Hạ tầng giao thông quyết định sự phát triển của vùng kinh tế phía Nam

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Xã hội 18/08/2016 19:51

Bí thư, Đinh La Thăng nhấn mạnh “vùng có kết nối trở thành động lực công nghiệp hóa hiện đại hóa được hay không là do kết nối hạ tầng giao thông".

h1
Hội nghị chuyên đề kết nối giao thông các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngày 18/8, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị chuyên đề kết nối giao thông các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam với sự tham dự của lãnh đạo trung ương, TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, về phía Bộ GTVT có Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông.

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, vùng KTTĐ phía Nam có ý nghĩa phát triển quan trọng, những năm qua cơ cấu kinh tế các tỉnh trong vùng tăng trưởng nhanh và đúng hướng. Hiệu quả sản xuất được nâng cao về chất và lượng, đã huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng. Hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư, mở rộng và nâng cấp với nhiều dự án kết nối từ TP.HCM với các tỉnh trong vùng trên cả 3 lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường thủy.

Theo ông Phong bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như các tỉnh trong vùng chưa có sự đầu tư đúng mức về tổ chức con người về việc nghiên cứu tham mưu đẩy mạnh liên kết. Các dự án do Trung ương còn hạn chế và chậm triển khai.

Ông Trần Lưu Quang, Bí thư tỉnh ủy Tây Ninh cho biết, tôi đi từ Tây Ninh tới TP.HCM có 100km mất  3 tiếng đồng hồ như vậy thì rất khó kết nối phát triển kinh tế vùng. Tiền đền bù QL22 rất lớn nên giải pháp trước mắt chúng ta nên cải tạo và đầu tư làm nhanh tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Việc đầu tư QL13 theo phương án tỉnh nào địa phương tỉnh đó làm thì các tỉnh khó khăn như Tây Ninh rất khó thực hiện. Vì vậy nếu được TP.HCM nên hỗ trợ đầu tư còn địa phương sẽ làm công tác bồi thường.

Tại hội nghị ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị sớm triển khai sân bay Long Thành và đường vành đai 3. Cao tốc Bến Lức – Long Thành vốn bố trí GPMB tại Đồng Nai đến nay vẫn chưa có, nếu làm chậm sẽ phải làm lập lại phương án bồi thường. Tuyến đường sắt đô thị số 1 nếu được nên đầu tư xuống ngã 3 Vũng Tàu vì nhu cầu đi lại rất lớn. Việc triển khai đầu tư xây dựng cầu Cát Lái tỉnh Đồng Nai sẵn sàng triển khai công tác GPMB. 

Ông Trần Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho hay, đường vành đai 3 và 4 phải đầu tư để cho kết nối ngay như vậy lưu thông mới được thông suốt, nên đầu tư sớm mở rộng QL 13, khoảng 1,2 km từ Bình Chiểu giáp với TP.HCM đi ngã 3 Gò Dưa đường Phạm Văn Đồng nếu được đầu tư thì việc lưu thông từ Bình Dương, Đồng Nai đến sân bay Tân Sơn Nhất sẽ rất thuận lợi.

Giao thông thủy tại Bình Dương chưa được chú trọng đầu tư, nếu 2 sông Đồng Nai và sông Sài Gòn được nâng cấp thành sông cấp 3 thì đáp ứng được 50% hàng container lưu thông bằng đường thủy giảm áp lực cho đường bộ rất lớn.

h2
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nên ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các dự án giao thông trọng điểm, nhất là các dự án vành đai.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, trong những năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông được chú trọng, nhiều công trình được hoàn thành mang tính chất kết nối trong vùng thúc đẩy kinh tế phát triển như cao tốc TP.HCM- Long Thành, cao tốc Trung Lương và việc đầu tư cảng Cái Mép Thị Vải. Tuy nhiên hiện nay việc triển khai vẫn đang còn chậm trong công tác huy động nguồn lực như các tuyến vành 3 và 4 như vậy việc liên kết giao thông trong vùng còn khó khăn và chi phí vận tải tăng lên. Đây là vùng rất quan trọng chiếm 55 – 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu cả nước.

Bộ GTVT đang triển khai tuyến đường Hồ Chí Minh từ Chơn Thành đến Đức Hòa để hút phương tiện từ Tây Nguyên về ĐBSCL mà không phải đi qua QL13. Hay như cao tốc Bến Lức – Long Thành để phương tiện từ miền Bắc về ĐBSCL không qua TP.HCM và ngược lại.

Về đường sắt nội đô Bộ GTVT đồng ý quy hoạch kết nối, nhưng qua địa phương nào thì địa phương đó kêu gọi đầu tư. Với tuyến Metro số 1, trước mắt sử dụng xe buýt nhanh kết nối Đồng Nai. Ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các dự án giao thông trọng điểm, nhất là các dự án Vành đai. Đề nghị các địa phương, Bộ ngành cùng ủng hộ Bộ GTVT trong việc kiến nghị Chính phủ bố trí cho các dự án giao thông quan trọng ở vùng này, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Đinh La Thăng đánh giá: “Vùng KTTĐ phía Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của cả nước, những năm qua tốc độc tăng trưởng kinh tế của vùng gấp 5 lần của cả nước. Tuy nhiên sự phát triển này chưa tương xứng với tiềm năng. Hệ thống quản lý đô thị và quản lý vùng chưa theo kịp sự phát triển, chưa giúp nâng cao năng lực tăng trưởng và cạnh tranh. Nguyên nhân là do cơ chế phát triển còn hạn chế, các vấn đề về phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, quản lý đô thị. vẫn đang xử lý theo lợi ích cục bộ của địa phương. Đây là vấn đề lớn nhất cản trở sự phát triển...

h3
Bí thư, Đinh La Thăng nhấn mạnh “vùng có kết nối trở thành động lực công nghiệp hóa hiện đại hóa được hay không là do kết nối hạ tầng giao thông".

Chúng ta cứ bắt tay nhau thế thôi chứ thực tế lợi ích địa phương nào thì nghĩ cho địa phương đó. Vì vậy với vai trò là Chủ tịch hội đồng điều phối Vùng KTTĐ phía Nam, TP.HCM đã đứng ra tổ chức Hội nghị kết nối giao thông vùng. Bởi giao thông có kết nối thuận tiện thì sẽ góp phần quan trọng trong việc kết nối liên kết vùng, Bí thư Thăng cho hay.

Theo Bí thư Thăng hiện nay chưa có một cơ chế điều hành thực sự, giải pháp cũng chưa phù hợp, công tác quy hoạch chưa đồng bộ giữa phát triển của địa phương với các ngành. Vùng có thể là kết nối được hay không phải do kết nối hạ tầng giao thông. Khi chúng ta thực hiện được việc kết nối vùng thì mới phát huy và trở thành động lực công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

Bí thư Thăng đề nghị TP.HCM chủ tịch hội kinh tế vùng phải tiến hành tổng kết và đánh giá việc triển khai thực hiện nghị quyết 53 Bộ chính trị đồng thời tổ chức hội thảo về phát triển kinh tế vùng . Một số những bổ sung, đề xuất của các địa phương chúng ta phải quy hoạch xây dựng để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Tập trung triển khai các dự án hạ tầng giao thông có thể làm ngay theo tính tập thể kinh tế vùng.

Bộ GTVT khẩn trương đẩy nhanh thu phí tự động để kiểm soát được nguồn thu, giá vé hợp lý và tránh được ùn tắc giao thông. Trong thời gian tới Bộ GTVT phối hợp, hỗ trợ với các Sở GTVT của các địa phương thành lập tổ điều phối kết nối giao thông vùng để xác định lộ trình của từng dự án để đầu tư với phương trâm huy động nguồn vốn tại chỗ. Giao thông thủy phải giải quyết được các tĩnh không đặc biệt là cầu Bình Lợi triển khai như vậy là chậm.

Ý kiến của bạn

Bình luận