Hàng trăm đầu máy, toa xe đường sắt cũ được kéo dài niên hạn sử dụng

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 14/12/2023 21:03

Theo nghị định Chính phủ vừa ban hành, phương tiện đường sắt thuộc diện hết niên hạn sử dụng trong năm 2024 - 2025 được tiếp tục hoạt động đến hết năm 2030.

Hàng trăm đầu máy, toa xe đường sắt cũ được kéo dài niên hạn sử dụng- Ảnh 1.

Đầu máy, toa xe đường sắt hết niên hạn sử dụng trong khoảng thời gian từ năm 2018-2025 được hoạt động đến hết ngày 31/12/2030 - Ảnh minh họa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 91/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2018 (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt) và Nghị định số 01/2022 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2018). 

Theo nghị định mới, các phương tiện giao thông đường sắt thuộc diện niên hạn sử dụng trong khoảng thời gian từ năm 2024 – 2025 tiếp tục được kéo dài thời gian hoạt động đến hết ngày 31/12/2030.

Trước đó, Nghị định số 01/2022 (có hiệu lực từ 4/1/2022) quy định kéo dài thời gian hoạt động của đầu máy, toa xe đã hoặc sắp hết niên hạn. Cụ thể, phương tiện hết niên hạn sử dụng trước ngày 31/12/2018 được hoạt động đến hết năm 2023; phương tiện hết niên hạn trong năm 2019 được hoạt động đến hết năm 2024; phương tiện hết niên hạn trong khoảng thời gian năm 2020 - 2025 được hoạt động đến hết ngày 31/12/2025. Còn phương tiện hết hạn sử dụng từ ngày 1/1/2026 sẽ không được kéo dài thời gian hoạt động. 

Cùng đó, nghị định mới của Chính phủ cũng phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương xây dựng đường bộ ngang qua đường sắt từ Bộ GTVT về Cục Đường sắt VN thực hiện. Cụ thể, Cục Đường sắt VN chấp thuận chủ trương xây dựng đối với đường ngang giao với tuyến đường sắt có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 100 km/h; đường bộ từ cấp IV trở xuống giao với đường sắt quốc gia, đường ngang công cộng xây dựng trên đường sắt chuyên dùng liên quan đến quốc lộ.

Về thủ tục chấp thuận, chủ đầu tư nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trên môi trường điện tử đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chấp thuận chủ trương xây dựng. Trường hợp gửi trên môi trường điện tử, hồ sơ đề nghị gồm bản sao điện tử của các tài liệu theo quy định và thực hiện trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ GTVT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.

Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chấp thuận chủ trương xây dựng đường ngang phải có văn bản chấp thuận hoặc không trả lời lý do không chấp thuận.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), thời điểm đầu năm 2023, đường sắt có 258 đầu máy, 980 toa xe khách và 4.318 toa xe hàng đang hoạt động. Theo quy định về niên hạn, hết năm 2023 bắt đầu có 38 đầu máy, 74 toa xe khách và 391 toa hàng hết niên hạn sử dụng. Con số trên tăng thêm từng năm, tính đến năm 2050 sẽ có 238 đầu máy và 3.848 toa tàu phải dừng hoạt động do hết niên hạn sử dụng.

Đến nay, dù chưa loại bỏ phương tiện nào theo quy định về niên hạn sử dụng, VNR cho biết, gặp khó khăn, vướng mắc rất lớn khi thực hiện theo quy định trên. Do đó, VNR có văn bản đề nghị Bộ GTVT đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa Luật Đường sắt 2017 theo hướng bỏ quy định về niên hạn đường sắt; giao Bộ GTVT quy định việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện đường sắt.

Cũng theo VNR, từ năm 2017-2022, VNR đã chủ động thanh lý 22 đầu máy, 216 toa xe khách và 1.104 toa tàu chở hàng. Từ năm 2016 đến nay, các công ty vận tải đường sắt đã chủ động đóng mới 638 toa tàu, với số tiền hơn 1.979 tỷ đồng.

Ý kiến của bạn

Bình luận