Hàng loạt những kỷ lục về cây cầu Pá Uôn

Tác giả: Phương Vũ

saosaosaosaosao
Thị trường 01/09/2016 06:42

Nằm vắt ngang qua sông Đà trên tuyến QL279 thuộc địa bàn xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, cầu Pá Uôn nổi tiếng không chỉ bởi được bao bọc giữa khung cảnh kỳ vĩ của núi rừng Tây Bắc mà còn bởi hàng loạt những kỷ lục mà trước đó chưa một cây cầu nào ở Việt Nam chinh phục được.

CauPaUon

Cây cầu cao nhất Việt Nam

Do nằm trong vùng lòng hồ thủy điện Sơn La có mực nước sâu 80m, nên cầu Pá Uôn được thiết kế với phần trụ cầu cao “kỷ lục”. Ngày 28/02/2015, cầu Pá Uôn được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chính thức xác nhận là cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam, với trụ chính cao tới 98,6m. Chiều cao toàn cây cầu tính từ cao độ đáy sông lên đến cao độ mặt cầu là 103,8m. Với chiều cao như vậy, cầu Pá Uôn đồng thời trở thành cây cầu có cột trụ cao nhất Đông Nam Á ở thời điểm hiện tại.

Để thi công các trụ cầu Pá Uôn, nhà thầu đã phải sử dụng các cần cẩu tháp vận thang cao hơn 116m để thi công lắp dựng cốt thép, ván khuôn và đúc các đốt thân trụ từ dưới lên đến đốt K0 của dầm cầu, đồng thời phải huy động máy bơm công suất lớn để đổ bê tông đúc các đốt bê tông thân trụ và thi công đúc hẫng các đốt dầm ở các cánh hẫng của phần cầu chính. Dù công tác thi công phức tạp như vậy nhưng trong suốt 3 năm triển khai, dự án cầu Pá Uôn không hề xảy ra một sự cố nào.

Cây cầu đắt nhất

Được khởi công vào giữa năm 2007 và dự kiến đưa vào sử dụng trước mùa lũ năm 2009, song dự án cầu Pá Uôn đã không thể hoàn thành kịp tiến độ do gặp nhiều yếu tố bất lợi. Trong đó, yếu tố bất lợi lớn nhất là vướng mắc về chậm chuyển vốn thời gian đầu do sử dụng vốn đền bù dự án Thủy điện Sơn La của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN). Cuối tháng 6/2008, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo các ngân hàng trong nước thực hiện chuyển vốn, yêu cầu EVN phải cân đối, thanh toán kịp thời. Nhờ đó, vướng mắc về vốn mới được giải quyết.

Thế nhưng ngay sau đó, sự biến động của giá vật tư đã khiến Dự án bị đội vốn lên đến gần 740 tỷ đồng thay vì 500 tỷ đồng tổng mức đầu tư ban đầu. Vì vậy, cầu Pá Uôn nghiễm nhiên lại có thêm kỷ lục là cây cầu đắt nhất Việt Nam lúc đó.

Quá trình thi công thuộc dạng “khó nhằn” nhất

Ngay từ khi phôi thai, “cha đẻ” thiết kế của cầu Pá Uôn - TEDI - đã xác định đơn vị sẽ phải đương đầu với không ít khó khăn. Đầu tiên, Dự án vấp phải sự tranh luận, phản biện gay gắt của các chuyên gia trong và ngoài ngành. Song, bằng sự dày công nghiên cứu, nhóm tác giả thiết kế cầu Pá Uôn đã xóa tan mọi nghi ngờ dù là nhỏ nhất của các phản biện viên là các chuyên gia hàng đầu.

Khó khăn thứ hai mà các nhà thầu phải giải quyết là tiến độ hoàn thành dự án bởi khi đó, đến tháng 4/2010 sẽ xả lũ hồ sông Đà, cả vùng Pá Uôn sẽ chìm trong biển nước. Hơn nữa, cầu Pá Uôn được xây dựng trong vùng thường xuyên xảy ra động đất cấp 8 - 9 nên thi công làm sao để cầu có thể chống chọi lại động đất là một bài toán “khó nhằn” ngay cả với nhà thầu dày dặn kinh nghiệm như TEDI.

Để giải quyết bài toán này, các kỹ sư thiết kế của TEDI đã chọn lọc những công nghệ thi công mới nhất trên thế giới. Trước hết, họ lựa chọn kết cấu thân trụ hình chữ H dạng tường bản bằng bê tông cốt thép 2 nhánh cấu tạo giằng ngang có độ cứng phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu: Trụ khung đảm bảo tính “Cứng trong thi công và khai thác”, “Mềm trong dao động động đất và các tác động khác”.

Để thi công thân trụ có chiều cao lớn, các kỹ sư Việt Nam đã tự thiết kế và gia công bộ ván khuôn để thi công thân trụ với giá thành thấp, thuận tiện trong thi công, phù hợp với tay nghề cán bộ công nhân, đảm bảo an toàn khi thi công trên cao. Quá trình thi công thân trụ, mỗi trụ chính được bố trí cần cẩu tháp kết hợp máy bơm pentax công suất lớn cấp bê tông từ bờ ra vị trí trụ để đổ bê tông đúc các đốt bê tông thân trụ. Sau đó, bê tông được bơm cao lên đến 100m, đổ bê tông một lần, khối lượng lớn với hệ thống ván khuôn trượt lắp ghép để thi công đúc hẫng cân bằng các đốt dầm hộp liên tục. Bên cạnh đó, cầu Pá Uôn còn được áp dụng những sáng tạo trong việc nghiên cứu cải tiến công nghệ và dùng vật tư trong nước thay thế vật tư nhập ngoại như: Giải pháp sử dụng gối chậu thép di động có độ chuyển dịch ±250mm kết hợp bố trí chốt thép chống động đất trên đỉnh trụ; giải pháp cấu tạo chống động đất “Liên kết chốt tăng cường” tại mặt cắt thân trụ tiếp giáp đỉnh bệ móng các trụ khung dầm liên tục, giúp Pá Uôn có khả năng chịu được động đất cấp 9…

Do lòng sông sâu, nước chảy xiết, địa tầng đáy sông không có tầng phủ nên không thể đóng cọc ván thép, việc bố trí mặt bằng thi công cọc khoan nhồi gặp rất nhiều khó khăn. Các nhà thầu đã phải thi công cọc từ bờ ra phía sông để lắp đặt đảo nổi kết hợp thả rọ đá giữ đất, tận dụng tối đa mực nước kiệt để thi công vượt lũ. Ngoài ra, các đơn vị thi công còn phải xây đường công vụ từ hai đầu bến phà Pá Uôn (nằm cách cầu khoảng 01km) vào vị trí xây dựng cầu, kết hợp xây dựng 02 trạm biến thế 750KVA ở hai bờ để cung cấp năng lượng phục vụ thi công từ hai phía.

Người thợ phải làm việc ở độ cao tương đương với một tòa nhà 33 tầng giữa thời tiết nắng nóng gay gắt, có khi lên đến 40oC. Thỉnh thoảng lại có một trận gió to ào qua khiến cả người lẫn tấm ván khuôn nặng hàng tấn đều chao đảo. Thế rồi mùa lũ đầu tiên xảy ra vào tháng 5/2007, nước sông Đà đổ về cuồn cuộn cuốn phăng đi những đảo nổi mà các nhà thầu kỳ công lắp đặt để phục vụ thi công. Các công nhân lại phải hì hục lắp đặt lại những chiếc đảo lớn hơn, vững chãi hơn để đủ sức trụ lại trước dòng nước sông Đà hung hãn, trong khi áp lực thời gian là cực kỳ nặng nề. Thế nhưng, bằng nỗ lực phi thường của những người thợ cầu, đúng 3 năm sau ngày khởi công, cầu Pá Uôn - một công trình “Made in Vietnam” hoàn toàn đã được hợp long, mở ra một trang sử mới cho vùng núi Tây Bắc.

Ý kiến của bạn

Bình luận