Hàm lượng lưu huỳnh trong dầu nhiên liệu dùng cho tàu biểm hoạt động trong khu vực kiểm soát phát thải giảm xuống 0,1 phần trăm từ ngày 01/01/2015

Khoa học - Công nghệ 03/11/2014 08:28

Theo quy định của Phụ lục VI – “Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm không khí do tàu gây ra” của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra năm 1973, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định thư năm 1978 (Công ước MARPOL), từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, yêu cầu mới ngặt nghèo về hàm lượng lưu huỳnh trong dầu nhiên liệu sử dụng cho tàu biển hoạt động trong khu vực kiểm soát phát thải (Emission Control Area – ECA) có hiệu lực.


Theo đó, khi hoạt động trong khu vực kiểm soát phát thải, hàm lượng lưu huỳnh trong dầu nhiên liệu của tàu không được quá 0,1 phần trăm. Hiện tại con số này là 1,0 phần trăm.

Phụ lục VI của Công ước MARPOL quy định trên thế giới có 04 khu vực kiểm soát phát thải, đó là: biển Ban-Tíc (the Baltic Sea), biển Bắc (the North Sea), khu vực kiểm soát phát thải bắc Mỹ (the North American ECA, kéo dài 200 hải lý từ bờ biển của Hoa Kỳ và Ca-Na-Đa), và biển Ca-Ri-Bê thuộc Hoa Kỳ (the US Carribean Sea).

Việc tuân thủ quy định mới về hàm lượng lưu huỳnh trong dầu nhiên liệu sử dụng cho tàu biển, khi hoạt động trong khu vực kiểm soát phát thải, có thể được thực hiện bằng cách sử dụng dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh 0,1 phần trăm tại mọi thời điểm hoạt động của tàu, hoặc chuyển đổi từ dầu có hàm lượng lưu huỳnh cao sang dầu có hàm lượng lưu huỳnh 0,1 phần trăm khi tàu đi vào khu vực kiểm soát phát thải. Trong trường hợp áp dụng biện pháp chuyển đổi dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh cao sang thấp, theo Quy định 14.6, Phụ lục VI của Công ước MARPOL, yêu cầu trên tàu phải có “Quy trình được lập thành văn bản về cách thức thực hiện chuyển đổi dầu nhiên liệu”. Quy trình chuyển đổi phải được viết chi tiết và thuyền viên phải thành thạo trong việc thực hiện quy trình. Quy trình này phải được thực hiện đầy đủ trước khi tàu đi vào khu vực kiểm soát phát thải. Trên tàu phải có nhật ký ghi chép việc thực hiện chuyển đổi dầu nhiên liệu.

Việc chuyển đổi dầu nhiên liệu trong quá trình hoạt động của tàu có thể gặp phải một số vấn đề liên quan đến các đặc tính của nhiên liệu như độ nhớt, tính bôi trơn, điểm bắt cháy, sự mồi cháy và chất lượng đốt cháy. Thách thức lớn nhất là độ nhớt thấp của dầu nhiên liệu có thể gây ra rò rỉ trong bơm cấp nhiên liệu và bơm phun nhiên liệu, dẫn đến làm giảm lượng dầu cung cấp cho động cơ và hậu quả là ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng của động cơ, chẳng hạn như việc khởi động động cơ. Chủ tàu có thể cân nhắc việc trang bị bơm nhiên liệu và vòi phun phù hợp với nhiên liệu có độ nhớt thấp. Dầu có độ nhớt quá thấp có thể dẫn đến sự mài mòn nhanh hoặc gây kẹt bơm nhiên liệu.

Do các rủi ro về cháy liên quan đến việc sử dụng dầu nhiên liệu bay hơi cao nên Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã cấm dùng dầu nhiên liệu với điểm bắt cháy dưới 60 độ C. Một kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng hầu hết các dầu nhiên liệu với hàm lượng lưu huỳnh thấp đều có điểm bắt cháy dưới 60 độ C. Không nên sử dụng loại dầu này trên tàu và chúng phải được quản lý phù hợp với các quy định của quốc gia. Cần lưu ý là điểm bắt cháy được ghi trong phiếu giao nhận dầu nhiên liệu của tàu.

Để ngăn ngừa dầu nhiên liệu bị làm nóng trên 40 độ C dẫn đến làm giảm độ nhớt, có thể gây ra một số vấn đề với động cơ đi-ê-den, nồi hơi, bơm, … nên lắp đặt thiết bị làm mát hoặc làm lạnh bên trong két chứa nhiên liệu hoặc đường ống dẫn dầu của tàu.

Theo vr.mt.gov.vn

Ý kiến của bạn

Bình luận