gia đầu tư.

Tính công phu trong quá trình chuẩn bị Dự án có thể được xem là “ngoại lệ” nếu xét trong khu pháp lý về PPP trước đây, tuy nhiên, với Nghị định 15, những dự án yêu cầu phải hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi (trừ các dự án nhóm C) trước khi đưa ra thị trường, lựa chọn nhà đầu tư. Với quy định này, trong thời gian tới, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không thể vội vàng kêu gọi đầu tư khi dự án còn trong “trứng nước”. Để làm được điều đó, các dự án PPP đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương phải có kế hoạch bố trí các nguồn lực (nhân sự, thời gian, kinh phí) cho việc chuẩn bị, nghiên cứu dự án nhưng chắc chắn rằng sự hấp dẫn của các dự án PPP đối với các nhà đầu tư sẽ tăng thêm rất nhiều.

Quản lý đầu ra – tạo sự chủ động cho nhà đầu tư

Theo Nghị định 15, Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án PPP khác với dự án đầu tư công thông thường, theo đó làm rõ các yêu cầu về chất lượng của công trình, dịch vụ sẽ được cung cấp, không định hướng cho một loại công nghệ hay một giải pháp triển khai cụ thể nào. Nhà đầu tư có giải pháp và công nghệ tối ưu sẽ được lựa chọn thông qua đấu thầu để đảm bảo hiệu quả cao nhất của dự án. Khung pháp lý mới về PPP có vẻ “làm khó” hơn các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi yêu cầu sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy cũng như cách quản lý, kiểm soát “đầu ra” thay cho việc quản lý chặt các yếu tố “đầu vào” – như các dự án đầu tư công thông thường. Tuy nhiên, đây là yếu tố thuận lợi để Nhà đầu tư phát huy tối đa tính năng động, sáng tạo và chủ động cân đối nguồn lực của mình (vật liệu, nhân công, công nghệ, phương thức vận hành, quản lý…) để vừa đảm bảo chất lượng công trình và dịch vụ cung cấp trong suốt vòng đời dự án theo các điều khoản đã cam kết tại hợp đồng dự án (về quy mô, công suất, tính liên tục và chất lượng dịch vụ…), vừa có thể tối đa hóa lợi nhuận đầu tư từ dự án.

Đáp ứng mối quan tâm của bên cho vay

Trong một dự án PPP, bên cho vay có thể tham gia tới 80 – 85% nguồn vốn do nhà đầu tư huy động (vốn chủ sở hữu và vốn vay) đầu tư dự án và do đó bên được xem là bên chịu rủi ro lớn nhất và có vai trò rất quan trọng. Những quan tâm của bên cho vay không chỉ về dòng tài chính của dự án, năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư mà còn là những cam kết của Chính phủ được quy định cụ thể trong các văn bản pháp lý.

Nghị định về PPP đã làm rõ cơ chế thực hiện quyền tiếp nhận dự án của bên cho vay (trong trường hợp nhà đầu tư không còn đủ năng lực thực hiện dự án) thông qua thỏa thuận với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, một số biện pháp bảo đảm đầu tư là đặc thù của hình thức đầu tư PPP như bảo lãnh nghĩa vụ của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và doanh nghiệp khác, bảo đảm quyền thế chấp dự án, bảo đảm thực hiện quyền sử dụng đất, bảo đảm cân đối ngoại tệ cũng đã được làm rõ về cơ chế thực hiện trong Nghị định lần này.

Khi mối quan tâm của bên cho vay đã được đảm bảo rõ ràng thì cơ hội tiếp cận với các nguồn vay tín dụng của các nhà đầu tư sẽ được cải thiện đáng kể và đây là yếu tố quan trọng để họ quyết định đầu tư – đặc biệt trong lĩnh vực giao thông có tổng vốn đầu tư lớn, thời gian hợp đồng dài (20 – 30 năm).

Từ những phân tích nêu trên, với những thay đổi cơ bản về tư duy cũng như cách làm, hành lang pháp lý về PPP tại Việt Nam có thể nói đã sẵn sàng cho một sân chơi cạnh tranh, công bằng, minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm khơi thông nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân trong thời gian tới.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận